Các bài khác trong cùng tuyến bài Chuyện đổi đất lấy hạ tầng ở Hà Nội (dự án BT):
Kỳ 1: Cú tuýt còi thanh tra và “cuộc cách mạng” dang dở
Kỳ 2: Đội giá dự án “đồng hành” đội quỹ đất đối ứng
Kỳ 3: Những mối quan hệ, hợp tác cộng sinh
BT - Một năm sóng gió
Phải nói rằng sai phạm tại các dự án đầu tư hình thức BT đã bị phát lộ trong năm 2017 sau những cuộc thanh tra và kiểm toán. Hàng loạt sai phạm của cơ quan quản lý, cũng như nhà đầu tư đã bị phát hiện, dư luận xôn xao. Trong đó, Hà Nội là một trong những tâm điểm được chú ý.
Thanh tra Chính phủ đã thanh tra 15 dự án BT tại Hà Nội và cả 15 dự án đều có vấn đề. Trong số này, có tới 14 dự án theo hình thức chỉ định thầu. Quan trọng ở chỗ, UBND TP. Hà Nội không thực hiện đúng quy trình lựa chọn Nhà đầu tư, thẩm định, đánh giá năng lực đối với một số Nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ; lựa chọn ký hợp đồng để thực hiện dự án đối với một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực theo quy định.
Các dự án khi xin chủ trương đều lấy lý do là tính cấp bách, cấp thiết nhưng Hà Nội không chứng minh được mức độ chính xác của tính cấp bách, cấp thiết; Một số nhà đầu tư được lựa chọn trong khi năng lực tài chính còn hạn chế (TASCO, BITEXCO).
Hà Nội còn phê duyệt chưa đúng làm sai tăng tổng vốn đầu tư một số dự án ảnh hưởng đến việc tính toán, sắp xếp các phương án giao đất đối ứng để xác định tiền sử dụng đất như: dự án Nhà máy nước Yên Sở, đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương, đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, đường trục Nam tỉnh Hà Tây cũ.
Hàng loạt sai phạm kinh tế tại các dự án BT Hà Nội bị phát hiện, đối với dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND TP. Hà Nội yêu cầu Cienco 5 nộp ngay vào Ngân sách Nhà nước 1.428 tỷ đồng là giá trị chênh lệch của toàn bộ Hợp đồng BT đối trừ vào tiền sử dụng đất của các dự án khác và xác định tiền lãi chậm nộp do chiếm dụng vốn.
Đối với dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương yêu cầu giảm trừ giá trị tổng mức đầu tư 19,561 tỷ đồng; yêu cầu khi thanh toán hợp đồng BT nhà đầu tư phải tính thêm giá trị tiền sử dụng đất để nộp vào Ngân sách số tiền 11,275 tỷ đồng do áp sai suất vốn đầu tư.
Dự án đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An cũng bị yêu cầu giảm trừ giá trị tổng mức đầu tư số tiền 12,173 tỷ đồng; Tổng số tiền lập, thẩm tra, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công cũng chưa đúng 15,907 tỷ đồng. Dự án đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên cũng lập giá trị tổng mức đầu tư điều chỉnh chưa đúng số tiền 14,492 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, với 21 dự án BT tại nhiều địa phương trên cả nước mà Kiểm toán Nhà nước vừa thực hiện, hơn 3.800 tỷ đồng liên quan đến các vi phạm phải xử lý có thể chỉ là bề nổi.
Sau những con số này được công bố, câu chuyện về BT và các tranh luận về tồn tại của cơ chế này đã trở thành điểm nóng ở nhiều diễn đàn, tọa đàm; ngay cả các trang mạng xã hội cũng sôi động bởi những lượt share bài, chia sẻ cảm tưởng.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đầu tư dự án theo hình thức BT hiện nay đang có nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm cao một phần là do quy định pháp luật chưa chặt chẽ.
