Trước sự cố FTX, 'đế chế' crypto của Sam Bankman-Fried từng lớn mạnh như thế…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sự sụp đổ của FTX diễn ra chóng vánh đến bất ngờ. Chỉ vài tháng trước, Sam Bankman-Fried còn được ca tụng như 'hiệp sĩ áo trắng' khi chi 1 tỉ USD để giải cứu một số công ty tiền điện tử gặp khó khăn.
Sam Bankman-Fried - CEO sàn giao dịch tiền điện tử FTX (Ảnh: FTX)

Sam Bankman-Fried - CEO sàn giao dịch tiền điện tử FTX (Ảnh: FTX)

Sam Bankman-Fried (SBF) - ông chủ 30 tuổi của FTX, người từng tuyên bố muốn mua Goldman Sachs vào năm ngoái, đã chứng kiến khối tài sản 24 tỉ USD của mình ‘bốc hơi’ trong tuần này khi sàn giao dịch của anh bị suy giảm thanh khoản 8 tỉ USD.

SBF từng tự nhận mình là gương mặt tiêu biểu của ngành tiền mã hóa, tích cực tham gia với các cơ quan quản lý và thu hút những người nổi tiếng và nhà đầu tư blue-chip.

Nhưng sự sụp đổ của FTX đã thay đổi tất cả. Khởi nguồn của nó bắt đầu từ ngày 2/11, sau khi bảng cân đối kế toán của Alameda Research - một quỹ đầu cơ có liên quan đến SBF - được tiết lộ. Trong số tài sản trị giá 14,6 tỉ USD của Alameda có gần 6 tỉ USD là token FTT và 2,2 tỉ USD trong số đó được thế chấp bằng các khoản vay.

Đến ngày 6/11, Binance bất ngờ thông báo sẽ bán toàn bộ token FTT đang nắm giữ. Thông tin này khiến giá FTT lao dốc và tạo nên sự hoảng loạn trong giới đầu tư tiền mã hóa. Có tới 6 tỉ USD được rút ròng ra khỏi sàn FTX của SBF chỉ trong 3 ngày. Sau khi Binance quyết định dừng việc mua lại FTX, 'đế chế' của SBF gần như sụp đổ.

Đế chế tiền mã hóa của Sam Bankman-Fried (Nguồn: Bloomberg)

Đế chế tiền mã hóa của Sam Bankman-Fried (Nguồn: Bloomberg)

'Đế chế' của SBF

Tháng 6/2022, chỉ trong vòng 14 ngày, vị tỷ phú 30 tuổi đã thực hiện liên tiếp giao dịch thỏa thuận vô cùng nhanh chóng, không giống bất kỳ ai trong lịch sử ngành. Cụ thể, SBF đã đứng ra hỗ trợ nền tảng tiền mã hóa BlockFi và cố gắng cứu công ty Voyager Digital bằng một khoản vay lớn.

SBF đã cam kết bỏ ra 1 tỉ USD – một số tiền đáng kinh ngạc khi phải mạo hiểm, đặc biệt trong bối cảnh tiền mã hóa đã xóa sạch 2 nghìn tỉ USD giá trị vốn hóa thị trường chỉ trong vòng 8 tháng.

Động thái này đã nâng tầm vị thế CEO FTX, SBF được xem như nhà bảo trợ tiền mã hóa, nhà đầu tư nhân từ và nhà từ thiện đang bảo vệ ngành công nghiệp trong thời điểm cần thiết nhất.

Cũng giống như John Pierpont Morgan ở thế kỷ 20 hay Warren Buffett ở thời nay, SBF cũng tận dụng sự khó khăn của đối thủ để ‘bành trướng đế chế’ của mình.

Theo cách nói của phố Wall, hành động của SBF giống như việc đang cố đỡ lấy một con dao đang rơi, chứng kiến việc Voyager Digital đệ đơn phá sản chỉ vài ngày sau khoản vay giải cứu. Nếu thành công, Sam sẽ có được quyền kiểm soát rộng lớn, cả trực tiếp và gián tiếp đối với ngành.

Ngoài thương vụ trên, FTX cũng tìm hiểu khả năng mua lại Robinhood Market Inc. – công ty môi giới dựa trên ứng dụng cho cả cổ phiếu và tiền điện tử từng trị giá gần 60 tỉ USD. Tuy nhiên, phía FTX cho biết không có cuộc đàm phán tích cực nào.

SBF gia nhập ngành công nghiệp tiền điện tử khá muộn màng. Năm 2017, SBF quyết định rời công ty thương mại lượng tử Jane Street để toàn tâm với dự án kinh doanh của riêng mình – Alameda Research.

SBF đã nhanh chóng xây dựng tên tuổi của mình khi Alameda tăng cường công phá các bảng xếp hạng trực tuyến về hiệu suất của các nhà giao dịch.

Sức ảnh hưởng của SBF ngày càng lớn khi quyết định thành lập FTX ở Hồng Kông vào năm 2019. Nó rất nhanh đã trở thành một trong những nền tảng lớn nhất trong giao dịch phái sinh tiền mã hóa nhờ mức phí thấp và các dịch vụ sản phẩm hấp dẫn./.

Nguồn tham khảo: Financial Times, Bloomberg