Bê bối tấn công tình dục của Alibaba là lời cảnh tỉnh cho các công ty Internet

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vụ bê bối xâm phạm tình dục nhân viên nữ tại Alibaba thời gian gần đây đang hé lộ góc khuất đáng sợ trong các tập đoàn công nghệ Trung Quốc.
Nạn quấy rối tình dục tại các công ty Internet khổng lồ.
Nạn quấy rối tình dục tại các công ty Internet khổng lồ.

Chống quấy rối tình dục mới chỉ là bước khởi đầu. Những thay đổi về tổ chức dựa trên quyền của nhân viên cần được các "ông lớn" Internet coi trọng.

Trong mắt hầu hết mọi người, bất chấp văn hóa 996 và vấn đề nội bộ, làm việc trong một công ty Internet lớn đồng nghĩa với thu nhập cao hơn, môi trường làm việc tốt hơn và triển vọng nghề nghiệp tươi sáng hơn.

Nhưng với sự lan truyền chóng mặt về bài đăng tố cáo vấn nạn xâm phạm tình dục của một nữ nhân viên Alibaba trên các nền tảng xã hội đã làm dấy lên các mối quan ngại và phẫn nộ trong cộng đồng mạng. Nữ nhân viên tố cáo lãnh đạo công ty bắt ép đi tiếp rượu khách hàng và tấn công tình dục nhiều lần trong một chuyến công tác ở Tế Nam. Sau vụ việc, cô đã trình báo lên bộ phận nhân sự của tập đoàn nhưng không được giải quyết.

Mặc dù cảnh sát nói rằng vụ án đang được điều tra thêm, nhưng bê bối này lại một lần nữa đẩy Alibaba, tập đoàn vốn gây nhiều tranh cãi vì "sự cố ngoại tình của Chủ tịch Taobao Tưởng Phàm", rơi vào cuộc khủng hoảng giá trị.

Cùng lúc đó, một "trận động đất" nổ ra bên trong Ali. Vào đêm khi vụ việc bị phanh phui, nhân viên Alibaba đã bày tỏ "sự tức giận, thất vọng, sốc và buồn" trên mạng nội bộ và phương tiện truyền thông xã hội.

CEO của Alibaba, Daniel Zhang, cho biết công ty đã sa thải người quản lý vì đã có "hành động thân mật" với nữ nhân viên khi cô không tỉnh táo - theo biên bản đưa ra. 2 quản lý cấp cao của công ty cũng đã từ chức, trong khi giám đốc nhân sự bị cảnh cáo vì không phản ứng kịp thời.

Alibaba còn thành lập một ủy ban để chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến môi trường làm việc bao gồm chống quấy rối tình dục và nhóm ALI-WE (nhóm chống thói quen xấu) để kiểm tra và xóa bỏ phong cách làm việc khiến nhân viên không thoải mái tại nơi làm việc, chẳng hạn như thói quen xấu tại bàn rượu và những trò đùa thô tục.

Mặc dù vẫn còn những tranh cãi về các tình tiết của vụ án, nhưng điều khiến dư luận thất vọng chính là sự chậm chạp và cứng nhắc của Alibaba trong việc đáp ứng các yêu cầu của nạn nhân.

Trước đây, Alibaba gọi những giá trị đáng tự hào của mình là "Six Vein Spirit Sword" (Lục Mạch Thần Kiếm – một vũ khí linh thiêng xuất hiện trong tiểu thuyết Kim Dung) bao gồm: khách hàng trên hết, niềm tin, chính trực, làm việc nhóm, dám thay đổi và đam mê. Những giá trị này không chỉ ăn sâu vào tâm trí của hầu hết nhân viên của Alibaba mà còn được nhiều startup tôn thờ.

Nhưng trong sự việc này, khả năng tổ chức hiệu quả một thời của Alibaba và "Lục Mạch Thần Kiếm" thất bại thảm hại. Đây là cuộc khủng hoảng thực sự đối với Alibaba.

Kẽ hở trong cơ chế bảo vệ quyền lợi của lao động nữ

Trên thực tế, vụ bê bối của Alibaba chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về môi trường công sở tồi tệ của các công ty Internet.

Theo ấn tượng của thế giới bên ngoài, những người khổng lồ Internet phải là những công ty có nền quản trị tiên tiến và hiện đại hơn trong tất cả các doanh nghiệp.

Phải thừa nhận rằng trong khoảng 20 năm trở lại đây, các công ty công nghệ Internet đã có những đóng góp to lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Với lợi tức của thời đại, nhiều công ty Internet đã phát triển thành những gã khổng lồ trong ngành thông qua sự tăng trưởng vũ bão, nhưng quy mô ngày càng lớn không có nghĩa là cơ cấu tổ chức của công ty luôn hoàn hảo.

