
Không quân Ukraine vừa nhận được cú hích quan trọng trong việc bảo vệ các tiêm kích F-16 với việc ra mắt hệ thống bảo trì và tác chiến cơ động mới, giúp máy bay tránh được nguy cơ bị tấn công bởi tên lửa đạn đạo Nga.
Hệ thống này do Quỹ từ thiện “Come Back Alive” phối hợp với Bộ Quốc phòng Ukraine phát triển. Hai loại mô-đun cơ động mới bao gồm toàn bộ trang thiết bị cần thiết để bảo trì, trang bị vũ khí và thực hiện các nhiệm vụ tác chiến với F-16.
F-16 được xem là yếu tố then chốt giúp Ukraine tăng cường phòng không và phản công các đợt tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Nga, vốn nhằm vào cả thành phố lẫn các căn cứ quân sự, bao gồm sân bay nơi F-16 đồn trú.
"Có rất ít thời gian giữa lúc phát hiện F-16 và việc phóng tên lửa đạn đạo", ông Peter Layton – cựu sĩ quan Không quân Hoàng gia Australia và hiện là thành viên Viện RUSI, chia sẻ với tờ Kyiv Independent. "Yếu tố sống còn khi F-16 ở dưới mặt đất là không để bị phát hiện".
Trước đây, việc triển khai F-16 bị hạn chế do cần lượng lớn nhân lực và thiết bị bảo trì. Tuy nhiên, ông Layton nhận định hệ thống mô-đun mới sẽ cho phép Ukraine tận dụng các sân bay không chính thống như đường băng dân sự ngắn, hoặc khu vực xa trong các căn cứ lớn.
"Các F-16 giờ đây có thể phân tán rộng. Nếu một chiếc bị phát hiện và tấn công, những chiếc còn lại vẫn an toàn. Đây là một trò chơi vỏ bọc", ông ví von.

Chi tiết về các mô-đun cơ động F-16
Hệ thống mới bao gồm hai mô-đun bảo trì và một mô-đun tác chiến.
Mô-đun bảo trì đầu tiên gồm một phòng làm việc để chuẩn bị vũ khí, hai xe tải chuyên gắn đạn cho F-16 và một xe tải chở đội kỹ thuật. Nhờ hệ thống này, số lượng người cần để nạp đạn giảm từ 10–12 xuống chỉ còn 3 người, giúp tăng tốc độ và giảm áp lực nhân lực.
Mô-đun thứ hai gồm trung tâm chỉ huy cơ động dùng cho các thông báo vắn trước khi bay bay và điều phối máy bay, cùng khu nhà ở cho kíp vận hành.
Taras Chmut – Giám đốc quỹ Come Back Alive – cho biết dự án này nhằm thích nghi F-16 do phương Tây viện trợ với thực tế chiến tranh khốc liệt ở Ukraine. "Những chiếc máy bay này từng hoạt động trong môi trường kín. Còn chúng tôi dùng chúng trong điều kiện chiến tranh toàn diện, với xuất kích liên tục và bị Nga săn lùng không ngừng".
Hệ thống tương tự cũng tồn tại ở một số nước như Mỹ, Australia, Thụy Điển. Tuy nhiên, đại diện truyền thông của quỹ Come Back Alive, bà Anastasiia Yurchyshyna, cho biết hệ thống của Ukraine là độc nhất vô nhị, dù có tham khảo kinh nghiệm từ Đan Mạch.
"Khi các kỹ sư của chúng tôi bắt tay vào phát triển, họ nhận ra các mô hình có sẵn ở phương Tây không phù hợp. Các nước không có chiến tranh thường sử dụng sân bay cố định", bà nói. "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử có một hệ thống như vậy được phát triển. Quá trình này cần nhiều vòng lặp thử nghiệm".
Ukraine hiện có bao nhiêu F-16?
Năm 2023, Ukraine và các đồng minh lập nên liên minh hàng không nhằm viện trợ tiêm kích F-16. Nhiều nước châu Âu cam kết cung cấp máy bay để hiện đại hóa lực lượng không quân Ukraine, trong khi họ chuyển sang dùng F-35 hiện đại hơn.
Lô F-16 đầu tiên được Hà Lan và Đan Mạch chuyển giao cho Ukraine vào năm 2024. Ngoài các máy bay Hà Lan, Kiev đã được hứa viện trợ 19 chiếc từ Đan Mạch, 30 chiếc từ Bỉ, và ít nhất 6 chiếc từ Na Uy. Oslo thông báo sẽ hoàn tất bàn giao vào cuối năm 2025, trong khi chính phủ Bỉ cam kết đẩy nhanh tiến độ trước mốc năm 2028.
Mỹ, Anh và các thành viên liên minh cũng cung cấp chương trình huấn luyện phi công và kỹ thuật viên bảo trì.
Ukraine xác nhận đã mất ba chiếc F-16 trong tác chiến. Tuy nhiên, ông Layton nhận định chiến thuật phân tán sẽ giúp bảo vệ lực lượng còn lại và tạo điều kiện xây dựng lực lượng F-16 lớn hơn trong dài hạn.
"Khi máy bay được phân tán dưới đất, sau khi cất cánh chúng có thể tập hợp lại trên không để chiến đấu như một đội hình tập trung", ông nói. "Với một cuộc chiến có thể kéo dài, giữ an toàn cho đội F-16 là nhiệm vụ sống còn".

Nga đẩy mạnh sản xuất mẫu "tàu ngầm nguy hiểm nhất thế giới" mang tên lửa siêu thanh Zircon

Đức sắp gửi hệ thống IRIS-T thứ 8 cho Ukraine: Vũ khí then chốt chống tên lửa hành trình Nga
