Biển Đông: Nga “bênh” Trung Quốc?

Vào lúc Mỹ gia tăng sự hiện diện quân sự ở vùng Biển Đông để hỗ trợ Philippines và các quốc gia Đông Nam Á trước yêu sách chủ quyền ngày càng hung hăng của Trung Quốc, Nga lại tỏ thái độ ủng hộ Bắc Kinh, về việc giải quyết song phương tranh chấp vốn liên quan đến nhiều bên...
Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov và đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị dự cuộc họp báo chung tại Matxcơva ngày 18/4
Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov và đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị dự cuộc họp báo chung tại Matxcơva ngày 18/4

Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc gặp gỡ hôm 18/4 tại Matxcơva, hai ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Nga Sergei Lavrov lại tuyên bố không nên quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và các tranh chấp chủ quyền ở vùng này phải được giải quyết thông qua thương lượng.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngang nhiên nói rằng Trung Quốc bảo vệ cái gọi là "các quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông" và có toàn quyền quyết định nên giải quyết các căng thẳng trong khu vực này như thế nào.

Trước cuộc gặp gỡ với đồng nhiệm Trung Quốc hôm 18/4, Ngoại trưởng Lavrov, khi trả lời phỏng vấn truyền thông Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ ngày 12/4, cũng đã tuyên bố rằng cần phải chấm dứt những nỗ lực quốc tế hóa các tranh chấp Biển Đông.

Việc Matxcơva ủng hộ lập trường của Bắc Kinh không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông phải được đặt trong bối cảnh Nga hợp tác ngày càng chặt chẽ với Trung Quốc ở châu Á, hay ít ra là hai nước có quan điểm ngày càng đồng nhất về các vấn đề liên quan đến an ninh khu vực này, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Và cũng giống như Bắc Kinh, Matxcơva chống lại dự án của Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc để đối phó với mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Theo các nhà quan sát, chống sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á không phải yếu tố duy nhất thúc đẩy Nga, Trung Quốc xích lại gần nhau. Hiện đang bị phương Tây cô lập do xung đột ở Ukraine, Matxcơva đang rất cần có thêm bạn và nhất là có thêm khách hàng tiêu thụ dầu khí và vũ khí Nga, cũng như có thêm đầu tư vào vùng Viễn Đông giàu tài nguyên của Nga. Khách hàng và nhà đầu tư lớn nhất hiện nay không ai khác hơn là Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc cũng rất cần tiếp cận các tài nguyên của vùng này, nhất là dầu khí.

Với Trung Quốc là một đối tác chiến lược hàng đầu, Nga cũng đang có tham vọng trở thành một cường quốc châu Á. Về phần Bắc Kinh, giữ được quan hệ hữu hảo với Nga, Trung Quốc sẽ rảnh tay tập trung cho chiến lược bành trướng ở châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng quan hệ Nga-Trung chỉ là sự xích lại gần nhau mang tính tình thế. Hai nước này về mặt lợi ích lâu dài vẫn là những đối thủ tiềm tàng của nhau và sự ngờ vực vẫn luôn tồn tại, kể cả trong giai đoạn nồng ấm nhất. Liên quan đến tuyên bố trên của Ngoại trưởng Nga, tại họp báo thường kỳ chiều 14/4 ở Hà Nội, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:

“Đối với vấn đề chỉ liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, đối với những vấn đề liên quan đến các nước khác ví dụ như là vấn đề quần đảo Trường Sa, thì không thể giải quyết song phương mà phải có sự tham gia của các bên liên quan.

Và đối với những vấn đề liên quan đến cả các nước ngoài khu vực, ví dụ như vấn đề an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không, thì phải được bàn bạc và giải quyết với tất cả các nước có chung lợi ích và chung mối quan tâm”.

Ông Bình khẳng định lại lập trường của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Theo đó, Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982 (UNCLOS) và trên tinh thần Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).