Trong những năm gần đây, các công ty công nghệ Internet Trung Quốc và quốc tế thường xuyên để xảy ra những vụ bê bối làm mất quyền và lợi ích của nhân viên nữ và văn hóa thô tục.

Bê bối tấn công tình dục của nhà sản xuất nổi tiếng Hollywood Harvey Weinstein không chỉ khiến xã hội Mỹ chú ý đến những vụ quấy rối tình dục nơi công sở trong ngành công nghiệp điện ảnh và giải trí, mà còn khiến công chúng lên án Thung lũng Silicon.

Đầu năm 2017, cựu nhân viên Uber, Susan Fowler, tố từng bị giám đốc kỹ thuật quấy rối tình dục khi còn làm việc tại Uber nhưng bộ phận nhân sự của công ty không chủ động giải quyết mà chọn cách bảo vệ giám đốc.

Đồng thời, vụ Giám đốc điều hành Uber Travis Kalanick xúc phạm phụ nữ với những nhận xét không phù hợp cũng bị phanh phui. Công ty đã sa thải hơn 20 nhân viên bị nghi quấy rối phụ nữ và ông Kalanick bị buộc phải từ chức do "quản lý công ty yếu kém".

Sau khi Uber nổ phát súng đầu tiên, Thung lũng Silicon, nơi luôn đề cao nhân quyền, liên tiếp dính bê bối như quấy rối tình dục nơi làm việc và có sự tham gia của nhiều nhân vật nổi tiếng giới công nghệ.

Trang web The Information tiết lộ rằng Justin Caldbeck, người sáng lập và đối tác của công ty đầu tư mạo hiểm "Binary Capital", đã thực hiện nhiều hình thức quấy rối tình dục đối với sáu nhân viên nữ.

Sau đó, CNN Technology đưa tin về vụ quấy rối nhiều nhân viên nữ của Dave McClure, một nhà đầu tư nổi tiếng tại Thung lũng Silicon và là người sáng lập quỹ "500 Startups".

Ngoài ra, theo New York Times, nhà sáng lập Android Andy Rubin đã phải rời Google vì bị một nữ cấp dưới cáo buộc quấy rối tình dục. David C. Drummond, giám đốc pháp lý của công ty mẹ Alphabet của Google và là chủ tịch quỹ đầu tư mạo hiểm CapitalG của Google, cũng bị cáo buộc vì bê bối tình dục.

Ngoài các vụ bê bối tình dục, hoạt động tiếp thị của các công ty Internet thường gắn liền với văn hóa khiếm nhã theo thời gian.

Năm 2014, công ty an ninh mạng Qihoo 360 mời một ngôi sao khiêu dâm Nhật Bản đến nhảy múa cùng các lập trình viên của mình, trong khi một số nhân viên nữ tham gia buổi tiệc với trang phục hở hang.

Xiaomi và JD.com tổ chức một buổi trình diễn thời trang đồ lót tại các lễ kỷ niệm hàng năm với các nhân viên nữ. Năm 2017, tại một sự kiện của Tencent, các nhân viên nữ tại Tencent dùng răng để mở nắp chai bia được đặt giữa 2 chân của nhân viên nam.

Tệ hại hơn nữa, Richard Liu, CEO gã khổng lồ thương mại điện tử tại Trung Quốc JD.com bị bắt vì nghi ngờ tấn công tình dục tại Mỹ.

Những vụ bê bối này dường như chỉ ra rằng môi trường công sở trong ngành công nghệ hiện nay còn lâu mới tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích của nhân viên nữ. Vì sự chênh lệch quá lớn về giới tính, việc các nhân viên nữ bị quấy rối tình dục tại các công ty Internet diễn ra "giống như một nhu cầu" của con người.

Nói một cách khách quan, vụ bê bối tấn công tình dục của Ali là một tài liệu tham khảo quan trọng cho toàn bộ ngành công nghiệp Internet. Trong khi công ty ngày càng lớn mạnh thì việc thể chế hóa công tác chăm lo cho nhân viên, đặc biệt là nhân viên nữ phải được đẩy mạnh.

Bóng đen sau thiên đường công nghệ, vấn đề quản trị doanh nghiệp Internet

Ảnh: BI

Ảnh: BI

Bê bối tình dục phơi bày thực tế Alibaba đã không xây dựng một cơ chế báo cáo quấy rối tình dục hiệu quả. Trước khi thông tin lan tràn trên mạng xã hội, hệ thống nhân sự hoạt động chậm chạp, không hoạt động, nhóm điều tra liên quan đã không thực hiện các biện pháp như đình chỉ nghi phạm với lý do chờ kết quả điều tra của cảnh sát.

Rõ ràng, đây là một vấn đề sâu sắc hơn.

Theo ấn tượng truyền thống, cơ cấu tổ chức quan liêu hóa thường tồn tại trong các doanh nghiệp và tổ chức quốc doanh. Tuy nhiên, ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy các công ty Internet vốn ủng hộ sự minh bạch và phi tập trung trước đây đã có xu hướng quan liêu trong tổ chức của họ.

