Trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, ngoại trừ môn Ngữ văn thi bằng hình thức tự luận thời gian làm bài là 120 phút, thì tất cả các môn khác thi theo hình thức trắc nghiệm.
Thí sinh thường nghĩ bài thi trắc nghiệm tương đối đơn giản, dễ ăn điểm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều trường hợp đã bị mất điểm oan vì mắc những lỗi cơ bản.
Dưới đây là những lỗi sai thường gặp, thí sinh cần lưu ý trong khi làm bài thi trắc nghiệm.
1. Điền thiếu hoặc sai mã đề thi, thông tin cá nhân
Nhiều thí sinh chủ quan sau khi nhận được phiếu thông tin (phiếu tô đáp án) nhưng không điền đầy đủ, mà để đến cuối giờ mới viết. Hoặc với tâm lý tận dụng thời gian, thí sinh thường vội vàng làm bài mà quên điền các thông tin, như: tên, số báo danh, mã đề thi…
Việc tô sai hoặc ghi sai mã đề sẽ gây thiệt thòi cho thí sinh sau khi làm bài và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của bài thi.
Vì vậy, ngay khi nhận giấy thi, thí sinh phải ưu tiên điền chính xác và đủ thông tin vào các mục trống ở phía trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Với số báo danh phải ghi đủ và tô đủ phần số (kể cả các số 0 ở phía trước), điền chính xác mã đề thi vào hai phiếu thu bài thi.
2. Không kiểm tra mã đề thi
Khi nhận đề thi, thí sinh cần lưu ý môn thi thành phần trong mỗi bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội có cùng một mã đề thi. Nếu không cùng mã đề thi, phải báo ngay với cán bộ coi thi, chậm nhất 10 phút sau khi nhận đề.
Mã đề thi ảnh hưởng rất nhiều đến điểm số. Vì thế, thí sinh phải kiểm tra đề thi để đảm bảo có đủ số lượng câu hỏi như đã ghi trong đề và tất cả trang của đề thi ghi cùng một mã đề. Ngoài ra, thí sinh phải để đề thi dưới tờ phiếu trả lời trắc nghiệm, không được xem nội dung khi cán bộ coi thi chưa cho phép.
Thí sinh thường vội vàng làm bài thi, mà quên điền thông tin như tên, số báo danh, mã đề thi…
|
3. Dùng bút mực, bút bi tô đáp án
Trong phiếu trả lời trắc nghiệm chỉ được dùng một thứ mực, nếu dùng hai màu mực thì bài của bạn sẽ vi phạm quy chế thi và có thể không được chấm. Các thí sinh chỉ tô chì đen ở ô trả lời, không tô bằng bút mực, bút bi để làm bài thi.
Khi chọn câu trả lời, thí sinh phải tô đậm và tô kín diện tích cả ô, không gạch chéo hoặc chỉ đánh dấu vào ô được chọn hoặc đánh ký hiệu riêng. Tô đáp án không đúng quy định sẽ không được tính điểm.
4. Tô mờ, tô hai đáp án trong cùng một câu
Đối với việc tô trắc nghiệm, thí sinh cần hết sức chú ý như tô mờ, tô hai đáp án cho một câu do nhầm lẫn, tô không kín ô hoặc chỉ đánh dấu chéo... Tất cả đều sẽ không được tính điểm.
Vì vậy, thí sinh phải làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm được in sẵn theo quy định của Bộ GD&ĐT. Thí sinh chỉ được tô bằng bút chì đen các ô số báo danh, ô mã đề thi và ô trả lời.
Thí sinh nên dùng bút chì từ 2B trở lên (tốt nhất là 3B và 4B) để tô. Ngoài ra dùng bút chì nét to để tiết kiệm thời gian tô, không nên dùng bút chì kim để tô và không để mực dính lên hay vạch lên những ô đáp án khác để tránh bị nhầm là câu trả lời.
5. Không tẩy sạch những đáp án đã sửa
Trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, thí sinh phải tẩy sạch chì ở ô cũ rồi tô ô mà mình lựa chọn. Bài thi trắc nghiệm được chấm bằng máy. Nếu không tẩy sạch đáp án cũ, máy sẽ nhầm lẫn thí sinh chọn hai đáp án và như vậy là vi phạm quy chế, không được tính điểm.
Thí sinh lắng nghe quy chế thi
|
6. Bỏ trống hoặc quên không khoanh đáp án
Khi gặp câu hỏi khó và bỏ lại để làm câu khác là hoàn toàn đúng, nhưng nhiều thí sinh bỏ quên không quay lại khiến đáp áp bị bỏ trống. Điều này khiến thí sinh mất đi cơ hội có điểm câu đó.
Giải pháp trong trường hơp này là khi bỏ qua câu nào thì hãy đánh dấu, ghi chú lại để không bỏ quên và không mất công dò lại câu.
7. Quên nguyên tắc “thà tô nhầm còn hơn bỏ sót”
Nếu cuối giờ không tìm ra đáp số, thí sinh có thể khoanh ngẫu nhiên đáp án cảm thấy đúng nhất hoặc sử dụng yếu tố may mắn của bản thân. Đảm bảo tất cả câu hỏi được tô trọn vẹn. Luôn nhớ nguyên tắc khi làm bài trắc nghiệm là "thà tô nhầm còn hơn bỏ sót".
8. Tô nhầm đáp án
Một số trường hợp các thí sinh do sợ sai nên chọn đáp án trên đề thi mà quên tô vào phiếu trả lời, đến cuối giờ tâm lý hoảng loạn nên tô không kịp và có khi tô nhầm đáp án. Vì vậy giải pháp là hãy giữ bình tĩnh và tô đáp án ngay vào phiếu khi đã chắc chắn.
9. Chủ quan khi nộp bài
Khi đề thi “trúng tủ”, nhiều thí sinh chủ quan, làm bài nhanh để ra về nhưng nộp bài sớm chẳng có ích lợi gì.
Vì vậy, trước khi nộp bài, thí sinh nên đọc và kiểm tra lại thật kỹ các câu trả lời, kể cả các câu dễ. Kiểm tra lại phiếu trả lời của mình để tránh tô lệch đáp án trắc nghiệm trong phiếu trả lời tổ hợp thi tự nhiên.
Khi hết giờ, thí sinh phải nộp phiếu trả lời trắc nghiệm cho cán bộ coi thi và ký tên vào hai phiếu thu bài thi. Thí sinh chỉ được rời phòng thi sau khi cán bộ coi thi đã kiểm đủ số phiếu trả lời trắc nghiệm của cả phòng và cho phép ra về.