Bitexco phản hồi không có chuyện thoái vốn tại Du lịch Hương Giang: Lộ những mâu thuẫn nội bộ...

VietTimes -- Sau bản tin “Đằng sau chuyện nhà đầu tư chiến lược Bitexco âm thầm thoái vốn tại Du lịch Hương Giang...” của VietTimes, sáng nay 25/5, đại diện Tập đoàn Bitexco đã có những trao đổi chính thức với tòa soạn để làm rõ hơn các vấn đề được đề cập và góp phần rộng đường dư luận.
Khách sạn Hương Giang. (Nguồn: Bitexco)
Đằng sau chuyện nhà đầu tư chiến lược Bitexco âm thầm thoái vốn tại Du lịch Hương Giang...
Theo đó, đại diện tập đoàn này cho hay “không thực hiện bất cứ giao dịch chuyển nhượng, tặng cho, mua bán 6.525.223 cổ phần (32,63%) cho bất cứ bên thứ ba nào như trong báo cáo của Công ty cổ phần Du lịch Hương Giang, mà báo đã nêu”.

Bitexco khẳng định việc "xử lý cổ phần thế chấp theo hợp đồng", với phương thức thỏa thuận được thực hiện bởi một số thành viên HĐQT cùng các cá nhân có liên quan tại Hương Giang, điển hình như ông Johnny Cheung Ching Fu - Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty, ông Yukio Takahashi - Chủ tịch Hội đồng quản trị...

Đây là hành vi vi phạm pháp luật khi giao dịch thực hiện hoàn toàn không có sự chấp thuận của Bitexco. Theo đó, chiếm đoạt của Bitexco 6.525.223 cổ phần, gây thiệt hại với giá trị trên 82 tỷ đồng, tính theo giá trị cổ phần tại thời điểm Bitexco nhận chuyển nhượng”, phía Bitexco đánh giá.

Cũng theo tập đoàn này: Sau khi phát hiện ra các sự việc sai trái ở trên, Bitexco đã thực hiện báo cáo lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền để đề nghị xem xét giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật và hiện nay vụ việc này đang được các cơ quan chức năng giải quyết.

Gọi các thông tin giao dịch mà CTCP Du lịch Hương Giang (Du lịch Hương Giang hay Hương Giang Tourist - viết tắt: HGT) đã công bố và gửi công khai tới Ủy ban chứng khoán Nhà nước là “việc tự ý chuyển nhượng cổ phần”, Bitexco cũng bước đầu phân tích về “sai phạm của các cá nhân liên quan”: Việc một số cá nhân tại Hương Giang tự ý thực hiện các giao dịch chuyển nhượng, với lý do xử lý cổ phần thế chấp theo hợp đồng thế chấp của cổ đông Crystal Treasure Limited là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật Việt Nam. Theo quy định tại hợp đồng thế chấp giữa Bitexco và Crystal Treasure Limited, mọi tranh chấp có liên quan hoặc phát sinh từ hợp đồng thế chấp đều được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền. Vì vậy việc các cá nhân có liên quan đã nêu tên ở trên lợi dụng danh nghĩa người quản lý doanh nghiệp tại Hương Giang tự ý xử lý cổ phần phục vụ cho mục đích riêng của cổ đông Crystal Treasure Limited là hoàn toàn không có có cơ sở pháp lý, vi phạm thỏa thuận giữa Bitexco và Crystal Treasure Limited (tức Kei Sei Limitedtrước đây). Theo quy định của pháp luật, HĐQT, Tổng Giám đốc Hương Giang hoàn toàn không có thẩm quyền xử lý tranh chấp giữa các cổ đông liên quan tới cổ phần tại công ty.

Đối với hợp đồng thế chấp giữa Bitexco và Crystal Treasure Limited, Bitexco cho hay đã khởi kiện tranh chấp phát sinh từ hợp đồng ra cơ quan tòa án có thẩm quyền đề nghị tuyên hợp đồng vô hiệu. “Vì vậy, càng không có căn cứ để Crystal Treasure Limited và các cá nhân có liên quan tại Hương Giang tự ý xử lý tài sản thế chấp theo hợp đồng” – tập đoàn của đại gia Vũ Quang Hội phân tích

Bitexco khẳng định quan điểm về việc không công nhận giá trị pháp lý của bất cứ nghị quyết, quyết định nào của HĐQT và/hoặc Đại hội đồng cổ đông của Hương Giang đưa ra trên cơ sở danh sách cổ đông sai lệch số lượng cổ phần nói trên. Để ngăn chặn việc này, Bitexco đã đưa ra các văn bản cảnh báo và phản đối về việc tiến hành các cuộc họp Hội đồng quản trị để thông qua nội dung họp ĐHĐCĐ ngày 31/5/2019. Đồng thời, Ban kiểm soát Công ty Hương Giang, các thành viên còn lại của HĐQT cũng đều có cảnh báo và không công nhận việc tổ chức đại hội đồng cổ đông như nội dung các văn bản triệu tập họp ĐHĐCĐ mà Hương Giang đã phát đi.

