Một số trong 7 pháo tự hành Panzerhaubitze 2000, chuyển giao cho Ukraine cuối tháng 6 đang có dấu hiệu "hao mòn và hỏng hóc", Der Spiegel của Đức đưa tin , trích dẫn các nguồn ẩn danh. Một số phần cứng hiển thị thông báo lỗi và cần được sửa chữa.
Quân đội Đức cho rằng, những vấn đề kỹ thuật có nguyên nhân từ số lượng đạn pháo mà quân đội Ukraine bắn hàng ngày quá cao, khiến cơ chế nạp đạn tự động của pháo tự hành quá tải. Bản tin lưu ý rằng, bắn liên tục 100 viên đạn mỗi ngày được coi là sử dụng cường độ cao, đồng thời cho biết thêm, quân đội Ukraine đang bắn "nhiều hơn" con số này.
Mặc dù vũ khí Đức dường như đã quá tải, quân đội Ukraine vẫn chỉ bắn bằng một phần nhỏ lượng đạn pháo mà quân đội Nga đang bắn vào chiến tuyến của quân đội Ukraine. Đầu tháng 7, các quan chức Ukraine tuyên bố, lực lượng pháo binh chỉ bắn 6.000 quả đạn mỗi ngày, so với 20.000 quả đạn của Nga. Khối lượng hỏa lực cũng không được phân bổ cho cho các khẩu đội pháo giống nhau, 1 khẩu pháo Ukraine phải chống trả 15 nòng pháo của Nga trên chiến trường.
Cùng với khó khăn này, do dự trữ đạn tiêu chuẩn cho pháo sắp hết, quân đội Ukraine đã bắn các loại đạn không tương thích từ pháo Đức, theo Der Spiegel. Sau khi biết rằng pháo tự hành không thể bắn đạn độ chính xác cao, quân đội Đức phải gửi phụ tùng thay thế để khắc phục tình trạng này.
Theo trang tin của Đức, Berlin đang thúc đẩy việc thành lập một trung tâm sửa chữa vũ khí ở Ba Lan để bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa các vũ khí hỏng hóc.
Panzerhaubitze 2000 không phải là vũ khí nước ngoài duy nhất gặp phải các vấn đề kỹ thuật trên chiến trường Ukraine. Binh sĩ Ukraine bị bắt tù binh mô tả các tổ hợp phóng tên lửa Javelin do cả Anh và Mỹ gửi tới - là "hoàn toàn vô dụng" trong tác chiến đô thị, đồng thời hay gặp phải vấn đề về pin với NLAW "khiến vũ khí không thể sử dụng".
Der Spiegel lưu ý rằng, các xe thiết phòng không Gepard của Đức, 5 chiếc được trao cho Ukraine, gặp phải vấn đề tương thích với đạn của Na Uy. Trong quá trình bắn thử nghiệm, pháo phòng không không nhận dạng được đạn do Na Uy sản xuất, do đó cần phải sửa đổi. Tháng 8, nhà sản xuất sẽ thử nghiệm lại với loại đạn mới. Đức chỉ có thể cung cấp cho Ukraine 60 nghìn viên đạn cho Gepard, vì Bundeswehr đã không sử dụng thiết bị này. Không thể mua đạn từ nước khác vì Thụy Sĩ sản xuất và chính phủ quốc gia này cấm xuất khẩu vũ khí sang Ukraine.
Sự kết hợp các hệ thống vũ khí từ các nhà cung cấp khác nhau, theo các nhà phân tích Anh và Mỹ nhận định là một " thách thức nghiêm trọng" đối với quân đội Ukraine.