Một máy bay của hãng Jeju Air đã gặp nạn hồi tháng 12 trong lúc hạ cánh khẩn cấp sau cú va chạm với chim. Theo bản cập nhật mới nhất từ phía điều tra viên Hàn Quốc, chiếc máy bay này lẽ ra vẫn có thể tiếp tục bay nhờ một động cơ vẫn hoạt động, dù bị hư hại, nhưng lại bị phi công tắt nhầm.
Chiếc Boeing 737-800 đã hạ cánh bằng bụng tại sân bay Muan mà không hạ càng, trượt khỏi đường băng rồi phát nổ khi đâm vào một tường bao, khiến 179 trong tổng số 181 người thiệt mạng – trở thành thảm họa hàng không thảm khốc nhất trong lịch sử Hàn Quốc.
Cuộc điều tra hiện vẫn chưa đưa ra báo cáo cuối cùng, nhưng các thông tin liên quan đến hai động cơ của máy bay đã bắt đầu lộ diện.
Theo bản cập nhật ngày 19/7 của Ban Điều tra Tai nạn Hàng không và Đường sắt Hàn Quốc (ARAIB), được Reuters tiếp cận nhưng chưa công bố do gia đình nạn nhân phản đối, động cơ bên trái bị hư hại nhẹ hơn so với động cơ bên phải sau cú va chạm với chim. Tuy nhiên, động cơ bên trái đã bị tắt chỉ 19 giây sau khi máy bay trúng chim.
Động cơ bên phải bị “quá áp”, phun ra lửa và khói đen, nhưng các điều tra viên xác nhận rằng nó vẫn “tạo ra lực đẩy đủ để duy trì chuyến bay”. Bản cập nhật dài 5 trang này cũng đính kèm hình ảnh chụp hậu tai nạn của cả hai động cơ.
Không có lý do nào được nêu ra cho hành động của tổ bay, và cuộc điều tra dự kiến kéo dài nhiều tháng nhằm tái dựng lại tình trạng kỹ thuật của máy bay cũng như hiểu biết tình huống của các phi công.
Nhiều câu hỏi được đặt ra
Hiện tại, dư luận đang tập trung vào khả năng tổ bay đã tắt nhầm động cơ bị hư hại nhẹ hơn – gợi lại ký ức về vụ tai nạn năm 1989 của chiếc Boeing 737-400 tại Kegworth, Anh, khi phi công cũng tắt nhầm động cơ còn nguyên vẹn. Vụ việc đó sau này đã khiến nhiều quy định hàng không được sửa đổi, đặc biệt trong giao tiếp tổ bay và quy trình xử lý khẩn cấp.
Một nguồn tin nói với Reuters hôm đầu tuần này rằng cuộc điều tra do Hàn Quốc dẫn dắt đã có “bằng chứng rõ ràng” cho thấy phi công đã tắt động cơ bên trái – ít bị hư hại hơn – dựa trên dữ liệu hộp đen, máy tính và công tắc tìm thấy trong đống đổ nát.
Tuy nhiên, bản cập nhật mới cũng cho thấy ngay cả động cơ bị hư hại nặng hơn vẫn có thể giữ cho máy bay bay được thêm một thời gian. Không rõ khả năng hoạt động chính xác của động cơ này ra sao, cũng như các lựa chọn khác mà tổ bay có thể có trước khi quay đầu hạ cánh trong tình trạng không hạ càng, theo hướng ngược lại so với dự kiến.
Cả hai động cơ đều chịu hư hại do va chạm với chim và đều rung sau cú va. Động cơ bên phải bị hư hại nghiêm trọng bên trong, theo bản cập nhật bằng tiếng Hàn từ ARAIB, nhưng không nêu chi tiết thiệt hại ở động cơ bên trái.
Greg Feith – cựu điều tra viên của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) – sau khi xem tài liệu dịch bởi Reuters, nhận xét rằng báo cáo “có một số thông tin mới nhưng bỏ sót quá nhiều điều”, và mô tả nó là một tài liệu “mập mờ”.
ARAIB, dự kiến công bố báo cáo chính thức vào tháng 6 năm sau, chưa đưa ra bình luận.
Những tranh cãi tiếp tục nổ ra
Một báo cáo sơ bộ công bố tháng 1 cho biết lông và vết máu vịt trời được tìm thấy trong cả hai động cơ.
Hai động cơ do CFM International sản xuất – liên doanh giữa GE (Mỹ) và Safran (Pháp) – đã được kiểm tra vào tháng 5 và không phát hiện lỗi kỹ thuật nào ngoài thiệt hại do va chạm và tai nạn.
Gia đình các nạn nhân đã được thông báo về kết quả kiểm tra nhưng yêu cầu không công bố báo cáo ngày 19/7 vì cho rằng tài liệu có xu hướng quy trách nhiệm cho phi công mà chưa xem xét các yếu tố khác. Tuy vậy, Reuters và báo chí Hàn Quốc đã tiếp cận được tài liệu này.
Boeing và GE chuyển mọi câu hỏi liên quan đến ARAIB. Safran chưa phản hồi. Jeju Air tuyên bố đang hợp tác điều tra và chờ công bố báo cáo.
Theo quy định hàng không quốc tế, các cuộc điều tra dân sự chỉ nhằm xác định nguyên nhân chứ không nhằm quy trách nhiệm hay pháp lý.
Công đoàn phi công Jeju Air cho rằng ARAIB đã “gây hiểu nhầm cho công chúng” khi cho rằng động cơ bên trái không gặp vấn đề gì, dù có dấu vết va chạm với chim trong cả hai động cơ.
Một nguồn tin có mặt tại buổi họp thông báo với các gia đình nạn nhân nói rằng các nhà điều tra cũng thông báo động cơ bên trái đã có hiện tượng “quá áp”, dựa trên dữ liệu từ hộp đen.
Đại diện công đoàn phi công và gia đình nạn nhân yêu cầu công bố toàn bộ bằng chứng để làm rõ mọi kết luận.
Thân nhân các nạn nhân cũng yêu cầu điều tra thêm về tường bao chứa thiết bị dẫn đường – nơi máy bay đâm phải – mà các chuyên gia an toàn cho rằng có thể là yếu tố khiến số người chết tăng cao.
Theo tiêu chuẩn hàng không quốc tế, các thiết bị dẫn đường dọc đường băng phải được đặt trên các cấu trúc có khả năng gãy đổ dễ dàng khi máy bay va chạm.
Bộ Giao thông Hàn Quốc đã xác định có 7 sân bay trong nước, bao gồm Muan, sử dụng các cấu trúc bê tông hoặc thép, không đảm bảo an toàn và đã cam kết nâng cấp. Một quan chức cho biết bản thiết kế mới đang được tiến hành.

Rơi máy bay Jeju Air: Phi công bị nghi tắt nhầm động cơ sau cú va chạm với chim

Hộp đen trên máy bay Jeju Air ngừng ghi dữ liệu trước vụ tai nạn: Điều gì đã xảy ra?
