Đó là quan điểm của ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, Hội truyền thông số Việt Nam cho biết tại hội thảo về bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số diễn ra gần đây tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Quang Đồng -- Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, Hội truyền thông số Việt Nam.
|
Bằng những con số nghiên cứu, ông Nguyễn Quang Đồng khẳng định: Xu hướng xem thể thao trên Internet của người Việt là một lý do khiến việc xâm phạm bản quyền ở mảng này gia tăng nhanh hơn.
Dẫn theo số liệu của Global Web Index cuối năm 2017, tỷ lệ xem thể thao của toàn cầu trên Internet năm 2016 chỉ chiếm khoảng 15% và tăng lên 19% trong năm 2018. Trong khi đó, tại Việt Nam và Thái Lan, tỷ lệ này năm 2016 là 27% nhưng đến 2018 đã tăng lên 32%.
Chỉ ra 5 website thể thao vi phạm bản quyền hàng đầu Việt Nam hiện nay, ông Đồng cho rằng, chỉ 5 website này, tháng 3/2018 đạt 11,1 triệu lượt xem thì đến tháng 6/2018 (thời điểm có World Cup – PV), con số này đã tăng lên 25,4 triệu lượt. Một trang chiếu phim lậu, trong tháng 8/2018 cũng đạt tới 68 triệu lượt người xem. Con số này đã tăng mạnh so với số lượt xem đạt 44 triệu lượt vào hồi tháng 3 đầu năm.
Viện trưởng IPS nhận định, chính xu hướng này đã khiến mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook có động thái mua quyền phát sóng Giải ngoại hạng Anh tại châu Á, bao gồm cả Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia trong ba mùa liên tiếp 2019-2022.
Theo thống kê của Hội truyền thông số Việt Nam, “có 44/50 trang web vi phạm phổ biến nhất được hỗ trợ bởi các công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo dứng sau. 66% trang web vi phạm này có nhiều hơn 1 công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo.
Các website vi phạm bản quyền này chủ yếu sống bằng tiền quảng cáo. Các nguồn bất hợp pháp này đã tiếp tay cho các trang web", ông Đồng cho biết.
Chương trình thể thao, âm nhạc, phim ảnh… đều xảy ra tình trạng vi phạm bản quyền, tuy nhiên, lĩnh vực thể thao bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
|
Mặc dù đã có những quy định xử phạt hành chính với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan song tốc độ vi phạm ở môi trường số rất nhanh. Xử phạt biện pháp hành chính cần nhiều thời gian, thủ tục, khi xử lý được rồi thì thiệt hại gây cho doanh nghiệp đã rất lớn. Do đó, các doanh nghiệp phải sử dụng sản phẩm công nghệ để tự bảo vệ bản quyền của mình.
Từ đó, ông Đồng đề xuất, tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) bằng cách cho phép các doanh nghiệp ISP chặn website, gỡ nội dung vi phạm.
“Cùng với đó, để chặn dòng tiền thu được từ quảng cáo của các trang web vi phạm, cần công khai danh sách các website vi phạm và thông tin đến các agency quảng cáo. Đồng thời, đưa vào danh sách đen, bêu tên các doanh nghiệp cố tình quảng cáo trên các website nằm trong danh sách đen này”, ông Đồng nhấn mạnh.
Cùng với đó, ông Đồng cho rằng, các hiệp hội cần phải đóng vai trò tích cực hơn, hiện tại, họ chưa làm được điều này. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần phải tẩy chay các trang web vi phạm.
Trao đổi với VietTimes, ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng cần phải nhìn nhận một thực tế là vi phạm xảy ra hàng ngày, hàng giờ nên nếu không thúc đẩy các biện pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, các giải pháp thông minh và sử dụng các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ… thì các doanh nghiệp chủ thể quyền sẽ không thể kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm. Vì vậy cùng với hoàn thiện thể chế, đưa ra các giải pháp khắc phục thì cần thiết phải đầu tư vào hệ thống trang thiết bị, máy móc và phần mềm phát hiên vi phạm. |