Big Tech buộc phải thay đổi lộ trình với AI do ChatGPT

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sự thành công của ChatGPT trong thời gian gần đây đã khiến Big Tech có cái nhìn khác về tiềm năng kiếm tiền của mô hình này như một sản phẩm tiêu dùng.
Ảnh: Yahoo News
Ảnh: Yahoo News

Ba tháng trước khi ChatGPT ra mắt vào tháng 11, công ty mẹ của Facebook là Meta đã phát hành một chatbot tương tự. Nhưng không giống như hiện tượng ChatGPT, sản phẩm Blenderbot của Meta thật nhàm chán - nhà khoa học trí tuệ nhân tạo của Meta, Yann LeCun, cho biết.

“Lý do nó nhàm chán là vì nó được làm an toàn,” LeCun chia sẻ tại một diễn đàn do công ty tư vấn AI Collective tổ chức. Ông đổ lỗi cho phản ứng thờ ơ của công chúng là do Meta "quá cẩn thận trong việc kiểm duyệt nội dung", chẳng hạn như chatbot sẽ tự thay đổi chủ đề nếu người dùng hỏi về tôn giáo. Trong khi đó, ChatGPT sẽ trò chuyện về khái niệm sai lầm trong Kinh Qur'an, viết lời cầu nguyện cho một giáo sĩ Do Thái gửi đến Quốc hội và so sánh Chúa với một cái vỉ đập ruồi.

ChatGPT hiện đang nhanh chóng trở thành xu hướng khi Microsoft - công ty gần đây đã đầu tư hàng tỉ USD vào công ty đứng sau chatbot, OpenAI - đang làm việc để kết hợp nó vào phần mềm văn phòng phổ biến của mình và bán quyền truy cập vào công cụ này cho các doanh nghiệp khác. Theo các cuộc phỏng vấn với nhân viên của Google và Meta, họ nhận thấy sự thành công của ChatGPT dường như là một áp lực vô hình đối với các gã khổng lồ công nghệ khác.

Tại Meta, các nhân viên gần đây đã chia sẻ các bản ghi nhớ nội bộ kêu gọi công ty tăng tốc quy trình phê duyệt AI để tận dụng công nghệ mới nhất. Google, công ty đã đi tiên phong trong một số công nghệ làm nền tảng cho ChatGPT, gần đây đã ban hành "mã đỏ" xung quanh việc tung ra các sản phẩm AI và đề xuất rút ngắn quá trình đánh giá và giảm thiểu các tác hại tiềm ẩn, theo một báo cáo trên New York Times.

ChatGPT, cùng với các công cụ chuyển văn bản thành hình ảnh như DALL-E 2 và Stable Diffusion, là một phần của làn sóng phần mềm mới được gọi là AI tổng quát.

ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một chatbot do OpenAI phát triển. Nó được xây dựng dựa trên GPT-3.5, một dòng mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI, được tinh chỉnh bằng cả kỹ thuật học tăng cường lẫn kỹ thuật học có giám sát. Kể từ khi ra mắt vào tháng 11.2022, nó nhanh chóng thu hút sự chú ý nhờ việc có thể hồi đáp chi tiết và trả lời lưu loát trên nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau. Hạn chế duy nhất ở ChatGPT là độ chính xác không đồng đều về dữ kiện thực tế của nó.

Trong thực tế, đây cũng là mô hình được một số công ty Big Tech triển khai trong quá khứ, nhưng các sự cố liên quan đã khiến họ phải chậm chạp hơn trong việc phát triển. Ví dụ, vào năm 2016, Microsoft đã phải gỡ bỏ chatbot "Tay" chưa đầy một ngày sau khi ra mắt do những kẻ troll đã khiến chatbot này liên tục bị lôi kéo vào các vấn đề xấu. Hay Meta gỡ bỏ Galactica vào tháng 11.2022 do những bản tóm tắt nghiên cứu khoa học không chính xác, mặc dù vẫn bảo vệ Blenderbot bất chấp những lời phân biệt chủng tộc vào tháng 8.2022.

"Tốc độ phát triển của AI là cực kỳ nhanh và chúng tôi luôn theo dõi để đảm bảo rằng chúng tôi có các quy trình đánh giá hiệu quả, nhưng ưu tiên là đưa ra quyết định đúng đắn và phát hành các mô hình và sản phẩm AI phục vụ tốt nhất cho cộng đồng của chúng tôi", Joelle Pineau, giám đốc điều hành Nghiên cứu AI cơ bản tại Meta cho biết.

