Báo chí Đồng Nai trong dòng chảy chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Cùng với các lĩnh vực khác trong xã hội, báo chí Đồng Nai đang thực hiện chuyển đổi số theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện nhằm giữ vững vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội.
Bộ phận hậu kỳ làm việc tại phim trường Đài PT-TH Đồng Nai (ảnh: báo Đồng Nai)
Bộ phận hậu kỳ làm việc tại phim trường Đài PT-TH Đồng Nai (ảnh: báo Đồng Nai)

Liên tục đổi mới

Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai Đỗ Trung Tiến cho biết, trong thời đại 4.0, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng đặt ra thách thức rất lớn với các cơ quan báo chí. Thông tin trên báo chí phải nhanh nhạy, chính xác, kịp thời, hình thức truyền tải thông tin phải đa dạng, cách thể hiện thông tin phải liên tục đổi mới để đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả, khán, thính giả. Ý thức được vấn đề này, thời gian qua, các cơ quan báo chí ở Đồng Nai đã tích cực đổi mới, cải tiến, tạo được sức hút và sức lan tỏa trong xã hội.

Nhà báo ĐỖ TRUNG TIẾN, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh cho biết, để hỗ trợ các cơ quan báo chí trong tỉnh thực hiện tốt hơn nữa công tác chuyển đổi số báo chí, trong thời gian tới, Hội Nhà báo tỉnh sẽ phối hợp với Bộ TT-TT, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Đồng thời, tiếp tục tổ chức Giải báo chí Ngòi viết vàng, hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao nhằm kịp thời biểu dương, khen thưởng những nhà báo, phóng viên có tác phẩm báo chí xuất sắc.

Nhà báo Đào Văn Tuấn, Tổng biên tập Báo Đồng Nai cho hay, Báo hiện có 2 sản phẩm là báo in và báo điện tử Đồng Nai Online. Với báo in, Báo vừa có đợt cải tiến toàn diện cả về nội dung lẫn hình thức. Trong đó, nội dung thông tin phải chính xác hơn, nhanh hơn, đa chiều hơn với các quan điểm, góc nhìn rõ ràng, minh bạch. Tránh việc chọn đề tài sáo mòn, cũ kỹ, thiếu hơi thở đời sống, thiếu tiếng nói của người dân. Ưu tiên các đề tài sát với đời sống dân sinh, thể hiện các quan điểm, nghị quyết, đường lối của Đảng và Nhà nước một cách dễ hiểu, dễ nắm bắt, đa chiều. Hình thức triển khai tin, bài theo hướng ngắn gọn, súc tích, văn phong hiện đại...

Với Đồng Nai Online, thực hiện đẩy nhanh tốc độ xử lý tin tức, các tin “nóng” được ưu tiên đăng tải trên các nền tảng của báo (website, mạng xã hội) và liên tục cập nhật nếu cần thiết. Các tin, bài chất lượng sẽ được chọn lọc đăng tải theo các khung giờ có lượng độc giả cao. Biên tập và xử lý tin, bài theo hướng ngắn gọn, hiện đại, phù hợp với thói quen đọc báo điện tử của độc giả, dùng các từ khóa “đắt” để thu hút bạn đọc. Ngoài ra, Báo còn ứng dụng thêm các hình thức thể hiện khác trên báo điện tử như: đồ họa, tin tức kết hợp đồ họa, kết hợp video clip ngắn, file âm thanh…

Đặc biệt, những tháng gần đây, Báo Đồng Nai đã thử nghiệm các hình thức trình bày mới, hiện đại như infographic để trình bày thông tin, dữ liệu một cách rõ ràng, hình ảnh hóa các thông tin, dữ liệu phức tạp thông qua sự kết hợp và lồng ghép các yếu tố như: biểu tượng, ký hiệu, bản đồ. Thời gian tới, Báo Đồng Nai tiếp tục tăng cường thực hiện nhiều thể loại, hình thức truyền tải thông tin mới như: infographic, megastory, podcast, phóng sự truyền hình… theo xu hướng của báo chí hiện đại trên cả nền tảng website, di động (mobile) và các kênh mạng xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của độc giả.

