Chiếc xe máy cùng cha chở con đi học, cùng mẹ đi làm, cùng bạn bè họp mặt… Từ những hoạt động thường nhật tới những sự kiện quan trọng trong cuộc đời, chiếc xe luôn có mặt.
Với nhiều người, xe máy không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là người bạn đồng hành thân thiết trên mỗi cung đường, thể hiện cá tính và phong cách của bản thân. Cũng vì thế mà việc bảo dưỡng và chăm sóc xe đúng cách càng trở nên đặc biệt quan trọng, giúp người bạn này luôn khỏe mạnh để cùng đồng hành thêm trên những con đường.
1. Vì sao cần bảo dưỡng xe định kỳ?
Sau thời gian dài làm việc mệt mỏi, con người chúng ta đều cần được nghỉ ngơi thư giãn và kiểm tra sức khỏe để có thể hồi sức và lấy lại tinh thần. Xe máy cũng vậy.
Với xe đã hoạt động được một thời gian, các chi tiết như dầu máy, lọc dầu, dầu phanh, nước làm mát… thường bị hao mòn và không đảm bảo chức năng. Ngay cả các bộ phận như phanh, cổ phốt, vành, lốp xe… cũng bị rơ rão, sai lệch. Do đó, chúng cần được điều chỉnh hoặc thay thế định kỳ để đảm bảo chiếc xe luôn ở trong trạng thái hoạt động tốt nhất.
Một chiếc xe được bảo dưỡng cẩn thận sẽ mang lại cảm giác thoải mái và an toàn cho người cầm lái. Việc phát hiện và sửa chữa kịp thời sẽ tránh hỏng hóc lan ra ảnh hưởng tới các bộ phận khác, đồng thời giúp giảm thiểu chi phí và nâng cao độ bền của xe. Đặc biệt, khi sự cố được khắc phục đúng lúc, xe sẽ có tuổi thọ lâu hơn và có giá trị cao hơn khi sang nhượng.
2. Thời điểm phù hợp để bảo dưỡng xe
Trong điều kiện sử dụng bình thường ở Việt Nam, xe máy nên được bảo dưỡng sau 3-4 tháng. Mỗi loại phụ tùng/chi tiết lại có lịch bảo dưỡng riêng. Tuy nhiên, số kilomet quy định để bảo trì với hầu hết các dòng xe đều tương đương nhau. Ví dụ: thay dầu sau mỗi 4.000km, kiểm tra nước làm mát sau mỗi 5.000km… Người sử dụng nên kiểm tra số kilomet và hướng dẫn sử dụng xe để đảm bảo việc bảo trì được hiệu quả nhất.
3. Các chi tiết cần kiểm tra khi bảo dưỡng:
- Phần khung sườn: kiểm tra vành xe, nan hoa, bảo dưỡng cổ phốt, giảm xóc trước/ sau, phanh trước, các loại dây cáp, tra dầu tay ga cũng như dây ga, bôi trơn các chi tiết chuyển động
- Phần động cơ: bảo dưỡng chế hòa khí, rửa bầu lọc khí, chỉnh chế độ nhiên liệu, vệ sinh bugi, căn chỉnh xúp páp, điều chỉnh côn, đổ thêm nước nạp ắc quy, (kiểm tra) thay dầu máy. Đối với xe phun xăng điện tử, cần kiểm tra & vệ sinh vòi phun, kiểm tra/ thay thế lọc bơm xăng (nếu cần), kiểm tra hoạt động các cảm biến, các chi tiết trong hệ thống phụ xăng.
- Hệ thống truyền lực: bảo dưỡng nhông xích tải, bảo dưỡng phanh sau, tra mỡ trục càng sau, kiểm tra cần khởi động, giàn để chân, xiết lại toàn bộ ốc trên hệ thống khung xe và công đoạn cuối cùng là rửa xe.
4. Quan trọng: Cần thay dầu xe định kì
Qua thời gian, dầu xe máy sẽ giảm chất lượng và khả năng bôi trơn. Do đó, cần thay dầu định kỳ, thời gian thay phụ thuộc vào các yếu tố như: xe mới hay cũ, mức độ sử dụng (thường xuyên hay thỉnh thoảng), tốc độ chạy xe, môi trường sử dụng, chất lượng của dầu xe…
Ở Việt Nam, dưới ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, không khí ô nhiễm nhiều khói bụi, nhiều nhà sản xuất cũng như thợ máy đều khuyến nghị người sử dụng nên thay dầu thường xuyên. Trong điều kiện thông thường, nên thay dầu sau 1.000 km đầu tiên. Từ lần thứ 2 trở đi, nên thay dầu sau mỗi 4.000km. Nếu xe sử dụng thường xuyên trung bình khoảng 1.000 km/tháng, lần thay dầu đầu tiên nên thực hiện sau 500km, những lần tiếp theo sau 1.500 - 2.000km.
Người dùng xe ga nên chú ý, xe tay ga sử dụng hai loại dầu: dầu máy và dầu hộp số. Thông thường, cứ 3 lần thay dầu máy thì thay dầu hộp số 1 lần.
5. Kiểm tra đột xuất
Đối với các xe đã cũ, cần đưa xe đi kiểm tra nếu phát hiện dấu hiệu bất thường như xe bị nóng máy, khó nổ máy, tốn xăng. Mang xe tới các trung tâm bảo dưỡng sửa chữa uy tín để phát hiện và sửa chữa kịp thời.
Theo Dân trí