Ý kiến trên của ông Nguyễn Thanh Vân, Trưởng Bộ phận Sở hữu Trí tuệ, ban Kiểm tra – Đài Truyền hình Việt Nam là một trong những thông tin đáng chú ý tại “Hội thảo về Bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số” do Cục Bản quyền tác giả (COV), diễn ra mới đây.
Ông Nguyễn Thanh Vân, Trưởng Bộ phận Sở hữu Trí tuệ, ban Kiểm tra – Đài Truyền hình Việt Nam
|
Là một trong những đơn vị tổ chức sản xuất, phát sóng các chương trình truyền hình, ông Vân đánh giá, bản quyền các chương trình truyền hình đang bị vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt là trên Internet.
Điều này được thể hiện một cách rõ ràng nhất qua việc sử dụng các chương trình truyền hình mà không xin phép, khi tiếp phát sóng các chương trình của VTV thì tự ý cắt quảng cáo hoặc chèn quảng cáo của mình vào. Không những thế, các chương trình truyền hình đặc sắc (như The Voice, Đồ Rê Mí, Gặp nhau cuối năm,…) với chi phí bản quyền và sản xuất cực kỳ tốn kém, nhưng bị sao chép và phát tràn lan trên mạng Internet, in thành băng đĩa bán trên thị trường.
Đại diện VTV còn đưa ra số liệu, tháng đầu tiên phát sóng 2 bộ phim Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng, đã có trên 400 trang Facebook và kênh Youtube vi phạm; tương tự, World Cup 2018, chỉ trong 2 ngày đầu tiên đã có 700 tài khoản vi phạm (hạ ngay lập tức 300 tài khoản).
Tuy tình hình hết sức nghiêm trọng, nhưng việc xử lý thì chưa hiệu quả. Theo ông Vân, hiện mới có 2 công ty Phú Thái và Bắc Á bồi thường 500 triệu đồng vì tự ý khai thác phim Bí thư tỉnh ủy và Chạy án của VTV; hai nhà mạng lớn nhất VIệt Nam và một cá nhân bị xử phạt 75 triệu đồng do phát Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử. Cùng với đó, VTV buộc 3 công ty truyền thông bồi thường giá trị 100 bản tin thời sự của VTV.
“Việt Nam đã có hệ thống các quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại quốc gia và hội nhập quốc tế. Do đó, nhiều vi phạm bản quyền công khai trên môi trường số đã bị đối tác quốc tế xử lý, gây thiệt hại cho tổ chức phát sóng và thiệt thòi lớn cho người dân Việt Nam. Ví dụ, VTVcab bị cắt sóng giải bóng đá Champions League và Europa League tháng 5/2017 do VTV bị vi phạm bản quyền”, ông Thanh Vân nhấn mạnh.
Thời gian để xử lý một vụ việc mất khoảng 4 tháng, mỗi năm lực lượng chức năng cũng chỉ xử lý khoảng 2 vụ vi phạm đối với một đơn vị. Trong khi với việc sử dụng “lậu” các chương trình của VTV, đơn vị vi phạm có thể thu tiền từ 3-5 tỷ mỗi năm từ các hợp đồng truyền thông.
“Thực tế cho thấy, doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt 30-60 triệu để thu về nhiều tỷ đồng mỗi năm", ông Nguyễn Thanh Vân phân tích thực trạng nhiều cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm bản quyền.
Chia sẻ nỗi bức xúc này, từ góc nhìn “người trong cuộc”, đại diện của Truyền hình K+ chia sẻ, ngoài khoản phí bản quyền lớn đã bỏ ra, K+ cũng phải đầu tư không nhỏ để nâng cấp hệ thống cũng như xây dựng đội ngũ chuyên giám sát, ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm bản quyền. Song rất khó có thể giải quyết triệt để vấn nạn này nếu không có sự hợp tác từ người người sử dụng và sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng.
Thực tế, để bảo vệ quyền của mình, ngoài việc “trông cậy” vào sự nghiêm minh của các quy định pháp luật, vào ý thức của một bộ phận khán giả, thì K+ cũng đã phải “tự thân vận động” nhiều, bằng con đường “hiệp lực ở tầm quốc gia và quốc tế để chống vi phạm bản quyền trong môi trường số”, trong đó phải kể đến hiệp lực để xử lý các trang báo điện tử đăng tải đường link và “mách nước” cách thức xem các trận đấu thể thao bất hợp pháp, hiệp lực để xử lý các kênh phát trực tiếp (live stream) vi phạm trên các hạ tầng mạng xã hội và các đường link bất hợp pháp trên các công cụ tìm kiếm cũng như hiệp lực để xử lý các nhà cung cấp hosting nước ngoài cung cấp các nội dung vi phạm bản quyền…