Bệnh nhân 91 nhận kết quả âm tính 12 ngày liền, phổi hồi phục 20-30%

VietTimes – Tin vui mới nhất là bệnh nhân 91 đã 12 ngày liền âm tính với virus SARS-CoV-2 và kết quả CT Scan cho thấy phổi của phi công người Anh hồi phục lên tới 20-30%.
Điều trị ECMO cho bệnh nhân 91, tin vui là phi công người Anh nhận kết quả âm tính tới 12 ngày liền (Ảnh: TTXVN)

Phổi của bệnh nhân 91 đang hồi phục rất tốt

Trao đổi với VietTimes, chiều 19/5, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết: “Bệnh nhân 91 đã liên tục 12 ngày nay đều nhận kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Hôm qua 18/5, các BS tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã đưa bệnh nhân 91 đi chụp CT Scan lần thứ 2. Khác với kết quả lần trước chỉ còn 10% phổi hoạt động, kết quả lần này cho thấy phổi của phi công người Anh đã hồi phục lên tới 20-30%”.

“Hôm nay 19/5, tình trạng bệnh nhân không sốt, mạch và huyết áp ổn định, chức năng phổi cải thiện, đang tiếp tục thở máy, lọc máu, can thiệp ECMO” - BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết.

Đây là những tín hiệu hết sức đáng mừng cho sức khỏe, sự hồi phục của lá phổi của bệnh nhân 91. Nếu phổi của bệnh nhân có khả năng hồi phục cao, thì chưa chắc đã phải sử dụng phương án ghép phổi.

Mặc dù trước thông tin có thể phải sử dụng biện pháp ghép tạng cho phi công người Anh, đã có hàng chục người Việt Nam đăng ký xin hiến tặng một phần cơ thể, vừa thể hiện nghĩa cử của người Việt với một người nước ngoài, vừa hy vọng cứu sống bệnh nhân 91.

Phân tích về khả năng ghép tạng cho bệnh nhân 91, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban Điều trị COVID-19, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19), cho biết, Bộ Y tế đã cũng đã kích hoạt hệ thống ghép tạng trên cả nước để tìm kiếm phổi phù hợp cho bệnh nhân.

“Chúng tôi đánh giá cao nghĩa cử của người dân Việt Nam. Đây là một người bệnh ở nước ngoài nhưng người dân đã không nề hà chia sẻ gánh nặng với ngành y tế và đặc biệt với người bệnh. Chính sách của chúng ta cho người bệnh cơ hội điều trị ở mức "còn nước còn tát". Chúng tôi rất trân trọng và cảm ơn những tấm lòng của người dân tình nguyện được hiến phổi cho bệnh nhân người Anh" - PGS-TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ với khán giả VTV.

Ghép phổi từ người cho sống cơ hội thành công rất ít, có khi chỉ 0%

Ông Khuê cũng cho biết Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã đưa ra nhiều phương án điều trị cho bệnh nhân 91. Bệnh nhân thường xuyên được đánh giá toàn diện về sức khỏe tổng thể, khả năng có nhận được phổi hay không.

Để đánh giá thực tế, hôm 17/5, GS Nguyễn Hữu Ước - Giám đốc Trung tâm Tim mạch Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức và các chuyên gia về ghép tạng đã cùng bay vào TP.HCM trực tiếp khám cho bệnh nhân 91.

Phân tích sâu hơn về chuyên môn ghép tạng, các bác sĩ cho rằng người cho là người sống hay người chết não cũng phải hết sức thận trọng. Theo chuyên gia thì cơ hội cho phương án ghép phổi từ người cho sống là rất ít, có khi 0%.

Các bác sĩ thực hiện ca ghép phổi thành công tại BV Việt Đức (Ảnh: BYT)

Đối với bệnh nhân 91, rất cần phải tìm một lá phổi thích hợp với khuôn khổ lồng ngực của người bệnh, phù hợp với các điều kiện về miễn dịch và các chỉ số.

“Một vấn đề nhân văn nữa là khi lấy phổi từ người hiến sống luôn luôn phải xem xét, nghiên cứu cẩn trọng. Chính vì vậy mà các chuyên gia nghiêng về phương án sẽ lấy tạng từ người cho chết não"- PGS Lương Ngọc Khuê khẳng định.

Ghép tạng phải có ý kiến người nhà

Về quy trình ghép tạng cho bệnh nhân 91, ông Khuê cho biết sẽ được thực hiện theo Luật Hiến ghép mô tạng của Việt Nam.

Khi người bệnh muốn ghép tạng thì phải có đơn đề nghị được ghép. Trong trường hợp bệnh nhân 91 thì người nhà và Đại sứ quán Anh phải có ý kiến.

Theo cập nhật thông tin từ BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu thì người thân của bệnh nhân 91 mới chỉ liên lạc với Bộ Y tế chứ chưa liên lạc trực tiếp tới BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Cho nên, về phần thủ tục để tiến hành ca ghép tạng (nếu cần) vẫn chưa có hướng giải quyết.

Các bác sĩ chuyên khoa cho biết nguồn ghép cũng phải đáp ứng các điều kiện về hiến tạng. Hơn nữa về yếu tố pháp lý, sau khi bệnh nhân được ghép xong thì các điều kiện về chăm sóc, điều kiện về điều trị, hồi sức... đều phải đảm bảo và phải có người bảo hộ, giám hộ...

Về chi phí dành cho một ca ghép tạng, được biết theo báo cáo của BV Việt Đức, các ca ghép phổi thông thường ở Việt Nam (không phải bệnh nhân COVID-19) ước chừng từ 1,5 đến 2 tỉ đồng. Đối với trường hợp bệnh nhân 91 thì chưa dự đoán chính xác được, vì còn phải tiếp tục điều trị, các chi phí sẽ tiếp tục phát sinh tùy vào sức khỏe bệnh nhân.