Báo chí trong nỗ lực "tự cứu mình"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trước sức ép từ mạng xã hội, báo chí cần phải chuyển đổi số - bao gồm một quy trình sản xuất mới, hướng tới những nhu cầu riêng biệt, phân phối nội dung hiệu quả hơn và tạo được doanh thu lớn hơn.
Phóng viên báo chí tác nghiệp tại một cuộc họp của Bộ GD&ĐT.
Phóng viên báo chí tác nghiệp tại một cuộc họp của Bộ GD&ĐT.

Chỉ nội dung hay - chưa đủ!

Câu chuyện sức ép từ mạng xã hội đối với các cơ quan báo chí đã trở thành đề tài sôi nổi từ 4-5 năm trước, nhưng đến nay vẫn là vấn đề nóng. Theo đánh giá của Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện nay, các nền tảng nội dung xuyên biên giới đang làm cho báo chí trong nước mất dần nguồn thu và việc giảm tầm ảnh hưởng về mặt thông tin, mất nguồn thu chính là nguyên nhân dẫn tới nhiều cơ quan báo chí phải chạy theo lượng truy cập (view), khiến cho chất lượng nội dung sa sút.

Các nền tảng này nắm toàn quyền chi phối và thao túng thuật toán hiển thị nội dung và quảng cáo, khiến ai sử dụng nền tảng của họ sẽ phải theo luật chơi của họ, đương nhiên chỉ có lợi cho họ cả về doanh thu, dữ liệu mà không phục vụ lợi ích quốc gia của Việt Nam. Các nền tảng xuyên biên giới đều cho rằng nội dung xuyên biên giới là dòng chảy tự do, vì thế không bị phụ thuộc vào chính sách quản lý của các quốc gia.

Sự sụt giảm lượng truy cập kéo theo sụt giảm doanh thu quảng cáo trực tuyến hiển thị trên nền tảng web. Theo SimilarWeb, kỳ thống kê giai đoạn tháng 4 - 9/2021, lượng truy cập (traffic) của các tờ báo điện tử Việt Nam giảm trung bình 11%. Đến nay, con số này vẫn đang trên đà giảm.

Đặc biệt, việc giảm vai trò ảnh hưởng của báo chí trên không gian mạng - đồng nghĩa với sự lấn át của các nền tảng xuyên biên giới nước ngoài - còn kéo theo những hệ lụy xã hội đáng lo ngại khác. Facebook, Youtube, Twitter những năm gần đây trở thành diễn đàn của các phong trào phản kháng có tổ chức, đấu tranh chính trị, tư tưởng.

Đặc biệt, Cục Báo chí cũng đánh giá xu thế chửi bới, bôi nhọ, “bóc phốt”, tấn công cá nhân trên không gian mạng là những biểu hiện “lệch chuẩn”, đang thu hút một lượng lớn người theo dõi trên không gian mạng, lấn át các thông tin quan trọng của đất nước, của đời sống xã hội.

Đó cũng là sự thách thức đối với thể chế, khi một số lượng lớn những người theo dõi trở thành “fan cuồng” có thể quay ra “tấn công” các cơ quan nhà nước, các cơ quan truyền thông chính thống bằng nhiều hình thức.

Cục Báo chí nhận định báo chí, truyền thông là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số và khẳng định, chuyển đổi số đã trở thành xu thế được lựa chọn trong nỗ lực tự cứu mình để tồn tại của các cơ quan báo chí lớn. Cục Báo chí cũng cho rằng, thậm chí giờ đây, đại dịch Covid-19 trở thành lực đẩy lớn buộc các tòa soạn phải tăng tốc trên quá trình chuyển đổi số.

Nhờ chuyển đổi số, thực tế nhiều báo điện tử đã nhanh chóng chứng tỏ được sức hút đối với công chúng, bằng khả năng chuyển tải thông tin tới bạn đọc gần như đồng thời với sự kiện cùng lượng thông tin đồ sộ, thậm chí không có sự giới hạn về dung lượng như báo in, thời lượng phát sóng như phát thanh hay truyền hình. Tận dụng những lợi thế về công nghệ số, một số cơ quan báo chí đã nhanh chân xây dựng được tòa soạn hội tụ đa phương tiện, với môi trường làm việc ngày càng hiện đại.

