Để giúp các học sinh vượt vũ môn thành công, ThS. Phạm Thị Hoa - nghiên cứu viên Trung tâm phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đồng thời là giáo viên Toán có nhiều năm kinh nghiệm trong luyện thi Đại học, sẽ “mách nước” một số chiến lược ôn thi môn Toán đạt điểm cao trong kỳ thi sắp đến.
Dưới đây là những kinh nghiệm, phương pháp ôn luyện cấp tốc môn Toán được cô Hoa chia sẻ với VietTimes:
- Kỳ thi THPT quốc gia 2019 sắp đến, theo cô, học sinh lớp 12 cần nắm vững và tập trung vào những dạng toán nào trong giai đoạn ôn thi nước rút, thưa cô?
+ Đối với môn Toán, các em học sinh cần tập trung vào những chuyên đề sau:
1. Chuyên đề hàm số: Chuyên đề có số lượng câu hỏi lớn nhất trong đề thi (12 câu) và cũng là chuyên đề có nhiều câu hỏi khó nhất trong đề (3 câu vận dụng cao). Các câu hỏi ở mức độ nhận biết – thông hiểu đều rơi vào các dạng bài quen thuộc như xét tính đồng biến, nghịch biến , cực trị, min max, đồ thị….
Những câu này học sinh nắm rõ kiến thức cơ bản là giải quyết được, nhưng thường mắc sai lầm ở một số dạng bài như đề bài cho đồ thị y = f’(x) lại hiểu nhầm thành đồ thị y = f(x), đọc sai số đường tiệm cận…
Bên cạnh đó, những câu vận dụng – vận dụng cao đều được lồng ghép kiến thức của các chuyên đề khác, như: các bài toán cực trị trong hình học, bài toán vật lý…
2. Chuyên đề mũ Logarit: Phần này có những câu cơ bản yêu cầu học sinh nắm rõ lý thuyết, tính chất và công thức biến đổi cơ bản để làm lý thuyết và những câu biến đổi đơn giản.
Trong đề thi vẫn có dạng bài toán lãi suất, nhưng mức độ câu hỏi rất cơ bản không làm khó thí sinh. Về phần phương trình và bất phương trình, học sinh thường quên tìm điều kiện, hoặc không kết hợp điều kiện, nên dễ dẫn tới kết quả sai.
3. Chuyên đề số phức: Chuyên đề này không có thay đổi nhiều so với các đề thi năm 2018, các dạng bài đều quen thuộc với thí sinh, trong đó 5 câu hỏi chia đều cho 4 cấp độ nhận thức trong đề. Câu hỏi khó nhất trong đề rơi vào dạng bài: xác định số phức thỏa mãn điều kiện cho trước.
4. Chuyên đề nguyên hàm – tích phân: Đề bài có 6 câu hỏi, trong đó câu hỏi khó nhất trong đề rơi vào dạng bài: tính diện tích hình phẳng, nhưng cho ở dạng hình vẽ. Với dạng này, thí sinh cần phải nắm được kiến thức lớp 10 (hình elip) và biết cách tọa độ hóa lên mới làm được câu hỏi này.
5. Chuyên đề hình học Oxyz: Số lượng là 8 câu hỏi. Các câu hỏi thuộc phần nhận biết – thông hiểu quen thuộc, thí sinh có thể hoàn thành nhanh chóng. Ở câu hỏi mang tính phân loại, mức độ tư duy tăng dần, học sinh cần biết cách quy một bài toán hình tọa độ không gian sang các dạng bài hình học phẳng.
6. Chuyên đề hình học không gian – tròn xoay: Số lượng câu hỏi là 8 câu, chiếm khoảng 15% câu hỏi trong đề. Các câu hỏi các dạng bài quen thuộc: tính góc, tính khoảng cách, tính thể tích của các hình khối quen thuộc.
Câu hỏi khó nhất thuộc phần này là câu về thể tích của một khối đa diện, đòi hỏi học sinh biết cách phân chia thể tích các khối đa diện thật thành thạo mới làm được.
7. Các chuyên đề khác: Những câu hỏi còn lại thuộc các chuyên đề tổ hợp – xác suất, cấp số cộng – cấp số nhân; phương trình – hệ phương trình – bất phương trình chiếm khoảng 8% đến 10% số lượng câu hỏi trong đề. Các dạng bài đều không khó, quen thuộc với học sinh.
- Bên cạnh các kiến thức cơ bản, một số học sinh thường có tâm lý sợ điểm thấp, nên cố gắng giải các bài toán khó. Ý kiến của cô về vấn đề này như thế nào?
ThS. Phạm Thị Hoa thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
|
+ Theo cấu trúc ra bài thi trắc nghiệm môn toán của Bộ GD&ĐT, kiến thức cơ bản chiếm 60% bài thi. Vì vậy, các em cần học tốt các kiến thức trong sách giáo khoa trước khi mở rộng kiến thức nâng cao.
Khi học trong sách cần kết hợp bám sát các nội dung ra đề thi của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, các em cần biết bản thân thiếu sót phần kiến thức nào để bổ sung kịp thời.
- Hiện nay, Bộ GD&ĐT có xu hướng ra đề thi với những câu hỏi gần với thực tiễn. Vậy làm thế nào để thí sinh giải quyết tốt các bài toán đó?
+ Hầu hết các chuyên đề đều có bài toán liên hệ thực tiễn và thường lồng ghép nhiều chuyên đề với nhau. Vì thế, học sinh muốn làm được những câu này phải nắm chắc hệ thống kiến thức và vận dụng linh hoạt vào bài toán.
- Theo đề thi mẫu của Bộ GD & ĐT, đề thi Toán năm nay có những điểm mới nào so với trước, thưa cô?
+ Về cấu trúc của đề thi, theo công bố của Bộ GD&ĐT, đề thi đảm bảo bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình THPT và chủ yếu thuộc chương trình lớp 12, số câu hỏi lớp 12 tăng lên so với đề thi các năm trước (khoảng 85%-90%).
Phần kiến thức lớp dưới chiếm tỷ lệ rất nhỏ (không quá 10%) và gần như chỉ rơi vào chương trình lớp 11. Tuy nhiên, thí sinh muốn đạt điểm cao ở các khối thi Đại học có môn Toán, thì cần nắm chắc kiến thức trong cả ba năm học phổ thông.
So với đề thi chính thức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, độ khó của đề thi tham khảo được giảm đi tương đối rõ rệt và đáp ứng được mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Theo tôi, sự điều chỉnh này tương đối hợp lý nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu của kỳ thi, giải quyết các vấn đề tồn đọng của kỳ thi các năm trước. Việc điều chỉnh về độ khó và cấu trúc đề thi tạo thuận lợi hơn cho thí sinh để xét công nhận tốt nghiệp theo quy chế mới.
- Bên cạnh những chia sẻ về phương pháp làm bài thi, xin cô cho một số lời khuyên đối với các thí sinh trong giai đoạn ôn thi nước rút.
+ Trong thời gian ôn thi, học sinh không nên chạy theo các lớp luyện thi cấp tốc quá nhiều. Bởi điều này sẽ gây mất sức khỏe và không hiệu quả cho việc tiếp thu kiến thức.
Trong thời gian này, học sinh có thể tự ôn thi tại nhà. Mỗi học sinh nên biết cách phân bổ thời gian học khoa học và hợp lý. Học cần kết hợp với nghỉ ngơi và thư giãn đầu óc. Tránh trường hợp nhiều em thức khuya để ôn luyện ảnh hưởng xấu đến sức khỏe trước kỳ thi quan trọng.
Chúc các em ôn thi hiệu quả và đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 sắp đến!