Bí ẩn xung quanh vụ chiến hạm Moskva và Makarov của Nga bị tấn công

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Khả năng tàu chiến của Nga đã bị bắn trúng, bị chặn sóng…đều có, nhưng có thể thế giới sẽ không bao giờ biết được điều gì đã thực sự xảy ra.
Tàu Moskva của Nga được kéo về cảng sau khi chịu thiệt hại vì đòn tấn công (Ảnh: Flickr)
Tàu Moskva của Nga được kéo về cảng sau khi chịu thiệt hại vì đòn tấn công (Ảnh: Flickr)

Tuần dương hạm Moskva đã bị tấn công trên Biển Đen vào ngày 13/4. Có một số báo cáo chưa xác nhận nói rằng tàu khu trục Admiral Makarov của Nga cũng đã bị tấn công vào ngày 6/5. Theo như những chi tiết hiện có, có 4 câu hỏi quan trọng được giới phân tích đặt ra:

Đầu tiên, những con tàu này đều được trang bị những hệ thống phòng không được xem là tốt nhất, nếu như vậy, tại sao chúng lại bị bắn hạ? Không có nguồn tin nào đề cập tới việc các thủy thủ Nga cố gắng bắn hạ tên lửa của Ukraine, hay thậm chí nhận biết rằng những tên lửa đó đang bay tới, trước khi bị bắn trúng.

Thứ hai, các tên lửa của Ukraine có gì đặc biệt giúp chúng không thể bị các tàu Nga phát hiện?

Thứ ba, tại sao cả hai chiến hạm trên không phản ứng?

Thứ tư, Mỹ đóng vai trò gì, nếu có, trong vụ tấn công nhằm vào 2 tàu Nga?

Các chiến hạm của Nga được trang bị các hệ thống phòng không hiện đại, kết hợp dàn radar hiệu quả với các tên lửa đánh chặn tối tân. Tàu Moskva có 2 hệ thống: một hệ thống cũ hơn có tên Osa-MA (SS-N-4), hệ thống tầm ngắn được cho là để đánh trả các loại tên lửa chống hạm; và hệ thống mới hơn là S-300F, với nhiệm vụ phòng không, chặn tên lửa tầm xa.

Tàu Makarov được trang bị hệ thống phòng không 3S90M BUK, sử dụng tên lửa đánh chặn 9M317M, có tầm xa lên tới 130km. BUK vốn nổi tiếng là một tổ hợp phòng không chết chóc, thời gian phản ứng của nó tính từ lúc phát hiện mục tiêu chỉ khoảng 10 – 15 giây.

Tên lửa chống hạm Neptune của Ukraine, đã đáp trúng tàu Moskva, là tên lửa “lướt biển” (Sea Skimming) hành trình vận tốc cận âm. Tốc độ tối đa của nó xấp xỉ 900km/giờ. Ở khoảng cách 60 dặm (96km) từ bờ biển, tên lửa Neptune cần hơn 6 phút để đáp trúng mục tiêu, còn ở khoảng cách 20 dặm (32km), nó mất khoảng hơn 2 phút. Mặc dù các tên lửa lướt biển khó bị phát hiện hơn, nhưng tên lửa Neptune không hề có tính năng “tàng hình”, bởi dựa trên công nghệ của tên lửa chống hạm KH-35.

Về tàu Makarov, với vị trí và điểm yếu tiềm tàng của nó, cũng là hợp lý nếu cho rằng nó bị tấn công, có khả năng cao nhất là do một tên lửa Neptune hoặc một drone có vận tốc bay chậm, ví dụ như mẫu drone Bayrakta do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo.

Cả Makarov và Moskva đều có hàng phòng thủ nhiều lớp, bao gồm các tên lửa phòng không, các loại súng có tốc độ bắn cao, và tên lửa đối không MANPAD, bao gồm phiên bản mới nhất có tên Verba (9K333). Không rõ các lớp phòng thủ này phối hợp với nhau nhuần nhuyễn như thế nào, nhưng nếu một mối đe dọa được phát hiện, một lớp phòng thủ sẽ được đặt trong mức báo động cao nhất.

