Trong cuộc họp báo ngày 23/1, ông Sean Spicer - phát ngôn viên mới của phủ tổng thống Mỹ xác quyết: "Mỹ sẽ bảo vệ quyền lợi quốc tế» ở Biển Đông.
Phát ngôn viên Nhà Trắng tuyên bố: «Nếu những đảo (bị Trung Quốc lấn chiếm) nằm trong hải phận quốc tế và không thuộc chủ quyền của Trung Quốc thì Mỹ sẽ hành động bảo vệ không để cho một nước khác xâm hại».
Tuy nhiên, phát ngôn viên Nhà Trắng từ chối cho biết về cách thức Mỹ sẽ thực hiện để chặn Trung Quốc. Ông Spicer chỉ nói thêm rằng “chúng tôi sẽ có thêm thông tin về vấn đề này khi chúng tôi phát triển thêm nữa các chính sách”.
Lời khuyến cáo trên không khác tuyên bố của ngoại trưởng Rex Tillerson cách đây hai tuần. Trong cuộc điều trần tại Thượng viện, thủ tục sát hạch để được bổ nhiệm, ngoại trưởng tương lai của Mỹ đã đe dọa: «Trung Quốc phải ngưng ngay việc xây dựng và gia cố các đảo. Mỹ sẽ không để cho Trung Quốc lui tới các đảo này».
Để khẳng định chủ quyền trái phép đối với Biển Đông, Trung Quốc đã xây nhiều đường băng, căn cứ quân sự, quân cảng và bố trí vũ khí trên một số đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp trong các vùng đang có tranh chấp.
Trung Quốc đã ngay lập tức phản ứng đáp trả. Ngày 24/1, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố: «Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền không thể tranh cãi tại Biển Đông».
Báo chí Trung Quốc cũng lớn tiếng chỉ trích những ý nghĩ «ngông cuồng đưa đến xung đột vũ trang».Truyền thông Trung Quốc từng cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm chặn Trung Quốc tiếp cận các quyền lợi ở biển Đông có nguy cơ dẫn tới “một cuộc chiến toàn diện”.
Tờ China Daily tuyên bố rằng nếu quốc gia đông dân nhất thế giới bị bác quyền tiếp cận các đảo Bắc Kinh đã kiểm soát thì “sẽ khai mào cho một cuộc đối đầu khốc liệt giữa Trung Quốc và Mỹ”.
Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực The Hague công bố vào tháng 7/2016 xác định các đảo mà Bắc Kinh kiểm soát trái phép ở Biển Đông không thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Về thương mại song phương, phát ngôn viên Sean Spicer công nhận Trung Quốc là một «thị trường lớn» đối với Mỹ, nhưng ông chỉ trích những biện pháp phân biệt đối xử của Bắc Kinh, gây khó khăn cho doanh nghiệp Mỹ đầu tư và hoạt động tại Trung Quốc.
Ông Renato DeCastro, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học De La Salle ở Philippines, từng có thời gian làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho rằng biển Đông sẽ là một trong các vấn đề “rất quan trọng đối với chính quyền của ông Trump”.
“Tôi nghĩ, để đối phó với Trung Quốc, chính quyền của ông Trump sẽ sử dụng cách tiếp cận phô trương sức mạnh trong chiến lược về châu Á”, ông DeCastro nói.