Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng thành lập đơn vị Đào tạo - Nghiên cứu về Chăm sóc sơ sinh và Sữa mẹ

VietTimes -- Chiều ngày 3/10, trong khuôn khổ trao danh hiệu “Bệnh viện thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc” cho Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, bệnh viện này đã công bố quyết định thành lập đơn vị Đào tạo - Nghiên cứu về Chăm sóc sơ sinh và Sữa mẹ đầu tiên của cả nước.
Đại diện Bộ Y tế đã trao danh hiệu “Bệnh viện thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc” cho Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng
Đại diện Bộ Y tế đã trao danh hiệu “Bệnh viện thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc” cho Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng

Chiều ngày 3/10, Bộ Y tế đã trao danh hiệu “Bệnh viện thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc” cho Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, nhờ các nỗ lực thực hiện đúng quy trình chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ.

Phát biểu tại buổi lễ trao danh hiệu, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) đánh giá cao những nỗ lực của ngành y tế Đà Nẵng nói chung và của Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Đặc biệt là thực hành việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng như chăm sóc sức khỏe bè mẹ và trẻ em bằng kỹ thuật da kề da.

“Trên 90% bà mẹ cho con bú hoàn toàn trong thời gian nằm tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng. Kết quả này xuất phát từ các nỗ lực của bệnh viện nhằm hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, đặc biệt là việc thực hiện da kề da cho bà mẹ và trẻ sơ sinh liên tục ít nhất 90 phút sau sinh trước khi thực hiện các chăm sóc thường quy như cân trẻ hay tiêm vaccin. Danh hiệu thật sự ý nghĩa và thiết thực khi được chính các bà mẹ đánh giá và bình chọn”- ông Nguyễn Đức Vinh nhấn mạnh.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, trẻ sơ sinh cần được da kề da với mẹ ít nhất 90 phút đầu sau sinh, để ngăn ngừa nguy cơ hạ thân nhiệt và giảm nguy cơ tử vong. Trẻ được da kề da sẽ tăng tỷ lệ bú mẹ sớm trong vòng 90 phút đầu sau sinh lên trên 3 lần và việc bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh giúp giảm 2 lần nguy cơ tử vong so với trẻ không được bú sớm. 

Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế)
Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) 

Tại Đà Nẵng, kết quả nghiên cứu quan sát tác động tích cực của việc áp dụng da kề da đủ 90 phút liên tục ở Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng cũng cho thấy điều tương tự, tỷ lệ trẻ sơ sinh phải chăm sóc đặc biệt giảm 30%, tỷ lệ phải sử dụng kháng sinh giảm trên 50% và tỷ lệ trẻ bú mẹ hoàn toàn tăng gấp 3 lần .  

Trên thực tế, những bệnh viện làm đúng quy trình da kề da sau sinh cho mẹ và trẻ như Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng không nhiều. Theo khảo sát của Bộ Y tế trên 3.500 bà mẹ sau khi xuất viện, chỉ có 39% bà mẹ được da kề da đủ 90 phút với trẻ và 30% bà mẹ không thể cho con bú sớm trong vòng 90 phút sau sinh. 

Theo bác sỹ TS.Trần Đình Vinh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, để có thể thực hiện da kề da ít nhất 90 phút thường quy cho các ca sinh thường và sinh mổ, bệnh viện đã rất nỗ lực huy động trí tuệ tập thể, thực hiện các tập huấn, các hội thảo khoa học chuyên đề, thí điểm và ghi chép thống kê các thay đổi tích cực của da kề da ít nhất 90 phút liên tục trên sức khỏe của mẹ và trẻ, rồi nhanh chóng nhân rộng trên quy mô toàn bệnh viện.

Tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, thực hành da kề da kéo dài và liên tục hay còn gọi là phương pháp Kangaroo không chỉ dành cho trẻ non tháng nhẹ cân ổn định, mà trẻ  cần hỗ trợ thở, truyền dịch, chiếu đèn vàng da vẫn được da kề da với mẹ hoặc người thân trong gia đình tại các phòng chăm sóc Kangaroo. Phương pháp này được xem là giải pháp đột phá được triển khai tại bệnh viện nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng đã công bố quyết định thành lập Đơn vị Đào tạo - Nghiên cứu về Chăm sóc sơ sinh và Sữa mẹ tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng. Đây được xem là trung tâm duy nhất trên cả nước nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao về vấn đề này.

Bác sỹ Nguyễn Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng cho biết: “Trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân nếu được da kề da liên tục ít nhất 20 tiếng mỗi ngày với mẹ hoặc người thân giúp giảm gần 40% nguy cơ tử vong, tỷ lệ nhiễm trùng giảm khoảng 50%, tỷ lệ hạ thân nhiệt giảm 80%, và tăng 50% tỉ lệ bú mẹ hoàn toàn khi xuất viện”.

“Những thành quả và thực hành tốt của Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng nhất thiết cần được nhân rộng, để ngày càng có nhiều hơn trẻ em được bú mẹ sau khi sinh. Đặc biệt, việc ra đời Đơn vị Đào tạo - Nghiên cứu về Chăm sóc sơ sinh và Sữa mẹ tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng là trung tâm duy nhất trên cả nước nghiên cứu về vấn đề này, và là nguồn lực lớn để bệnh viện chia sẻ cách làm và hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện khác”- ông Roger Mathisen, Giám đốc Chương trình Alive & Thrive Khu vực Đông Nam Á bày tỏ. 

Trong khuôn khổ sự kiện, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng đã công bố quyết định thành lập Đơn vị Đào tạo - Nghiên cứu về Chăm sóc sơ sinh và Sữa mẹ tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, đơn vị đầu tiên của cả nước
Trong khuôn khổ sự kiện, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng đã công bố quyết định thành lập Đơn vị Đào tạo - Nghiên cứu về Chăm sóc sơ sinh và Sữa mẹ tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, đơn vị đầu tiên của cả nước

Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng thành lập vào tháng 5/2012, là Bệnh viện chuyên khoa hạng 1 về lĩnh vực Phụ sản và Nhi khoa với quy mô 1.200 giường, và tiếp nhận hơn 15.000 ca sinh mỗi năm. Về lĩnh vực sơ sinh, Bệnh viện đã có nhiều uy tín trong việc triển khai tốt chương trình Chăm sóc thiết yếu sơ sinh sớm; được tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương chọn là Trung tâm Chăm sóc thiết yếu sơ sinh sớm điển hình của khu vực.

Bệnh viện cũng là đơn vị có ngân hàng sữa mẹ đầu tiên của Việt Nam, cũng là bệnh viện đầu tiên triển khai thành công kỹ thuật "Da kề da" trong cả nước và hiện tại là đơn vị đứng đầu trong tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ. Và cũng là bệnh viện chuyển giao kỹ thuật này cho các bệnh viện tại khu vực.