Mới đây, TP. HCM cũng đã phải yêu cầu tạm dừng toàn bộ các dự án BT đang thảo luận đàm phán để chờ quy trình mới, trừ các dự án đã có chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên về phía Hà Nội, địa phương này vẫn tiếp tục xin chủ trương, bổ sung các dự án BT vào danh mục để triển khai trong giai đoạn mới.
Cơn khát BT?
Trong Danh mục dự án trọng điểm giai đoạn 2016-2020 trước đây của Hà Nội đã liệt kê 18 dự án BT tổng mức đầu tư 125.676 tỷ đồng. Tuy nhiên, kỳ họp thứ 5 vừa qua, HĐND TP. Hà Nội đã điều chỉnh, bổ sung Danh mục này, nâng tổng mức đầu tư cho các dự án BT lên 281.155 tỷ đồng.
Trong đó, trên cơ sở đề xuất của Công ty cổ phần TASCO HĐND TP. Hà Nội bổ sung thêm dự án Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 theo hình thức BT vào Danh mục các dự án trọng điểm, với tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng.
Đồng thời, Hà Nội cũng thống nhất điều chỉnh từ “ngân sách thành phố, ODA” thành “ngân sách thành phố và BT” đối với 4 tuyến đường sắt đô thị bao gồm: Tuyến số 4 giai đoạn I, đoạn Thượng Đình - Hoàng Quốc Việt dài 13km đi ngầm, dự kiến đầu tư 40.000 tỷ đồng; Tuyến số 5 giai đoạn I, đoạn từ Văn Cao đến đường Vành đai 4, dài 15km dự kiến 35.000 tỷ đồng; Tuyến số 8, đoạn Mai Dịch - Vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá dự kiến 50.000 tỷ dài 37,38km; Và tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội đoạn Nam Thăng Long - Nội Bài dài 17,9km dự kiến 25.000 tỷ đồng.
HĐND TP. Hà Nội đã quyết định chuyển đổi từ hình thức “BOT” thành “BOT hoặc BT” đối với 3 dự án: Cầu Thượng Cát (bao gồm đường hai đầu cầu); Vành đai 4: từ quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Đuống và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh.
Ngoài ra, danh sách các dự án trọng điểm giai đoạn 2016-2020 cũng có nhiều dự án đầu tư theo hình thức BT lớn như: Xây cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, tổng mức đầu tư dự kiến 17.000 tỷ đồng; Cầu (hầm chui) Trần Hưng Đạo qua Sông Hồng, dài 3,1km, tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng; Cầu Giang Biên và đường nối hai đầu cầu (nối cầu Vĩnh Tuy, Vành đai 2 đến tiếp giáp Ninh Hiệp, Bắc Ninh), tổng mức đầu tư 6.068 tỷ đồng.
Danh sách các dự án BT tiếp tục được kéo dài với hàng loạt các dự án khác như: Xây đường Vành đai 3,5, đoạn Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tổng mức đầu tư 4.200 tỷ đồng; Trục Hồ Tây - Ba Vì, đoạn từ Vành đai 3 (Hoàng Quốc Việt) đến Quốc lộ 32, tổng mức đầu tư 3.604 tỷ đồng; Trục phía Nam, đoạn từ Km19+900 đến QL1A cũ, tổng mức đầu tư 3.580 tỷ đồng; Xây dựng nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long, tổng mức đầu tư 2.624 tỷ đồng; Trục Hà Nội - Xuân Mai đoạn từ Lê Trọng Tấn đến Vành đai 3, tổng mức đầu tư 1.636 tỷ đồng; Cải tạo, nâng cấp đường 70, đoạn từ Nhổn đến Hà Đông, tổng mức đầu tư 3.179 tỷ đồng;...
Với số lượng dự án BT trọng điểm như vậy, có thể thấy Hà Nội đang đặt nhu cầu bức thiết cần đến những dự án BT để phát triển cơ sở hạ tầng là rất lớn.