Câu view một cách kém chất lượng đang khiến báo chí kéo nhau đi vào một cuộc đua đi về 0

Câu view một cách kém chất lượng đang khiến báo chí kéo nhau đi vào một cuộc đua đi về 0

Nhiều cơ quan báo chí, công ty truyền thông trên thế giới và cả ở Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững của tờ báo, đã bước vào một “cuộc đua” mới trong việc áp dụng chuyển đổi số, thay đổi mô hình, cách thức hoạt động, kinh doanh để vượt qua “khủng hoảng” thành công.

Trong cuộc đua mới, báo chí vẫn luôn chịu sức ép từ mạng xã hội, khi mạng xã hội ngày càng chiếm ưu thế, là phương tiện truyền thông rộng rãi và nhanh nhất hiện nay trong môi trường số hóa, với lượng người dùng đông đảo, tính tương tác cao. Vì thế, cá thể hóa nội dung, ứng dụng công nghệ số để cải thiện trải nghiệm của người dùng là xu thế chủ đạo của báo chí.

Đa dạng hóa nguồn thu, không lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo

Theo đánh giá mới đây của Cục Báo chí, một số cơ quan báo chí đã có nhiều đổi mới trong việc áp dụng khoa học công nghệ, phát triển dịch vụ nhưng chuyển đổi số báo chí toàn diện còn chưa rõ nét, manh mún. Do đó chưa đủ sức cạnh tranh với các dịch vụ mới xuyên biên giới.

Trong thị trường cạnh tranh hiện nay, nội dung hay chưa đủ, cơ quan báo chí cần phải tích hợp với trải nghiệm cao cấp của người dùng. Công nghệ đã trang bị cho báo chí những khả năng mới, thay vì phục vụ đại bộ phận công chúng một sản phẩm đồng nhất, thì nay hướng tới tùy chỉnh, chuyên biệt hóa theo những nhu cầu riêng biệt, chinh phục các nhóm độc giả mới, phân phối nội dung hiệu quả hơn và tạo được doanh thu lớn hơn.

Nói về vai trò hỗ trợ của nhà nước đối với các cơ quan báo chí, đại diện Cục Báo chí cho rằng, trước những biến động mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, báo chí không thể đứng ngoài cuộc, mà phải chủ động tìm lời giải cho những thách thức khốc liệt để tồn tại và phát triển, thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình.

Chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, không bị lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo, từ đó phát triển nền báo chí dữ liệu, có chất lượng, đảm bảo đúng giá trị nguyên bản của báo chí.

“Việc hỗ trợ của nhà nước giúp cơ quan báo chí chuyển đổi số bước đầu chọn lựa ra 20% cơ quan báo chí gây ảnh hưởng 80% độc giả, sau đó hỗ trợ 80% cơ quan báo chí còn lại” – đại diện Cục Báo chí cho biết.

Trao đổi về vai trò của Tổng Biên tập, người lãnh đạo các cơ quan báo chí trong quá trình chuyển đổi số, Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm nêu quan điểm: “Việc thay đổi tư duy, nhận thức của lãnh đạo cơ quan báo chí đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Chính Tổng Biên tập không thay đổi mà cứ cảm thấy bình an, thoải mái với vị trí của mình, với mô hình kiếm tiền truyền thống từ hợp đồng truyền thông, hay các nguồn khác, thì sẽ không bao giờ có động lực cho chuyển đổi số và khiến cơ quan báo chí ấy ngày càng tụt hậu”.

Chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung; thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, không bị lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo. Từ đó phát triển nền báo chí dữ liệu, có chất lượng, đảm bảo đúng giá trị nguyên bản của báo chí.

Tính đến ngày 30/11/2021, số lượng cơ quan báo chí có phiên bản điện tử là 259/816 (báo và tạp chí thực hiện 2 loại hình in và điện tử: 230; báo chí điện tử độc lập - không có bản in): 29; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng.

Ngoài ra, có 224 cơ quan báo chí (trong đó trung ương: 164; địa phương: 60) thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, trong đó có cả những cơ quan báo chí đã có loại hình điện tử.

Có 227 chuyên trang của 88 cơ quan báo chí điện tử, gồm: 178 chuyên trang của 62 cơ quan báo chí Trung ương; 49 chuyên trang của 26 cơ quan báo chí địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ quan báo chí chưa có phiên bản điện tử hay trang thông tin điện tử, chuyên trang, tập trung phần lớn ở khối tạp chí, nhất là tạp chí khoa học.

Nguồn: Cục Báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông.