Theo chuyên gia Mỹ, Việt Nam có lý do để lo lắng về những sự hiện diện quân sự gần đây trên Biển Đông tại các căn cứ quân sự xây dựng trái phép trên những hòn đảo nhân tạo bị chiếm đóng, cải tạo và bồi đắp phi pháp tại khu vực Biển Đông, kết hợp với một số lượng lớn dân quân biển ngụy trang dưới dạng những tàu cá.
Sau khi Trung Quốc đưa máy bay ném bom H-6K tuần tra và hạ cánh xuống quần đảo Hoàng Sa, ngày 21.5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nêu rõ:
“Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Việc Trung Quốc cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập cất, hạ cánh trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này...".
Tàu cá của ngư dân Việt Nam.
|
Điểm vẫn chưa rõ ràng là liệu Việt Nam sẽ đáp trả thế nào nếu những căng thẳng trên Biển Đông có thể leo thang thành xung đột vũ trang. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã bền bỉ thúc đẩy sức mạnh quân sự với sự trợ giúp của đối tác lâu năm là Nga nhằm đối phó với những biến cố trên Biển Đông.
Theo nhà phân tích quốc phòng Derek Grossman của tập đoàn nghiên cứu RAND có quan hệ mật thiết với Không lực Mỹ thì học thuyết quân sự của Việt Nam gần với phòng vệ. Nhưng có những yếu tố quan trọng về chiến lược của Việt Nam khiến nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Việt Nam sẽ ứng xử trên Biển Đông giống như cách mà Việt Nam từng chiến đấu và chiến thắng trong quá khứ.
Chiến tranh nhân dân
Theo báo Mỹ, một trong những tư tưởng quan trọng trong chiến tranh của người Việt Nam đó là "Chiến tranh nhân dân".
Vậy làm thế nào đất nước Việt Nam nhỏ bé, nghèo khó lại có thể đánh bại được những đế quốc quyền lực như thực dân Pháp được hỗ trợ bởi người Mỹ? Năm 1961, vị đại tướng huyền thoại của Việt Nam Võ Nguyên Giáp đã viết trong một quyển sách về lý thuyết quân sự nhan đề Chiến tranh Nhân dân, Quân đội Nhân dân như sau: "Khi cuộc kháng chiến lan rộng ra khắp đất nước, Đảng Cộng sản Đông Dương đã nhấn mạnh chỉ thị là cuộc kháng chiến của chúng ta là cuộc chiến toàn dân. Đó chính là chìa khóa dẫn đến thắng lợi". Khác biệt với "Chiến tranh toàn diện" - bao gồm một loạt các mục tiêu quân sự, "Chiến tranh nhân dân" bao hàm các đặc điểm xã hội của một cuộc đấu tranh vũ trang trên diện rộng - ví dụ như trong chiến tranh chống Mỹ, ở mức độ địa phương sẽ là cả một làng đấu tranh vũ trang.
Tàu ngầm Kilo của Việt Nam trên vịnh Cam Ranh
|
Không dễ áp dụng tư tưởng này trên biển nhưng theo Grossman thì Việt Nam đã áp dụng một phần học thuyết "Chiến tranh nhân dân" chủ yếu thông qua việc thành lập Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam VFSF. |
Một trong những lý do chính thúc đẩy thành lập VFSF là năm 2014 đã có kẻ gây hấn, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, bao gồm cả các tàu cá đâm và phun vòi rồng vào tàu Việt Nam. Grossman viết: "Có khoảng 8.000 tàu hoạt động gần gũi với Hải quân Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam và các ngư dân để theo dõi và thông báo về những xâm phạm chủ quyền". Thứ hai, học thuyết "Chiến tranh nhân dân" cũng là phương pháp tạo nên một sự cân bằng bất đối xứng, vượt qua đối thủ mạnh mẽ hơn bằng cách chơi theo những luật chơi khác. Trong chiến tranh chống Mỹ, Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam cùng với sự hỗ trợ của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiến hành chiến tranh du kích tiêu diệt quân Mỹ với kỹ thuật vượt trội và vũ khí tối tân. Trên biển, Việt Nam cũng sẽ phải đối phó với kẻ địch với số lượng nhiều hơn và mạnh hơn. "Ngày nay, Việt Nam có thể sẽ tiếp tục sử dụng chiến thuật bất đối xứng dù đã có những lực lượng quân sự trên không và trên biển để đối phó lại kẻ địch trên Biển Đông", ông Grossman cũng nói thêm: "Thực tế, đã có người nói với chúng tôi rằng Việt Nam đang chuẩn bị cho 'Chiến tranh nhân dân trên biển".
Hệ thống phòng thủ tên lửa bờ biển K-300P Bastion-P
Theo đó, Việt Nam sẽ chuẩn bị đối phó với kẻ địch bằng cách chuẩn bị chiến đấu trong khoảng cách xa bằng các tên lửa mặt đất, giáng đòn tấn công bất ngờ bằng tàu ngầm và ngăn chặn tàu của kẻ địch tới quá gần. Năm 2011, Việt Nam đã mua các hệ thống phòng thủ tên lửa bờ biển K-300P Bastion-P có thể phóng tên lửa hành trình chống hạm P-800 Onik trong tầm 350km với tốc độ siêu thanh, có thể bao quát sâu trên khu vực Biển Đông. Năm 2017, chiếc tàu ngầm cuối cùng trong lô 6 chiếc tàu ngầm tấn công lớp Kilo được mệnh danh là "hố đen đại dương" đã được Nga chuyển giao cho Việt Nam theo hợp đồng trị giá 1,8 tỷ USD được ký trước đó. Việt Nam cũng trang bị cho tàu ngầm tên lửa hành trình tấn công mặt đất Klub do Nga chế tạo - chìa khóa của chiến lược bất đối xứng để có thể đánh vào các căn cứ của kẻ thù như sân bay, cầu cảng, tránh những cuộc chiến đối đầu trên biển.
Chuyên gia Mỹ kết luận, với những vũ khí như vậy kết hợp với việc mở rộng dân quân hàng hải cho thấy đây là một chiến lược răn đe, báo hiệu rằng kẻ thù sẽ phải trả giá nếu thúc ép Việt Nam.