Tờ Phượng Hoàng Hồng Kông ngày 2/6 có báo cáo cho hay, gần đây, vấn đề Biển Đông liên tục nóng lên. Philippines kiện Trung Quốc ở Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc, các nước có chủ trương chủ quyền trong khu vực tích cực cạnh tranh, các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản tận dụng vấn đề Biển Đông tiếp tục ngăn chặn, gây sức ép với Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp.
Bài viết cho hay vấn đề Biển Đông đã trở thành một trong những vấn đề “gai góc nhất” của Trung Quốc hiện nay. Bài báo dẫn lời chuyên gia tác chiến và trang bị hải quân Trung Quốc, ông Vương Vân Phi bình luận về vấn đề Biển Đông.
Vương Vân Phi cho rằng sau khi tàu khu trục USS Lassen Mỹ tuần tra vùng biển lân cận đá Xu Bi vào tháng 10/2015, Mỹ tiếp tục điều tàu khu trục USS Curtis Wilbur (DDG-54) đi vào vùng biển đảo Tri Tôn, điều tàu sân bay USS John C. Stennis đến Biển Đông phô trương sức mạnh đối với Trung Quốc.
Như vậy, Mỹ đã chuyển từ "gián tiếp can thiệp" sang "trực tiếp can thiệp", từ "can thiệp mang tính lựa chọn" chuyển sang "can thiệp mang tính chiến lược".
Mỹ làm như vậy có 3 mục đích: Một là ngăn chặn Trung Quốc thách thức vị thế bá chủ tuyệt đối của họ ở vùng biển, vùng trời châu Á-Thái Bình Dương kể từ năm 1945 đến nay.
Hai là làm rõ mối đe dọa do Trung Quốc tạo ra, áp chế và làm suy yếu vai trò ảnh hưởng chính trị và chiến lược của Trung Quốc ở châu Á, phối hợp với các biện pháp ngăn chặn khác, ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ba là Mỹ sử dụng tranh chấp Biển Đông như một mắt khâu chiến lược quan trọng của "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương", củng cố và nâng cao vị thế lãnh đạo của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.
Quân đội Mỹ triển khai các hành động tự do hàng hải đã tạo ra một loạt chiến thuật can dự, cho thấy Mỹ giỏi vận dụng công cụ luật pháp quốc tế, dựa vào ưu thế thực lực để thỉnh thoảng hành động không che đậy.
Vương Vân Phi nói rằng hòa bình có nguồn gốc từ đấu tranh, đấu tranh đem lại hòa bình, lấy đấu tranh để tìm kiếm hòa bình thì hòa bình tồn tại. Lấy nhượng bộ để bảo vệ hòa bình thì hòa bình mất đi.
Nước có thể tiến hành chiến tranh mới có thể nói đến hòa bình, sẵn sàng chiến đấu mới có thể phòng ngừa tai họa, lấy chiến tranh để chấm dứt chiến tranh mới có thể lấy chiến tranh thúc đẩy hòa bình.
Theo Vương Vân Phi, làm thế nào để TQ ứng chiến (tiến hành phản ứng chiến tranh) thì cần phải có nghệ thuật chỉ huy cao siêu. Người dùng binh phải biết xảo quyệt, biết sử dụng mưu lược như trong truyền thống quân sự của Trung Quốc. Điều này hiện được Mỹ sử dụng rất thành thạo.
Trung Quốc có thể bắt chước Mỹ
Tàu chiến và máy bay Quân đội Mỹ không ngừng triển khai ở Biển Đông để thực hiện các hành động tự do hàng hải và hàng không. Mỹ cho rằng, tiền đề pháp lý là không thừa nhận chủ quyền 12 hải lý của nước khác, không thừa nhận "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hành động của Mỹ bị Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ, nhưng không thể ngăn cản được hành động của Mỹ. Do đó, Vương Vân Phi cho rằng, Trung Quốc cần hành động để đáp trả hành động của Mỹ.
Vương Vân Phi đề xuất lựa chọn máy bay tiến hành tuần tra (bất hợp pháp) thường xuyên ở tất cả các đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa, vì ông này tự cho rằng Trung Quốc có cái gọi là "căn cứ pháp lý" và do Mỹ "gây sự trước".
Theo Vương Vân Phi, trong tình hình hiện nay, Trung Quốc "không cần câu nệ" quan hệ truyền thống ở bề ngoài với Philippines và Việt Nam, có thể điều tàu chiến, máy bay đến các vùng biển, vùng trời xung quanh đảo đá đang chiếm đóng, tiến hành tuần tra thường xuyên.
Mỹ hoạt động một lần ở Biển Đông thì Trung Quốc cần tiến hành hoạt động vài lần như vậy để đáp trả. Qua đó để vừa thực hiện “đi lại tự do”, vừa thực hiện "quyền lợi" (theo yêu sách phi pháp).
Vương Vân Phi xuyên tạc, nhấn mạnh: "Nếu Trung Quốc làm như thế, trong ngắn hạn sẽ bị cộng đồng quốc tế phản ứng và truyền thông làm lớn chuyện, nhưng ông ta khuyến cáo Bắc Kinh cứ làm điều này vì "đó là do Mỹ và các nước Philippines, Việt Nam “tự chuốc lấy đau khổ”".
"Trước đó, tàu chiến, máy bay Trung Quốc đã tiến hành tuần tra Biển Đông từ lâu. Trung Quốc không thể vì sự phản đối của 1 – 2 nước và sự can thiệp của Mỹ mà hạn chế “quyền lợi” (bành trướng),
Trong cuộc đối đầu này, cái giá phải trả của Trung Quốc sẽ nhỏ hơn nhiều so với Mỹ. Trong cuộc đối đầu ở vùng biển đảo Senkaku/đảo Điếu Ngư, Trung Quốc đã làm rất tốt đối với vấn đề này" - Vương Vân Phi ngang ngược nói.
Đón đọc bài tiếp theo: Vương Vân Phi khuyên Bắc Kinh tiếp tục dùng "chiến thuật tiến từng bước"