Nhiều trẻ bị sởi biến chứng
Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận 2 cháu bé bị mắc sởi chuyển từ Nghệ An chuyển ra trong tình trạng biến chứng nặng.
Bé Đoàn Bá Quang H (13 tháng tuổi, ở xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng sốt cao, phát ban. Trước đó, bé H điều trị viêm phổi tại khoa Tim mạch Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, cùng phòng với 3 bệnh nhân, trong đó có một trường hợp bị sốt, phát ban. Sau vài ngày thì bé bị ho, sổ mũi, rồi sốt cao, nổi ban ở mặt nên gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị. Kết quả xét nghiệm cho thấy cháu dương tính với bệnh sởi.
Cháu Nguyễn Đức T (14 tháng tuổi, ở Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) cũng được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương với triệu chứng nổi ban khắp mặt, ngực, bụng, mi mắt sưng nề. Gia đình cho biết cháu chưa tiêm phòng vaccine sởi.
Hiện, một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng đang điều trị cho nhiều bệnh nhân bị sởi. Theo BSCKII. Võ Mạnh Hùng - Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An - hầu hết các cháu bị sởi đều chưa được tiêm vắc xin và đều bị biến chứng như viêm phổi, viêm kết mạc, viêm màng não…
Tại TP.HCM, số ca mắc bệnh sởi đang gia tăng. Theo Sở Y tế TP.HCM, chủ yếu là các bé dưới 24 tháng tuổi.
Tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, bé gái 13 tháng tuổi, ngụ phường Bình Hưng Hòa B, nhập viện với triệu chứng sốt, sổ mũi, nổi ban toàn thân, kết mạc mắt đỏ, mi mắt sưng, đau họng. Bác sĩ cho biết cháu bị sởi biến chứng viêm phổi.
Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cũng tiếp nhận một cháu bé 15 tháng tuổi, bị sốt ngày thứ 4, sổ mũi, ho đờm, đi ngoài, có các nốt ban đỏ rải rác ở vùng tai, mắt, thân mình. Bác sĩ xác định cháu bị sởi, viêm phổi bội nhiễm và cháu phải thở oxy.
Trước tình hình trên, Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế đang lo ngại nguy cơ bệnh sởi sẽ lây lan trong cộng đồng thời gian tới, nhất là ở những nơi tập trung đông người như trường học, điểm trông giữ trẻ và tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Phụ huynh cần làm gì ?
PGS.TS Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa Bệnh viện Nhi Trung ương, người từng trực tiếp điều trị các ca sởi biến chứng nặng - cho biết: Với các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương mà chưa tiêm phòng sởi, bệnh viện đề nghị gia đình tiêm cho trẻ trước khi ra viện. Bệnh viện có đủ vắc xin tiêm cho trẻ, cả vắc xin thuộc chương trình Tiêm chủng mở rộng lẫn vắc xin dịch vụ 3 trong 1, để phụ huynh lựa chọn.
PGS.TS Tạ Anh Tuấn khuyến cáo: Cha mẹ cần quan sát để sớm phát hiện các dấu hiệu sốt, phát ban ở trẻ để đưa đi cơ sở y tế khám kịp thời. Cơ sở y tế cũng cần quan sát bệnh nhân để cách ly ngay nếu trẻ mắc sởi, tránh để lây lan.
Đặc biệt, PGS.TS Tạ Anh Tuấn lưu ý: Khi trẻ mắc sởi, cha mẹ chú ý cho trẻ tắm gội bình thường, luôn giữ sạch mắt mũi, vệ sinh nhà cửa, phòng ở thoáng đãng, nhất là không cho trẻ ăn uống kiêng khem, mà cần cho ăn đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ.
Theo PGS.TS Tạ Anh Tuấn, để ngăn chặn dịch sởi bùng phát, các địa phương cần giám sát chặt để kịp thời phát hiện trẻ bị sốt, phát ban, đồng thời tổ chức tiêm phòng sởi đủ 2 mũi cho trẻ.
Bệnh sởi - những điều cần biết
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Các bệnh mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não…là các biến chứng nguy hiểm khi mắc sởi, có thế dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng vv…
Cục Y tế dự phòng cho biết: Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp, do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban. Bệnh sởi rất dễ lây, những người chưa được tiêm vắc xin sởi hay chưa từng bị mắc sởi thì khả năng bị mắc bệnh sởi là rất cao, nếu tiếp xúc với bệnh nhân.
Nhóm có nguy cơ mắc sởi gồm: Trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi không có miễn dịch từ mẹ truyền sang và chưa đến tuổi tiêm vắc xin; Người đã tiêm vắc xin nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch; Người chưa mắc sởi hoặc chưa tiêm vắc xin sởi. Sống ở nơi có mật độ dân số quá đông cũng là yếu tố làm tăng cao nguy cơ mắc sởi.
Cục Y tế dự phòng đưa ra các dấu hiệu để nhận biết bệnh sởi: Trong vòng 7-21 ngày sau khi tiếp xúc, bệnh nhân có các triệu chứng sốt cao, ho, hắt hơi, phát ban sẩn, mịn như nhung, không có nước. Ban mọc theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình, rồi đến tay, chân. Ban bay theo trình tự như trên. Khi mắc bệnh, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị mắc các biến chứng như viêm tai, viêm phổi, tiêu chảy…
Các trường hợp sốt, phát ban nghi sởi cần đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị và hướng dẫn phòng chống lây nhiễm kịp thời.
“Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất để chủ động phòng bệnh sởi và các biến chứng của sởi. Khi có ca mắc sởi, cần cách li bệnh nhân, hạn chế tiếp xúc. Khi có dịch, cần hạn chế tập trung đông người, tẩy trùng, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Sử dụng khẩu trang, hóa chất sát trùng” - đại diện Cục Y tế dự phòng khuyến cáo