Theo dữ liệu của Coindesk, tính đến 14h chiều nay (8/10), giá Bitcoin giao dịch ở ngưỡng 22.970,3 USD, tăng khoảng 20% so với một tháng trước đó.
Một tín hiệu khác cho thấy sự phục hồi của thị trường tiền số là việc giá trị cổ phiếu GLXY của Galaxy Digital - công ty quản lý đầu tư và dịch vụ tài chính tập trung vào tiền điện tử và blockchain do tỷ phú Mike Novogratz sáng lập - đang tăng trong vòng 1 tháng trở lại đây, chạm mốc 9,1 USD vào ngày 8/8.
Chia sẻ với cổ đông trong cuộc họp vào sáng 8/8, Mike Novogratz - CEO Galaxy Digital - nói rằng ông không mong đợi một kết cục tương tự như sự sụp đổ của Voyager Digital hay Celsius Network mà thị trường đã chứng kiến trong vài tháng qua.
Vị này cũng cho biết thêm, các nhà đầu tư đang tìm câu chuyện mới để thúc đẩy giá tiền điện tử cao hơn khi ngành công nghiệp này dần thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng.
Song, lưu ý rằng, Bitcoin không có quá nhiều câu chuyện mới về mặt phân tích cơ bản. Đồng tiền này mới chỉ xuất hiện trên thị trường 13 năm và mới có 4 chu kỳ tăng giá nên độ tin cậy của việc nhận định từ các chu kỳ trong quá khứ không cao.
Chính vì vậy, bộ phận phân tích của Morgan Stanley đã công bố một nghiên cứu để chỉ ra những dấu hiệu rằng Bitcoin và những đồng tiền điện tử khác đang bước vào một chu kỳ tăng giá mới.
Chu kỳ tăng giá mới của Bitcoin?
Báo cáo cho thấy, dù thị trường tiền điện tử mới chỉ thoát khỏi khủng hoảng ít tháng nhưng khả năng cung cấp dịch vụ cho vay ký quỹ trên thị trường này không quá tệ.
Việc một số công ty cho vay tiền điện tử phá sản, như Three Arrows Capital, làm giảm đi khả năng các cơ quan quản lý sẽ nới lỏng các quy định cho phép các định chế tài chính truyền thống mở rộng hoạt động sang việc cho vay tiền điện tử.
Song, ở một khía cạnh khác, các nhà phân tích của Morgan Stanley chỉ ra rằng, các công ty cho vay tiền điện tử còn hoạt động dường như vẫn cố gắng trả các khoản lợi suất cao để thu hút khách hàng. Điều này cho thấy ngành công nghiệp tiền ảo không thực sự muốn từ bỏ hoạt động kinh doanh này.
Trên thị trường phái sinh, nơi mà việc đầu cơ trở nên phổ biến, khối lượng giao dịch đã sụt giảm nhưng vẫn cao hơn khi so sánh với vốn hóa thị trường của Bitcoin và Ethereum.
Một yếu tố khác có thể chặn lại đà tăng của Bitcoin và thị trường tiền điện tử là Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Theo các nhà nghiên cứu, vốn hoá thị trường của Bitcoin và nguồn cung tiền (được quản lý bởi Fed) có mối tương quan chặt chẽ và điều này cần phải tiếp tục được theo dõi.
Trong thời gian gần đây, Bitcoin và chứng khoán đều ghi nhận sự phục hồi trong bối cảnh Fed có thể phải tạm dừng việc tăng lãi suất sớm hơn dự kiến nếu nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Số liệu cho thấy, nền kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái kỹ thuật. Song, một số thành viên của Fed lại cho rằng, việc ngăn chặn lạm phát cao kỷ lục cần thiết hơn./.
Theo Barron's