Làm việc để... chờ ra đi!
Ngày 7/9, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KHĐT TP Đà Nẵng cho biết, tại đơn vị đã có nhiều trường hợp là cán bộ thuộc đề án Nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) của thành phố ra đi sau 5-7 năm làm việc, vì không được vào biên chế.
"Dù khối lượng công việc hiện tại là rất lớn so với trước nhưng Sở chưa được bổ sung nhân sự để phục vụ công tác chuyên môn mới, trong khi chỉ tiêu biên chế hành chính được giao không tăng khiến Sở quá tải"- ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng cho hay.
"Cuối năm 2015, số biên chế của Sở là 52 biên chế/85 cán bộ công chức, người lao động. Đến năm 2020, theo quy định của T.Ư và TP chỉ được tuyển dụng 50% số biên chế nghỉ hưu, thôi việc thì Sở chỉ còn 49 biến chế/78 CBCC, vẫn còn 29 cán bộ, người lao động chưa được vào biên chế.
Điều này gây tâm lý không an tâm công tác cho đội ngũ lao động Sở, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và môi trường làm việc chung của cơ quan”- ông Sơn cho biết thêm.
Không chỉ vậy, theo nhiều cán bộ công chức, trước đây TP rất quan tâm đối với cán bộ thuộc diện thu hút nhân tài, bằng việc hàng năm đều tổ chức gặp mặt, lắng nghe tâm tư và đề nghị có những đề xuất cho TP.
Ngoài ra, TP còn có nhiều cơ chế ưu đãi về biên chế như thi công chức, hỗ trợ tiền lương,... "Nhưng từ năm 2014 đến nay thì mọi khoản hỗ trợ thì bị cắt hết nên nhiều cán bộ đề án 922 rất hụt hẫng. Nên vấn đề thu hút nhân tài cần được lãnh đạo TP xem xét để các anh chị có cơ hội cống hiến hơn nữa trong thời gian tới”- một cán bộ chia sẻ.
Thừa nhận thực trạng cán bộ diện đề án 922 có tâm lý làm việc đủ 7 năm cam kết để ra ngoài làm, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.Đà Nẵng cho biết: "Không cho các bạn đi thì không được vì đó tương lai của các bạn. Do vậy, việc đào tạo cán bộ trẻ rất là băn khoăn”.
Loay hoay tìm cách "giữ chân"!
Sau khi lắng nghe ý kiến của các bên, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết: "Trước đây, cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh có quyết định là chỉ cần đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ thì sau 1 năm cán bộ 922 đều vào biên chế. Và cũng quyết định hỗ trợ 1-1,5 triệu đồng theo mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng đến năm 2014 thì thôi việc này. Vì vấn đề này đã gây ra các luồng ý kiến như quá ưu ái đối với diện thu hút, tạo tâm lý so bì và mặc cảm cho người khác.
Người khác có thể làm lâu, hiệu quả nhưng cái người ta nhận được so với cán bộ 922 thì không được gì nhiều. Diện 922 mới về lại được vào biên chế trong khi người khác thì xếp lớp ở phía sau, chưa vô biên chế được. Từ đó tạo cảm giác có gì đó không công bằng”.
Liên quan đến hỗ trợ thu nhập để giữ chân "nhân tài", ông Nguyễn Xuân Anh cho rằng, việc hỗ trợ vật chất không quan trọng bằng việc lãnh đạo quan tâm giữ chân các cán bộ đề án 922 trong việc thừa nhận năng lực, tạo môi trường làm việc cho số cán bộ này.
"Hỗ trợ 1 triệu đồng chút đỉnh về vật chất mà không quan tâm anh, bỏ anh lăn lóc thì 1 triệu đồng không đáng gì cả. Nghĩ cách để giữ chân cán bộ 922 về lâu về dài đó mới là quan trọng. Chứ nhận 1 triệu mà cứ thế suốt đời, không thăng thăng tiến, bổ nhiệm, đề bạt thì không đâu vào đâu cả”- Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh.
"Phải quan tâm đến các cán bộ đề án 922, làm sao động viên được tinh thần, giám đốc Sở cũng thường xuyên gặp gỡ để mà giữ chân người tài lại. TP mình phải giữ chân người tài lại chứ không riêng gì Sở KH-ĐT”- Bí thư Xuân Anh nói.
Và thực tế, không ít học viên tham gia chương trình đào tạo 922, nhưng vi phạm hợp đồng bằng việc tiếp tục ở lại theo học, hay không trở về làm việc như đã cam kết khiến Đà Nẵng phải đưa "nhân tài" ra tòa để phân xử gây ảnh hưởng lớn đến chính sách cũng như tâm lý làm việc của các cán bộ thuộc đề án này khiến cả người học và người sử dụng lao động lâm vào thế lưỡng nan.
Được biết, qua 10 năm triển khai Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) đã có hơn 620 người được cấp học bổng đào tạo ở nhiều cấp học từ đại học đến tiến sĩ, và từ trong nước đến nước ngoài với kinh phí hơn 600 tỷ đồng. Trong số đó đã có hơn một nửa hoàn thành chương trình đào tạo trở về và nhận công tác tại các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng.
Tuy nhiên, trong lứa học viên trở về thành phố công tác đầu tiên từ năm 2008 đến nay đã có những học viên làm việc được 07 năm, vừa đủ thời gian cam kết làm việc cho thành phố theo Hợp đồng tham gia Đề án. Nhưng với cách giữ chân như hiện nay, Đà Nẵng đang đối mặt với tình trạng không giữ chân được "nhân tài" khiến lãng phí nguồn lực đào tạo. Trong khi Đà Nẵng đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển trong giai đoạn mới.