Lily Lin, người phát ngôn của Google cho biết: "Chúng tôi tin rằng AI là công nghệ nền tảng và mang tính biến đổi, cực kỳ hữu ích cho các cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng. Chúng tôi cần xem xét những tác động xã hội có thể có. Chúng tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm nội bộ công nghệ AI của mình để đảm bảo rằng nó hữu ích và an toàn".

Giám đốc truyền thông của Microsoft, Frank Shaw, cho biết công ty của ông hợp tác với OpenAI để xây dựng các biện pháp giảm thiểu an toàn bổ sung khi sử dụng các công cụ AI như DALLE-2 trong các sản phẩm của mình. "Microsoft đã làm việc trong nhiều năm để vừa thúc đẩy lĩnh vực AI vừa hướng dẫn công khai cách những công nghệ này được tạo ra và sử dụng trên các nền tảng của chúng tôi theo những cách có trách nhiệm và đạo đức", ông Shaw nói.

Sự trỗi dậy của ChatGPT, kết hợp với cổ phiếu công nghệ đang lao dốc buộc các doanh nghiệp Big Tech quyết định sẵn sàng chấp nhận rủi ro danh tiếng của mình. Khi Alphabet sa thải 12.000 nhân viên, CEO Sundar Pichai cho biết công ty đã tiến hành đánh giá nghiêm ngặt để tập trung vào các ưu tiên cao nhất của mình, với hai lần đề cập đến các khoản đầu tư ban đầu vào AI.

Google đã mua phòng thí nghiệm AI tiên tiến DeepMind vào năm 2014 và mã nguồn mở phần mềm máy học TensorFlow vào năm 2015. Thậm chí, vào năm 2018, Google đã công bố các nguyên tắc AI sau khi vấp phải sự phản đối của nhân viên đối với dự án Maven. Vì vậy, công ty thực sự muốn thể hiện tầm quan trọng của mình trong làn sóng AI. Tuy nhiên, tham vọng này bị thách thức sau khi các nhà nghiên cứu AI hàng đầu của họ đã rời khỏi công ty trong khoảng một năm trở lại đây để khởi nghiệp các startup AI riêng.

Ngay sau khi OpenAI phát hành ChatGPT, những người có ảnh hưởng trong ngành công nghệ trên Twitter đã bắt đầu dự đoán rằng trí tuệ nhân tạo tổng quát sẽ đánh dấu sự sụp đổ của công nghệ tìm kiếm Google. ChatGPT cung cấp các câu trả lời đơn giản theo cách dễ tiếp cận và không yêu cầu người dùng tìm kiếm thông qua hàng nghìn liên kết rối mắt. Bên cạnh đó, sau một phần tư thế kỷ, giao diện tìm kiếm của Google đã trở nên cồng kềnh với các quảng cáo tràn ngập màn hình.

Trên ứng dụng ẩn danh Blind, các nhân viên công nghệ đã đăng hàng chục câu hỏi về việc liệu gã khổng lồ Thung lũng Silicon có thể cạnh tranh được hay không.

Khó khăn của Google đó là mô hình trả lời kiểu ChatGPT có thể ảnh hưởng đến nguồn doanh thu từ các nguồn quảng cáo khi người dùng không còn nhấp vào các liên kết nữa. Công ty cũng không muốn đảm nhận vai trò và trách nhiệm cung cấp các câu trả lời đơn lẻ - điều đã được thể hiện khi hãng rất thận trọng trong việc triển khai tính năng "Câu trả lời tức thì" trong Google Tìm kiếm.

Bên trong Google, nhiều nhà nghiên cứu đã bày tỏ thái độ thất vọng với quy trình an toàn AI quá cẩn thận khiến họ cảm giác rằng công nghệ tiên tiến không bao giờ được phát hành vì lo ngại dư luận.

Theo quan điểm của Gebru - Viện nghiên cứu AI phân tán phi lợi nhuận Google đã chậm phát hành các công cụ AI của mình vì công ty thiếu động lực kinh doanh đủ mạnh để mạo hiểm với danh tiếng của mình.

Tuy nhiên, sau khi ChatGPT được phát hành, có lẽ Google đã có một cái nhìn khác về khả năng kiếm tiền từ mô hình này như một sản phẩm tiêu dùng, không chỉ để tăng sức mạnh tìm kiếm hoặc quảng cáo trực tuyến. Gebru nhận định "Bây giờ ChatGPT chính là mối đe dọa đối với hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ, vì vậy họ buộc phải mạo hiểm".

Rumman Chowdhury, người lãnh đạo nhóm đạo đức máy học của Twitter cho biết bà hy vọng các công ty như Google sẽ sớm loại bỏ các nhà phê bình nội bộ và các nhà đạo đức để cố gắng bắt kịp OpenAI.

Theo Yahoo News