Vị đại diện cho biết thêm: Hiện nay, với vai trò là cổ đông lớn, Bitexco đang làm việc với các cơ quan liên quan đề nghị hủy bỏ cuộc họp Đại hội cổ đông Công ty cổ phần Du lịch Hương Giang ngày 31/5/2019.

Tập đoàn Bitexco khẳng định, với tâm huyết và trách nhiệm của mình, vẫn tiếp tục triển khai đầu tư các dự án phát triển hạ tầng du lịch của Thừa Thiên Huế đạt tiêu chuẩn quốc tế, phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao nhằm thu hút khách du lịch đến Huế, đưa ngành du lịch của tỉnh lên tầm cao mới như đã cam kết là nhà đầu tư chiến lược, dưới sự giám sát chặt chẽ của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Với tầm vóc của Bitexco thật khó hiểu khi tập đoàn này lại chẳng thể sớm xử lý "êm" thương vụ có quy mô chỉ ít trăm tỷ đồng, để đến nước Crystal Treasure Limited phải "xử lý cổ phần thế chấp theo hợp đồng"... (Ảnh: Internet)

Phát lộ mâu thuẫn nội bộ

Chưa rõ các nhà chức trách sẽ phán quyết ra sao về quan điểm giữa các bên, nhưng với những gì mà vị đại diện Bitexco mới cung cấp với VietTimes, có thể thấy rằng, nội bộ Hương Giang Tourist đã nảy sinh những bất đồng, thậm chí đến mức mâu thuẫn sâu sắc.

Dù có thể còn có những vấn đề khác, nhưng những chia sẻ của vị đại diện Bitexco cũng đã chính thức xác nhận về hợp đồng thế chấp giữa Bitexco và Crystal Treasure Limited.

Dữ liệu mà VietTimes thu thập được cho thấy, ngay trước thời điểm nhận chuyển nhượng từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - tháng 6/2016, Bitexco đã mang toàn bộ 1,524 triệu cổ phần HGT đang sở hữu và kể cả 12,572 triệu cổ phần HGT dự kiến sẽ được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chuyển nhượng trọn lô đem thế chấp tại Kei Sei Limited (sau này là Crystal Treasure Limited).

 Công ty TNHH Thạch Anh Trắng (phải), Công ty TNHH Tấn Trường (trái) đã tham gia "xử lý cổ phần thế chấp" cùng Crystal Treasure Limited. (Ảnh: Xuân Thắng)

Việc mới đây, nhóm Crystal Treasure Limited “xử lý cổ phần thế chấp theo hợp đồng” bằng cách chuyển nhượng 32,63%/41,74% vốn điều lệ Hương Giang Tourist cho Công ty TNHH Thạch Anh Trắng, Công ty TNHH Tấn Trường và chính Crystal Treasure Limited – dù đang bị Bitexco tố là “tự ý chuyển nhượng cổ phần” – thì vẫn cho thấy chi tiết, rằng đến thời điểm này, sau ngót 3 năm, Bitexco vẫn chưa tất toán được nghĩa vụ tài chính để giải chấp được tài sản “cắm” ở chỗ đối tác Hong Kong.

Cần thiết phải nói rằng Bitexco hiện giữ vị thế là một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam, đã kiến tạo lên hàng loạt công trình mang tính biểu tượng – đặc biệt là trong lĩnh vực địa ốc, bất động sản - ở nhiều thành phố lớn. Với quy mô tổng tài sản lên tới cả hàng chục nghìn tỷ đồng, đầu tư hàng loạt dự án có tổng mức đầu tư nghìn tỷ, sẽ là khá khó hiểu khi Bitexco lại chưa thể xử lý ổn thỏa thương vụ với Crystal Treasure Limited (có quy mô theo tính toán chỉ khoảng quanh mức 200 tỷ đồng), để đến mức doanh nghiệp ngoại này phải “xử lý cổ phần thế chấp” (?!)…

Mà cũng nên nhớ, thương vụ chuyển nhượng cổ phần Hương Giang Tourist của UBND Thừa Thiên – Huế cho Bitexco từng tạo ra khá nhiều dư luận trái chiều, đến mức cuối năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã phải vào cuộc làm rõ. Kết quả cụ thể của hoạt động thanh kiểm tra này, đến nay, vẫn chưa thấy được công khai rộng rãi…/.