|
BMW hạn chế dùng sợi carbon để bảo toàn lợi nhuận |
Những chiếc xe sản xuất từ vật liệu nhẹ tiêu thụ ít nhiên liệu hoặc có phạm vi hoạt động xa hơn nếu là các xe chạy pin. Đây cũng là những yếu tố quan trọng giúp nhà sản xuất có thể “ghi điểm” trong mắt người tiêu dùng cũng như cơ quan quản lý.
Không thể phủ nhận sợi carbon cứng và nhẹ hơn nhôm nhưng ngược lại, đây cũng là vật liệu đắt đỏ. Do đó, thách thức mà hãng xe BMW gặp phải là làm cách nào để duy trì lợi nhuận trong khi các đối thủ cũng đang “chạy đua” với những dòng xe điện trọng lượng nhẹ. Lựa chọn của hãng xe Đức là kết hợp sợi carbon cùng những loại vật liệu khác để đạt mục tiêu “giảm cân” cho sản phẩm mà không đẩy giá lên quá cao.
Bởi vậy, sau khi ra mắt hai mẫu xe i3 và i8 vào năm 2013 được sản xuất phần lớn từ sợi carbon, đến mẫu 5 Series mới được giới thiệu đầu tháng, vật liệu này đã không còn xuất hiện ở những thành phần chính của xe.
Theo các nhà phân tích, lượng tiêu thụ BMW i3 và i8 không đạt kỳ vọng, một phần do hãng sử dụng nhiều carbon khiến giá xe quá cao (gần 50.000 USD). Trong khi đó, đối thủ Tesla cũng đang chuẩn bị tung ra mẫu Model 3 với mức giá khoảng 35.000 USD. Hãng xe Mỹ đã nhận được 400 nghìn đơn đặt hàng cho chiếc xe điện.
Các chuyên gia tư vấn tại Frost & Sullivan ước tính, chi phí sử dụng sợi carbon là 18 USD/kg, cao hơn nhiều so với con số 1 USD/kg thép. Tuy nhiên, Boston Consulting Group nhận định chi phí sợi carbon sẽ giảm xuống khi được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp trong đó có sản xuất máy bay. Bên cạnh đó, một số hãng xe cũng chọn cách hợp tác với các công ty trong lĩnh vực nhằm cải thiện tình hình. BMW đã ký thỏa thuận hợp tác với SGL Carbon, trong khi GM bắt tay với Teijin, Audi làm việc cùng Voith và Daimler “kết giao” cùng Toray Industries của Nhật Bản.
Theo Tạp chí Ôtô XeMáy Việt Nam