Theo kênh truyền hình Mỹ CNBC, loại tên lửa mà Trung Quốc bố trí trên ba đảo nhân tạo Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn là tên lửa chống hạm YJ-12B, có thể bắn trúng tàu thuyền trong phạm vi 400 km, và tên lửa địa đối không tầm xa HQ-9B, có thể bắn hạ các máy bay hay tên lửa trong phạm vi 200 km. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên bố trí trái phép các tên lửa ở khu vực Trường Sa. Các hệ thống tên lửa tương tự đã được Bắc Kinh triển khai ở quần đảo Hoàng Sa.
Trả lời kênh CNBC, ông Greg Poling - chuyên gia về Biển Đông tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS, Washington, nhận định: «Có thể xem là Trung Quốc đang vượt qua một ngưỡng quan trọng. Các dàn tên lửa đó rõ ràng là một mối đe dọa tấn công đối với các bên tranh chấp khác, đồng thời đưa Trung Quốc gần thêm đến mục tiêu kiểm soát hoàn toàn vùng biển và vùng trời ở Biển Đông». Chuyên gia Poling nhấn mạnh, giờ đây bất kỳ tàu bè hay máy bay hoạt động gần khu vực Trường Sa đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc.
Hiện chưa rõ Trung Quốc triển khai bao nhiêu tên lửa ở Trường Sa, nhưng với hệ thống vũ khí này, giới quan sát đánh giá quân đội Trung Quốc nay không chỉ đủ sức tự vệ, mà còn có khả năng tấn công các đảo mà các nước khác đang kiểm soát ở Biển Đông. Tuy nhiên, rất có thể là Bắc Kinh sẽ không dừng ở đó. Theo dự báo của bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về châu Á của CSIS, sau tên lửa bước kế tiếp sẽ là triển khai chiến đấu cơ, giống như Trung Quốc đã làm ở Hoàng Sa.
Chuyên gia Collin Koh, nhà nghiên cứu của Chương trình An ninh Hàng hải, thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore cho rằng, việc triển khai trái phép tên lửa ở Trường Sa sẽ giúp Trung Quốc nâng cao khả năng triển khai lực lượng ở Biển Đông. Cùng với các phương tiện di động như chiến đấu cơ và chiến hạm, Trung Quốc coi như có một chiếc dù bao phủ toàn bộ vùng Biển Đông, kể cả tại những vùng biển và vùng trời mà Trung Quốc không nắm giữ.
Trong cuộc điều trần tại Thượng Viện Mỹ tháng 4 vừa qua, đô đốc Philip Davidson - người được đề cử làm chỉ huy Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương, đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thể sử dụng các căn cứ ở Biển Đông để thách thức mọi hoạt động quân sự của Mỹ trong vùng.
Theo ông Collin Koh, vấn đề là Trung Quốc có một khái niệm về quân sự hóa rất khác các nước khác. Theo quan điểm của Bắc Kinh, những hoạt động nói trên không phải là quân sự hóa, mà chỉ là những biện pháp mang tính phòng thủ, tự vệ. Trong khi họ lại xem những hoạt động tương tự của các nước khác là quân sự hóa.
Vấn đề đang được đặt ra hiện nay là Trung Quốc sẽ tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ ở Biển Đông hay không. Theo giới phân tích, sau việc triển khai tên lửa ở Trường Sa, việc thiết lập ADIZ có thể là bước kế tiếp để Trung Quốc thật sự biến Biển Đông thành ao nhà.
Mỹ đã lập tức có phản ứng sau khi có thông tin trên, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders tuyên bố: «Chúng tôi biết rất rõ việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Chúng tôi đã trực tiếp nêu với phía Trung Quốc các mối quan ngại của chúng tôi». Bà Sanders cảnh cáo Bắc Kinh rằng «sẽ có những hậu quả trong ngắn hạn và dài hạn» do việc triển khai tên lửa trái phép tại khu vực Trường Sa.
Về phần nước Úc, ngoại trưởng Julie Bishop ngày 4/5 cũng cảnh cáo Trung Quốc về việc triển khai tên lửa ở Trường Sa. Bà Bishop tuyên bố: «Nếu thông tin báo chí là đúng thì chính phủ Úc sẽ rất quan ngại, vì điều này trái với cam kết của Trung Quốc là sẽ không quân sự hóa các thực thể đó». Ngoại trưởng Úc nêu rõ, mọi hành động quân sự hóa các thực thể địa lý ở Biển Đông đều đi ngược lại vai trò của Trung Quốc với tư cách một trong 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.