Trong trường hợp cả hai con tàu trên, dựa trên những thông tin sẵn có, chiến hạm của Nga không hề chống trả. Nếu như chúng có các hệ thống phòng không tốt đến vậy (tàu Makarov mới biên chế năm 2015), bao gồm các hệ thống radar tối tân và tác chiến điện tử hiện đại, vậy tại sao cả hai con tàu này không có phản ứng gì? Cũng có thể các hệ thống radar và bộ cảm ứng của Nga không tốt trong việc phát hiện các tên lửa lướt biển. Hoặc có một sự kiện nào khác đã xảy ra.

Tranh cãi về P-8A

Một chiếc P-8 Poseidon đang được tiếp nhiên liệu trên không (Ảnh: US Air Force)

Một chiếc P-8 Poseidon đang được tiếp nhiên liệu trên không (Ảnh: US Air Force)

Giới chức Ukraine nói rằng tàu Moskva bị đánh chìm là nhờ sự hỗ trợ từ phía Mỹ. Lầu Năm Góc đã chính thức bác bỏ điều này, đồng thời bác bỏ cả một số thông tin cho rằng Mỹ đang hỗ trợ Ukraine lùng diệt các tướng lĩnh Nga.

Điều có thể nói rõ nhất trong trường hợp của tàu Moskva là, một máy bay do thám/chống ngầm P-8A của Mỹ đang hoạt động trên Biển Đen, ở vị trí gần với tàu Moskva, lúc xảy ra vụ việc. Liệu có phải chiếc P-8A này đã giúp Ukraine ngắm bắn tàu Nga?

P-8A do hãng Boeing chế tạo, được dùng để thay thế cho máy bay do thám chống ngầm P-3. Được ra mắt vào năm 2013, P-8A sử dụng hệ thống sóng âm để phát hiện tàu ngầm. Nó cũng có thể phóng ngư lôi và tên lửa chống hạm Harpoon.

Trong trường hợp tàu Moskva, không có bằng chứng nào cho thấy P-8A đã khai hỏa vũ khí. Hành động như vậy sẽ khiến Mỹ vượt qua một lằn ranh cực kỳ nhạy cảm, biến họ thành một bên can dự trực tiếp vào cuộc chiến ở Ukraine mà không có sự phê chuẩn của Quốc hội hay Tổng thống. Đương nhiên, điều gì cũng có thể xảy ra. Nếu P-8A hiện diện ở vị trí sát với các chiến hạm và tàu ngầm Nga, có khả năng nó đã thử nghiệm mức độ hiệu quả của các hệ thống lắp đặt trên khoang đối với các đơn vị hải quân Nga.

P-8A được trang bị hệ thống đối kháng điện tử AN/ALR-55 được chế tạo bởi BAE.Đây là những hệ thống mới toanh và nếu chúng được lắp đặt trên những chiếc P-8 đang hoạt động ở Biển Đen, chúng có thể mới được trang bị trong năm ngoái, hoặc vài tháng gần đây.

Khả năng thực sự của ALR-55 đến nay vẫn là điều bí ẩn, nhưng nó có thể chặn hoặc thậm chí là đánh lừa radar của địch thủ. Bởi vậy, về mặt lý thuyết, nếu P-8A của Hải quân Mỹ được kết nối thời gian thực với đơn vị điều khiển tên lửa Neptune của Ukraine, nó có thể khiến hệ thống radar trên tàu Nga bị vô hiệu hóa, hoặc bị đánh lừa.

Có nhiều sự ngờ vực rằng P-8A của Mỹ đang phối hợp với phía Ukraine, có thể là trực tiếp hoặc thông qua liên kết vệ tinh, hoặc được Mỹ chuyển cho Ukraine thông qua NATO.

Khả năng Hải quân Mỹ chặn sóng radar các chiến hạm Nga là điều khó có thể chứng minh. Ngoài ra, còn có khả năng là các chiến hạm Nga có khả năng tác chiến điện tử không hiệu quả, người vận hành kém hoặc bị các tác nhân khác chặn sóng radar…Hiện đã có 2 chiến hạm của Nga rơi vào tình cảnh này, nhưng rất khó để có thể biết chắc được nguyên nhân.

Theo Asia Times