Việc Bảo hiểm Xã hội từ chối không thanh toán nhiều loại thuốc có giá bất hợp lý, sẽ khiến cho người bệnh có thẻ bảo hiểm phải bỏ tiền túi thanh toán một số loại thuốc mà lẽ ra Bảo hiểm y tế phải xuất quỹ chi trả.
Ngay sau khi nhận công văn số 133/BHXH-GĐ2 ngày 31/3/2020 của Bảo hiểm Xã hội TP.HCM về việc thông báo từ chối thanh toán các thuốc có giá bất hợp lý tại CV số 2010/BHXH-GĐ2 ngày 4/9/2019, Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu các đơn vị y tế công lập trực thuộc giải trình về vấn đề này.
Căn cứ giải trình của các cơ sở khám, chữa bệnh về các thuốc có giá bất hợp lý theo ý kiến của Bảo hiểm Xã hội TP.HCM, ngày 7/5/2020 Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - ông Nguyễn Hoài Nam - đã có ý kiến trong công văn số 2622/SYT-NVĐ gửi Bảo hiểm Xã hội TP.HCM, đồng gửi tới các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc.
“Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc cần nghiêm túc xem xét việc lựa chọn các thuốc trúng thầu có giá cao chưa hợp lý giữa các nhóm tiêu chí kỹ thuật được nêu trong CV số 133 của Bảo hiểm Xã hội TP.HCM” – ông Nam đưa ý kiến.
Cụ thể: “Thuốc có cùng hoạt chất, cùng hàm lượng nhưng giá thuốc của nhóm 2 cao hơn nhóm 1, nhóm 3 cao hơn nhóm 2, nhóm 4 cao hơn nhóm 1, v.v.
Thuốc có cùng hoạt chất, cùng nhóm, hàm lượng cao hơn gấp 2 nhưng giá cao gấp 3, có trường hợp cao hơn gấp 4 hoặc gấp 6.
Thuốc có cùng hoạt chất, cùng nhóm và hàm lượng, nhưng giá thuốc lại chênh lệch nhau giữa các dạng bào chế đặc biệt như viên sủi, viên nén phân tán, v.v.
Có lộ trình thay thế Biệt dược gốc bằng thuốc Generic, nhất là đối với thuốc Biệt dược gốc điều trị các bệnh mạn tính.
Trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, ưu tiên xây dựng cơ số mua thuốc Generic theo thứ tự các nhóm 1,2,3,4,5; thuốc sản xuất trong nước.
Thăm khám cho bệnh nhân khoa Răng Hàm Mặt, BV Đại học Y Dược TP.HCM (Ảnh: Hòa Bình)
|
Đối với cơ quan Bảo hiểm Xã hội TP.HCM, thì vị phó giám đốc Sở Y tế nhắc lại quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 19 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, cụ thể: "việc thương thảo hợp đồng không được làm thay đổi đơn giá dự thầu của nhà thầu sau khi sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch và trừ đi giá trị giảm giá (nếu có). Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng, nếu phát hiện khối lượng mời thầu nêu trong bảng tiên lượng mời thầu thiếu so với hồ sơ thiết kế thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu phải bổ sung khối lượng công việc thiếu đó trên cơ sở đơn giá đã chào; trường hợp trong hồ sơ dự thầu chưa có đơn giá thì bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định việc áp đơn giá nêu trong dự toán đã phê duyệt đối với khối lượng công việc thiếu so với hồ sơ thiết kế hoặc đơn giá của nhà thầu khác đã vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật nếu đơn giá này thấp hơn đơn giá đã phê duyệt trong dự toán gói thầu”.
Quy định tại Điều 27 Thông tư số 11/2016/TT-BYT ngày 11/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập: “Giá trúng thầu của từng thuốc không được cao hơn giá của thuốc đó trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được người có thẩm quyền phê duyệt và không vượt giá bán buôn kê khai, kê khai lại còn hiệu lực của thuốc đó”.
Quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 30/2018/TT-BYT ngày 30/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế quy định nguyên tắc chung về thanh toán chi phí thuốc đối với người tham gia Bảo hiểm y tế:
“Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí thuốc theo số lượng thực tế sử dụng cho người bệnh và giá mua vào của sơ sở khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về đấu thầu mua thuốc, phù hợp với phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thực hiện”.
"Như vậy, theo kiến nghị của Bảo hiểm Xã hội TP.HCM, các thuốc có giá bất hợp lý phải được thương thảo giảm giá là không phù hợp theo Điểm b Khoản 3 Điều 19 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP.
Hơn nữa, việc lựa chọn thuốc trúng thầu của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều tuân thủ theo Luật Đấu thầu." - công văn kết luận
"Vì thế, đề nghị Bảo hiểm Xã hội TP.HCM thanh toán các thuốc có giá bất hợp lý theo CV số 133/BHXH-GĐ2 của Bảo hiểm Xã hội TP.HCM cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” – Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh.
VietTimes sẽ tiếp tục thông tin về việc phối hợp công tác phục vụ người tham gia bảo hiểm y tế của hai cơ quan này.