Biển Đông: 76% số vụ va chạm liên quan Trung Quốc

VietTimes -- Theo Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Mỹ (CSIS) về tình hình xung đột tại Biển Đông: 76% vụ xung đột giữa tàu bè các nước tại Biển Đông liên quan đến Trung Quốc.
Tàu hải cảnh Trung Quốc hung hăng đâm húc tàu cảnh sát biển Việt Nam trong cuộc khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014
Tàu hải cảnh Trung Quốc hung hăng đâm húc tàu cảnh sát biển Việt Nam trong cuộc khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014

CSIS phân tích 45 sự kiện xung đột giữa tàu bè các nước tại Biển Đông từ năm 2010 đến nay, kết quả có 30 vụ liên quan trực tiếp đến cảnh sát biển Trung Quốc, cộng thêm 4 vụ việc khác liên quan gián tiếp, CSIS kết luận 76% số vụ xung đột liên quan đến Trung Quốc.

Theo phân tích của CSIS, tàu bè Trung Quốc, gồm cả tàu cảnh sát biển, thường xuyên có xu hướng dùng vũ lực, như nổ súng, phun nước, lao vào những tàu đánh cá loại nhỏ, hoặc chiếu laser vào tàu ngư dân để uy hiếp; thậm tệ hơn còn không ngại xua đuổi tàu cảnh sát biển của nước khác làm tình hình quan hệ quốc tế rơi vào trạng thái căng thẳng. Nghiên cứu viên Bonnie Glaser – người thực hiện báo cáo chỉ ra mức độ hung hăng nghiêm trọng nhất là Trung Quốc”.

Báo cáo nêu rõ những dẫn chứng: Ngày 20/3/2013, Trung Quốc và Việt Nam tranh chấp tại quần đảo Hoàng Sa, tàu hải giám Trung Quốc đã nổ súng vào tàu cá Việt Nam làm tàu Việt Nam bị cháy. Vào tháng 5/2014, Trung Quốc đã ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Khoảng 120 – 140 tàu Trung Quốc đã dàn hàng ngang ngăn chặn, đâm húc 63 tàu Việt Nam trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng. Trong thời gian này đã có sự cố tàu Trung Quốc hung hăng đâm tàu cá Việt Nam làm tàu Việt Nam bị chìm.

Tháng 3/2016, tàu đánh cá của Philippines đánh bắt cá tại hải vực bãi cạn Scarborough cũng đã bị tàu cảnh sát biển Trung Quốc công kích bằng tia laser. Tại quần đảo Natuna thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia cũng thường xuyên xảy ra hoạt động đánh bắt cá trái phép của tàu cá Trung Quốc, khi tàu tuần duyên Indonesia ngăn chặn thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc cản trở. Ngày 19/3 năm nay, khi tàu của Cục Nghề cá biển Indonesia xua đuổi tàu đánh cá bất hợp pháp của Trung Quốc đã xung đột với tàu hải cảnh Trung Quốc và phải bỏ chạy…

Sau tháng 11/2012, tại Đại hội 18, Trung Quốc đưa ra mục tiêu trở thành “cường quốc đại dương”, tuyên bố sẽ hành động cứng rắn tại vùng Biển Đông và Hoa Đông, và đã thành lập Cục Hải dương Quốc gia, do các cơ quan gồm Tổng cục Hải quan chống buôn lậu trên biển, quan chức nghề cá Bộ Nông nghiệp, và cảnh sát biển biên phòng Bộ Công an Trung Quốc hợp thành.

Theo thông tin của CISI, lực lượng hải cảnh Trung Quốc trực thuộc Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc có 205 tàu, là đội cảnh sát biển quy mô lớn nhất thế giới, trong đó tàu cỡ lớn có trọng lượng nước rẽ 1.000 tấn trở lên có 95 chiếc, cho thấy quy mô lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc vượt trội so với cảnh sát biển các nước khác.

Có phân tích chỉ ra, nguyên nhân chính gây tình hình căng thẳng tại Biển Đông chủ yếu do tàu hải cảnh Trung Quốc. Bất chấp thực tế, hồi tháng 7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngang nhiên nói: “Cảnh sát biển Trung Quốc thực hiện tuần tra và chấp pháp hợp pháp trong vùng biển do Trung Quốc quản lý… CISI nên chấm dứt thao túng dư luận, làm tình hình bất hòa, căng thẳng”.