|
Các mũ và áo giáp chống đạn giá Mỹ nhưng thực chất là hàng giá rẻ, chất lượng kém được Tanner Jackson nhập từ Trung Quốc (Ảnh: taskandpurpose). |
Theo trang “Task and Purpose” (Nhiệm vụ và mục đích) nhà thầu quân sự này tên là Tanner Jackson. Trong thời gian điều hành Công ty áo giáp "Top Body Armor LLC" và Công ty giáp chống đạn Bullet Proof Armor LLC từ tháng 6/2017 đến tháng 12/2020, để được trúng thầu với giá thấp, ông ta đã nhập khẩu áo giáp và mũ chống đạn chất lượng kém từ Trung Quốc đại lục, sau đó “hô biến” nơi sản xuất từ “Made in China” thành "Made in Texas". Sai lầm nghiêm trọng hơn là dù những chiếc áo giáp chống đạn này đã không được kiểm nghiệm chính thức trong phòng thực nghiệm, nhưng Jackson đã làm giả báo cáo kiểm nghiệm của cơ quan thử nghiệm có tư cách pháp nhân. Jackson dự kiến sẽ phải hầu tòa vào ngày 22/2/2022 và đối mặt mức án cao nhất là 20 năm tù.
|
Một lính không quân ở Iraq mang trang phục chống đạn (Ảnh: taskandpurpose). |
Theo “Task and Purpose”, Tanner Jackson đã thừa nhận rằng loại áo giáp chất lượng kém của ông ta và việc làm giả kết quả thử nghiệm có thể khiến các phi công và binh sĩ mang nó mất mạng do áo giáp họ sử dụng không có khả năng chống được đạn.
Vụ việc bị phát giác khi các binh sĩ phát hiện những mũ bảo hộ, áo giáp và thiết bị phòng hộ mà họ sử dụng có vấn đề về chất lượng. Qua điều tra, những sản phẩm mà nhà thầu cung cấp này được cam kết là sản phẩm “Made in USA”, nhưng thực tế chúng lại là hàng “Made in China” giá rẻ được nhập khẩu.
Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố: "Tanner Jackson đã cạnh tranh để có được một hợp đồng về áo giáp chống đạn liên quan đến Không quân, trong bài kiểm tra chất lượng, số áo giáp do công ty của Jackson cung cấp đã không chống được đạn. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, Jackson đã thành lập nhiều Phòng thử nghiệm vũ khí “ma” để làm hồ sơ giả mạo về khả năng chống đạn của lô áo giáp. Hiện chưa rõ có bao nhiêu bộ áo giáp đã được chuyển giao cho Không quân Mỹ.
|
Mũ và áo giáp không chống được đạn gây nguy hiểm đến tính mạng cho những người sử dụng (Ảnh: taskandpurpose). |
Trên thực tế, các cuộc điện thoại từ Phòng thử nghiệm đạn đạo Texas “ma” được chuyển đến công ty của Jackson, địa chỉ cũng không tồn tại. Jackson cũng tạo ra một trang web cho phòng thử nghiệm để làm cho nó giống như một cơ quan hợp pháp.
Trang web mua sắm của chính phủ liên bang đã liệt kê Jackson có 5 bản hợp đồng với chính phủ, trong đó có 3 bản với Không quân Mỹ và chính phủ đã trả cho công ty của Jackson khoảng 176.000 USD. Hai hợp đồng còn lại đã bị hủy bỏ.
Ngoài ra, vào năm 2018 công ty của Jackson đã giành được hợp đồng trị giá 60.000 USD với Lục quân Mỹ để cung cấp cho Lục quân một số lượng không xác định lớp lót chống đạn cấp 3A.
Đây cũng là doanh nghiệp có giá bỏ thầu thấp nhất trong hợp đồng cung cấp trang bị chống đạn cho Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó cung cấp áo giáp và mũ chống đạn cho các binh sĩ bảo vệ Đại sứ quán Mỹ ở Iraq và các lực lượng thực thi pháp luật ở Mỹ Latinh.
|
Ảnh sản phẩm trên Công ty Mỹ sử dụng ảnh của trang Taobao Trung Quốc (Ảnh: Kknews). |
Đây không phải là nhà thầu Mỹ đầu tiên cung cấp áo giáp khiếm khuyết cho quân đội. Năm 2019 cũng đã xảy ra 2 vụ án tương tự…
Trong một trường hợp, một viên hạ sĩ quan quân đội Mỹ đã phát hiện ra những bức ảnh chụp mũ chống đạn do công ty cung cấp có dấu vết chỉnh sửa, sau một hồi tìm kiếm, anh ta tình cờ tìm thấy những bức ảnh gốc trên trang thương mại điện tử Taobao của Trung Quốc. Cuộc điều tra sau đó cho thấy thiết bị chống đạn do nhà thầu Mỹ cung cấp được mua từ một nhà sản xuất có ảnh gốc này, nghĩa là một số lính Mỹ đang sử dụng loại mũ bảo hiểm và áo khoác chống đạn giá rẻ bán trên mạng Taobao.
Sau khi phát hiện ra vấn đề này, quân đội Mỹ đã vô cùng tức giận, bởi chỉ trong vòng 3 năm, quân đội Mỹ, đã đặt hàng tổng cộng 640.000 USD và mua tổng cộng 9 lô áo giáp và mũ chống đạn. Theo xu hướng bài xích các sản phẩm Trung Quốc, sau sự cố này, quân đội Mỹ có thể niêm phong hoặc bán lại các sản phẩm “Made in China” này, sau đó mua lại các sản phẩm chính hãng của Mỹ. Công ty này không chỉ bị loại khỏi danh sách các nhà thầu cung cấp, mà người đứng đầu còn phải đối mặt với mức án 20 năm tù giam.
|
Camera được quảng cáo của Mỹ, nhưng thực ra được nhập từ Trung Quốc (Ảnh: Kknews), |
Trong một vụ việc nghiêm trọng khác, vào tháng 11/2019, quân đội Mỹ đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng những chiếc camera giám sát mà họ đã mua trong hơn một thập kỷ qua là sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, nhưng công ty Mỹ cung cấp các sản phẩm này lại nói dối rằng những sản phẩm này là "Made in USA" cho đến khi phát hiện ra trên những chiếc máy quay này có những ký tự Trung Quốc, và sự việc đã bị quân đội Mỹ phát hiện ra, nhưng thật không may, nó đã quá muộn bởi trong hơn mười năm những chiếc camera này, vốn là được coi là "Made in USA", đã được triển khai trong các căn cứ lớn của cả Hải, Lục, Không quân và không rõ nó có tự động chuyển dữ liệu về nơi nào đó hay không.