Chiếc mặt nạ thứ hai này của BKAV được làm từ chất liệu bột đá, hai mắt được in bằng ảnh chụp hồng ngoại – công nghệ mà chính Face ID dùng để ghi hình ảnh khuôn mặt. Chi phí để làm ra chiếc mặt nạ này là khoảng 200 USD. BKAV đã nhận ra chất liệu bột đá có khả năng đánh lừa trí tuệ nhân tạo (AI) của Face ID ở mức độ cao hơn. Các nguyên liệu này đều không khó kiếm trong thực tế.
Trong video mới đăng tải trên YouTube để minh chứng khả năng của chiếc mặt nạ mới, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng của BKAV đã xóa mọi nhận dạng Face ID trong máy, sau đó cho máy nhận diện lại khuôn mặt của mình. Chiếc iPhone X sau đó đã mở khóa khi ông Tuấn Anh hướng khuôn mặt về phía máy. Tiếp theo, ông Tuấn Anh hướng chiếc máy về phía chiếc mặt nạ đặt trên bàn. Chỉ chưa đầy 10s iPhone X đã mở khóa màn hình!
Nếu như chiếc mặt nạ lần trước đòi hỏi phải được đặt ở một góc cố định so với điện thoại, chỉ cần lệch một chút là không mở được khóa, cũng như thời gian căn chỉnh mặt nạ để mở được khóa là 9 tiếng đồng hồ, thì chiếc mặt nạ thứ hai này có thể dễ dàng mở khóa trong nháy mắt.
Cách đây 1 tuần, khi BKAV công bố chiếc mặt nạ số 1, rất nhiều người Việt cũng như một số trang công nghệ nước ngoài đã nghi ngờ BKAV “giở trò”, vì công ty an ninh mạng Việt Nam đã không giải thích rõ ràng cách thức để qua mặt hệ thống Face ID trên iPhone X. Họ cho rằng BKAV đã cho Face ID học mặt thật và mặt nạ đan xen, để Face ID về sau nghĩ mặt nạ là mặt thật. Nhưng với chiếc mặt nạ số 2, BKAV đã chứng minh rằng hoàn toàn có thể sử dụng mặt nạ để mở khóa iPhone X, không giống như lời khẳng định của Apple là không thể dùng mặt nạ để đánh lừa AI của máy.
Ông Tuấn Anh cũng giải thích rằng chiếc mặt nạ thứ 2 đã mở khóa iPhone X theo cách của anh em song sinh. Trên thế giới đã có một số trường hợp anh em song sinh có thể mở khóa iPhone X. Với phát hiện mới này của BKAV, nguy cơ mọi người có thể bị chụp ảnh để tạo ra mặt nạ sinh đôi của mình là điều có thực. Do đó, BKAV đã nâng mức khuyến cáo an ninh tới tất cả người sử dụng chứ không chỉ với một số đối tượng đặc biệt như trước đây.
Các nhà nghiên cứu của BKAV cho biết việc tạo hình 3D hiện nay rất đơn giản. Một người có thể bị chụp trộm chỉ trong vài giây nếu họ bị đánh lừa vào trong một căn phòng có bố trí máy ảnh chụp ở nhiều góc. Hacker có thể sử dụng thuật toán để ghép các ảnh chụp thành vật thể 3D.
BKAV khẳng định bảo mật vân tay vẫn là công nghệ sinh trắc học đảm bảo nhất. BKAV cũng khuyến nghị Apple cần đưa ra khuyến cáo cho người sử dụng nên dùng mật khẩu cho mọi tình huống có dữ liệu nhạy cảm và khi thực hiện các giao dịch thương mại.
Chắc chắc chiếc mặt nạ số 2 này của BKAV sẽ lại làm làng báo công nghệ thế giới một phen “dậy sóng” và đương nhiên Apple sẽ không thể đưa ra lời phản bác nào.