Bí ẩn "hành tinh thứ 9": Không phải là một hành tinh mà là một hố đen vũ trụ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong nhiều thế kỷ, các nhà thiên văn học đã tính toán quỹ đạo hành tinh để dự đoán sự tồn tại của các hành tinh mới trong Hệ Mặt Trời.
Hình minh họa của một họa sĩ về một hành tinh lớn gấp 10 lần Trái đất chưa được khám phá trong hệ Mặt trời. Các nhà khoa học gọi đây là "hành tinh thứ 9" (Ảnh: Live Science)
Hình minh họa của một họa sĩ về một hành tinh lớn gấp 10 lần Trái đất chưa được khám phá trong hệ Mặt trời. Các nhà khoa học gọi đây là "hành tinh thứ 9" (Ảnh: Live Science)

Một số nhà thiên văn học tin rằng có một hành tinh khổng lồ - có thể vượt xa quỹ đạo của Sao Hải Vương - đang quay quanh mặt trời. Nhưng sau nhiều năm tìm kiếm, các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra bằng chứng cụ thể nào về "hành tinh số 9" này.

Điều này khiến các nhà thiên văn học đặt ra một giả thuyết rằng, có lẽ "hành tinh số 9" không phải là một hành tinh thông thường mà là một hố đen nhỏ với bức xạ phát ra từ rìa - gọi là bức xạ Hawking.

Trong nhiều thế kỷ, các nhà thiên văn học đã sử dụng các biến thể trong quỹ đạo của hành tinh để dự đoán sự tồn tại của các hành tinh mới. Khi quỹ đạo của một hành tinh không hoàn toàn phù hợp với các dự đoán, các nhà khoa học sẽ khám phá ra lý thuyết vật lý mới hoặc thêm nhiều hành tinh hơn vào quỹ đạo. Ví dụ, việc các nhà khoa học không thể mô tả chính xác quỹ đạo của sao Thủy là tiền đề dẫn đến thuyết tương đối của Einstein. "Hành vi" kỳ lạ trong quỹ đạo của Sao Thiên Vương đã dẫn đến việc phát hiện ra Sao Hải Vương.

Vào năm 2016, các nhà thiên văn học đã nghiên cứu một bộ sưu tập các vật thể ở rất xa trong hệ mặt trời, được gọi là các vật thể xuyên sao Hải Vương (TNO). Những thiên thể nhỏ bé này được cho là còn sót lại sau quá trình hình thành hệ Mặt Trời, nằm trong một quỹ đạo bên ngoài của sao Hải Vương.

Một số TNO này có quỹ đạo phân cụm kỳ lạ được sắp xếp với nhau. Xác suất sự phân nhóm ngẫu nhiên xảy ra là dưới 1%. Điều này khiến một số nhà thiên văn học nghi ngờ rằng, có thể do tác động của hành tinh khổng lồ - lớn hơn Sao Hải Vương - đang quay quanh mặt trời. Họ đặt tên cho hành tinh giả định này là Planet Nine (hành tinh thứ 9). Ý tưởng này cho thấy lực hấp dẫn từ một vật thể như vậy có thể kéo các TNO này thành các nhóm.

Tuy nhiên, những bằng chứng về "hành tinh thứ 9" vẫn chưa được kết luận. Các quan sát của TNO có thể bị sai lệch. Các nhà nghiên cứu đã báo cáo vào tháng 2 về bằng chứng "hành tinh số 9" qua sự tập hợp của các TNO. Tuy nhiên, các TNO này dường như chỉ tập hợp lại do các quan sát chủ quan của các nhà thiên văn học. Thêm vào đó, có một thực tế rằng, sau 5 năm tìm kiếm, không một ai có thể tìm thấy "hành tinh thứ 9".

Nếu "hành tinh thứ 9" có thật, nó có thể nằm trên một phần quỹ đạo xa Mặt Trời đến nỗi chúng ta không thể quan sát bằng công nghệ hiện tại. Ngay cả những lần quét xa nhất, các nhà thiên văn học vẫn chưa tìm thấy kết quả.

Vì vậy, hiện các nhà thiên văn học đã đề xuất một giả thuyết thay thế: "Có thể "hành tinh thứ chín" không phải là một hành tinh mà là một hố đen nhỏ".

Các hố đen nhỏ là chủ đề thú vị đối với các nhà thiên văn học. Tất cả các hố đen mà chúng ta biết trong vũ trụ đều được tạo ra từ "cái chết" của những ngôi sao lớn. Những ngôi sao có khối lượng lớn không nhỏ hơn 10 lần khối lượng Mặt Trời mới đủ lớn để tạo ra một hố đen. Các hố này có khối lượng tổi thiểu gấp 5 lần Mặt Trời.

Tuy nhiên, các hố đen nhỏ hơn có thể đã được hình thành trong điều kiện khắc nghiệt của vũ trụ sơ khai. Nhưng các quan sát vũ trụ đã loại trừ hầu hết các mô hình hình thành hố đen nguyên thủy. Vì vậy, nếu các nhà khoa học có thể xác nhận rằng có một hố đen nhỏ đang quay quanh mặt trời, đây có thể là góc nhìn hấp dẫn về một trong những bí ẩn lớn nhất vũ trụ học hiện đại.

Một cuộc hành trình đầy nguy hiểm

Hành tinh thứ 9 vẫn là một bí ẩn (Ảnh: Wikipedia)

Hành tinh thứ 9 vẫn là một bí ẩn (Ảnh: Wikipedia)

Vào những năm 1970, nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking đã đưa ra giả thuyết rằng các hố đen không hoàn toàn "đen" 100%. Do sự tương tác phức tạp giữa lực hấp dẫn và lực lượng tử ở ranh giới, ông cho rằng các hố đen có thể phát ra bức xạ yếu và từ từ co lại trong quá trình này. Tuy nhiên, hố đen nhỏ có thể dễ tiếp cận hơn. Nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, bức xạ Hawking quá yếu để phát hiện từ Trái Đất. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới đã đề xuất đưa tàu bay vũ trụ phát hiện bức xạ Hawking từ hố đen.

Thật đáng buồn, ngay cả việc sử dụng một đội tàu bay vũ trụ cũng khó có thể phát hiện ra "hành tinh thứ 9" thông qua bức xạ Hawking. Do bức xạ quá yếu cũng như không biết vị trí chính xác của hố đen, các nhà khoa học không thể đảm bảo chúng ta có thể tiếp cận nó trong một lần bay ngẫu nhiên.

Tuy nhiên không phải là đã hết hy vọng. Nếu các nhà khoa học có thể xác định chính xác vị trí của "hành tinh thứ 9", các tàu bay sẽ có thể di chuyển vào gần hơn. Ở đó, chúng ta có thể quan sát trực tiếp môi trường hấp dẫn và khắc nghiệt nhất trong vũ trụ. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà thiên văn học rất phấn khích trước viễn cảnh về một hố đen bay quanh mặt trời của chúng ta. Đây sẽ là một nhiệm vụ vô cùng tốn kém và tốn thời gian. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã có kinh nghiệm với những nhiệm vụ đường dài để thăm dò không gian trên các phi thuyền vũ trụ. Việc thiết kế một phiên bản đặc biệt của phi thuyền New Horizons để khám phá "hành tinh thứ 9" nằm trong tầm công nghệ của NASA.

Theo Live Science