Theo số liệu thống kê tập hợp từ các dự án đầu tư do nhà đầu tư tự đề xuất và được UBND TP. Hà Nội chấp thuận, phê duyệt thời điểm 2011 thì 59 dự án BT có tổng mức đầu tư 150.969 tỷ đồng nhưng Hà Nội cần đến 9.112ha đất để làm dự án đối ứng cho các nhà đầu tư.
Năm 2012, sau cuộc thanh tra tại Hà Nội Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho rằng, nhiều dự án BT của Hà nội có giá trị tổng mức đầu tư khi nhà đầu tư lập đề xuất dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư thường có giá nhỏ hơn nhiều so với tổng mức đầu tư khi dự án đầu tư được phê duyệt, có dự án tổng mức đầu tư tăng gấp 2 lần, thậm chí gần 3 lần như dự án đường Đỗ Xá - Quan Sơn từ 1.770 tỷ đồng leo lên 3163 tỷ đồng, dự án Hà Nội - Hưng Yên từ 158 tỷ đồng lên 379 tỷ đồng, dự án đường trục phía Nam Hà Tây từ 2.280 tỷ đồng lên 6.075 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng mức đầu tư của nhiều dự án tính chưa đúng về khối lượng, đơn giá, định mức, các tỷ lệ chi phí so với các quy định pháp luật xây dựng làm tăng tổng vốn đầu tư dự án. Từ đó diện tích đất phải giao cho các nhà đầu tư để thực hiện dự án khác hoàn vốn lớn hơn nhiều so với chi phí đầu tư thực tế của dự án BT. Không những thế còn có sự sai lệch lớn giữa tổng mức đầu tư trong Hợp đồng đã ký kết với chi phí thực tế được tính toán theo quy định của dự án.
Thời điểm đến năm 2012 khi Bộ Kế Hoạch và Đầu tư tiến hành thanh tra các dự án BT của Hà Nội, trong số 32 dự án đã lựa chọn nhà đầu tư thì có tới 31 dự án Hà Nội thực hiện theo hình thức chỉ định trực tiếp nhà đầu tư, còn 1 dự án tổ chức đấu thầu nhưng vòng sơ tuyển chỉ có đúng duy nhất một nhà đầu tư đáp ứng được yêu cầu nên cũng được áp dụng ngay việc chỉ định nhà đầu tư đàm phán hợp đồng (dự án xây nhà máy nước thải Hồ Tây).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá nguyên nhân việc tổng mức đầu tư của dự án sai lệch theo chiều hướng tăng lớn chính từ các nhà đầu tư tự đề xuất, tự lập dự án đầu tư nên đã đưa thêm khối lượng; tính không đúng đơn giá, định mức, tỷ lệ chi phí làm gia tăng giá trị tổng mức đầu tư của dự án BT dẫn tới việc UBND TP. Hà Nội phải giao quỹ đất để thực hiện hoàn vốn lớn hơn chi phí thật để thực hiện dự án.
Từ cuộc thanh tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2012 đến nay đã phát hiện nhiều sai phạm tại nhiều dự án BT Hà Nội, đặt ra nhiều bài học cho Hà Nội rút kinh nghiệm. Trong đó, đặc biệt thấy rõ bài học vai trò quản lý, giám sát, thẩm định dự án của cơ quan thẩm quyền để thận trọng hơn trong triển khai các dự án hình thức BT những năm tiếp theo khi mà việc quản lý dự án BT còn quá nhiều lỗ hổng đến mức một địa phương lớn như TP. HCM cũng đã phải khẩn cấp “tạm dừng”.
Các bài khác trong cùng tuyến bài Chuyện đổi đất lấy hạ tầng ở Hà Nội (dự án BT):
Kỳ 1: Cú tuýt còi thanh tra và “cuộc cách mạng” dang dở
Kỳ 2: Đội giá dự án “đồng hành” đội quỹ đất đối ứng
Kỳ 3: Những mối quan hệ, hợp tác cộng sinh