Trong vụ quấy rối tình dục Alibaba, quá trình xử lý đã thể hiện rõ nét và sinh động đặc điểm của "căn bệnh công ty lớn": cơ cấu tổ chức phân cấp, quan liêu, tắc nghẽn thông tin từ cơ sở, gây khó khăn cho cấp trên tiếp cận thông tin.

Trong những năm gần đây, những người đứng đầu ngành Internet không thể không nhận thấy sự xói mòn của "căn bệnh công ty lớn" đối với tương lai của doanh nghiệp.

Lấy Alibaba làm ví dụ. Alibaba phân chia cấp bậc nhân viên thành hai chuỗi ký tự, đó là "P (Nghiệp vụ - Profession)" và "M (Quản lý - Management)". Hầu hết các nhân viên như lập trình viên và quản lý sản phẩm đều thuộc "P"; "M" thuộc cấp quản lý, đòi hỏi kinh nghiệm và khả năng của đội ngũ quản lý.

Năm 2020, Alibaba hủy hiển thị thứ bậc "P" trong hệ thống nội bộ. Cụ thể, nhân viên gửi mail hay tham gia các nhóm chat nội bộ và các hệ thống khác không còn có thể nhìn thấy các cấp bậc cụ thể của nhau mà chỉ có các phòng ban nhóm mà họ thuộc về.

Nhiều nhân viên của Alibaba cho biết, việc hủy hiển thị nội bộ ký tực "P" có thể liên quan đến việc khuyến khích giao tiếp bình đẳng nội bộ. Tuy nhiên, sự thay đổi tổ chức không diễn ra trong một sớm một chiều, và thường không theo kịp với sự lây lan của "dịch bệnh" trong các công ty lớn.

Kẽ hở lớn nhất trong cơ cấu tổ chức của Alibaba trong vụ bê bối mới nhất là thiếu hoặc thất bại cơ chế truyền tải thông tin, cơ chế xử lý khủng hoảng và cơ chế bảo vệ quyền lợi của người lao động, đặc biệt là phụ nữ.

Và nếu sự trưởng thành của cơ cấu tổ chức doanh nghiệp không theo kịp tốc độ mở rộng nhân sự của doanh nghiệp, những vụ bê bối tương tự sẽ trở thành điều không thể tránh khỏi.

Năm 2019, một bài viết có tựa đề "NetEase sa thải và yêu cầu bảo vệ đuổi nhân viên mắc bệnh nan y khỏi công ty" bùng nổ mạng xã hội Trung Quốc. Người đăng bài viết nói rằng anh ấy gặp phải sự đối xử bất công trong NetEase, chẳng hạn như bị ép nghỉ hưu sớm, bị vu cáo hãm hại và bị trục xuất một cách bạo lực bởi các nhân viên bảo vệ. Vụ bê bối này đã khiến NetEase, vốn có hình ảnh rất gần gũi với công chúng, trở thành mục tiêu chỉ trích trong thời gian dài.

Đầu năm nay, nhân viên của Pinduoduo người đột tử, người nhảy lầu và người bị công ty sa thải chỉ vì nhìn thấy đồng nghiệp của mình nhập viện và đăng bài trên mạng xã hội. Nhân viên này cho biết trong quá trình sa thải, nhân sự và cấp trên đã đe dọa và yêu cầu anh ký một thỏa thuận tự nguyện từ chức.

Có thể thấy, khi huyền thoại tăng trưởng của những gã khổng lồ Internet không còn nữa, sự cạnh tranh vô cùng gay gắt, không gian phân phối lợi nhuận bị thu hẹp và cơ chế phân cấp già cỗi, vấn đề này gần như đã trở thành vấn đề chung của những gã khổng lồ Internet.

Hiện tại, tất cả những người khổng lồ Internet phải nhận thức rõ ràng rằng thái độ của toàn xã hội đối với các tổ chức kinh doanh đã thay đổi từ việc tôn trọng sang yêu cầu đạo đức toàn diện. Điều này có nghĩa là trong khi các công ty đang tôn vinh các giá trị của mình, họ phải luôn đảm nhận các trách nhiệm xã hội và để các giá trị của họ tiếp tục phát triển.

Theo cách này, việc thiết lập cơ chế chống quấy rối tình dục chỉ là bước khởi đầu cho một doanh nghiệp trưởng thành hơn.

Làm thế nào để làm cho lợi nhuận tiếp tục tăng, để nhân viên có thể nhận được nhiều phần thưởng hơn từ sự đổi mới và tăng trưởng kinh doanh, cải cách hơn nữa cơ cấu tổ chức dựa trên quyền của nhân viên, đồng thời khắc phục "căn bệnh" của các công ty lớn, những gã khổng lồ Internet sẽ cần một thời gian dài để suy nghĩ phương hướng giải quyết chu toàn.

Theo Sina