Còn tại Đài PT-TH Đồng Nai, từ năm 2017 đến nay, Đài đã tập trung đẩy mạnh việc đầu tư trang thiết bị số hóa phát thanh, truyền hình, đảm bảo hiện đại, đồng bộ từ đội ngũ phóng viên, biên tập viên đến bộ phận hậu kỳ, lưu trữ, truyền dẫn phát sóng với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng.

Giám đốc Đài PT-TH Đồng Nai Trần Nam Đông chia sẻ, Đài đang chuẩn bị kế hoạch và xin chủ trương của tỉnh để tiếp tục đầu tư xây dựng các hệ thống quản trị tin, bài, nhuận bút… trong nội bộ, đảm bảo đến năm 2025 sẽ số hóa hoàn toàn tất cả các hoạt động báo chí của Đài, từ quản trị, sản xuất chương trình đến truyền dẫn phát sóng.

Hiện nay, nội dung chương trình của Đài đã được truyền dẫn phát sóng đến khắp mọi miền của đất nước thông qua truyền hình số vệ tinh, truyền hình internet, truyền hình cáp, truyền hình số mặt đất, truyền hình di động và trên các nền tảng mạng xã hội như: YouTube, TikTok, Facebook… Từ đó, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được lãnh đạo tỉnh giao.

Thay đổi tư duy, quyết tâm đổi mới từ người đứng đầu

Giám đốc Đài PT-TH Đồng Nai Trần Nam Đông cho rằng, để chuyển đổi số báo chí thành công, trước tiên phải có sự đổi mới về tư duy. Nhà báo thời đại công nghệ 4.0 phải năng động, nhạy bén, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đổi mới cách thức làm việc để có thể cập nhật thông tin nhanh chóng, thể hiện tác phẩm “tươi mới”, tránh lối mòn nhàm chán. Đồng thời, phải biết sử dụng thành thạo các công cụ tác nghiệp số hóa, không lệ thuộc nhiều vào khâu kỹ thuật hậu kỳ.

Trong 2 ngày 28 và 29-11, tại Đài PT-TH Đồng Nai, Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai tổ chức Đại hội lần thứ X, nhiệm kỳ 2022-2027, với sự tham dự của 209 đại biểu chính thức. Đại hội tiến hành đánh giá kết quả hoạt động Hội nhiệm kỳ IX, đề ra phương hướng nhiệm kỳ X; bầu Ban chấp hành Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai khóa X…

Bất kỳ sự thay đổi nào cũng sẽ gặp phải ít nhiều khó khăn, song theo nhà báo Đào Văn Tuấn, nếu người đứng đầu quyết tâm, đổi mới tư duy sẽ “kéo” cả “đoàn tàu” cùng thay đổi. Do vậy, đòi hỏi Ban Biên tập phải quyết liệt trong chuyển đổi bởi nó liên quan đến các khía cạnh chuyên môn như: tư duy đề tài, cách viết, kỹ năng thể hiện tác phẩm báo chí trên các nền tảng khác nhau của phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên.

Báo Đồng Nai đã và đang xây dựng ê-kíp tổ chức sản xuất nội dung cho các nền tảng số. Đồng thời, cử nhân sự tham gia các khóa bồi dưỡng do Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ TT-TT tổ chức về chuyển đổi số báo chí; trao đổi, học tập kinh nghiệm với các báo bạn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên.

Là một trong những phóng viên tích cực ứng dụng công nghệ để trình bày tác phẩm báo chí theo nhiều hình thức hiện đại, phóng viên Hải Quân, Báo Đồng Nai cho biết, ngoài những kỹ năng, kiến thức được học trên giảng đường đại học, cũng như các lớp đào tạo về báo chí đa phương tiện, bản thân anh luôn cố gắng tự tìm tòi, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trao dồi kỹ năng, kinh nghiệm, học hỏi từ các báo bạn về các hình thức thể hiện nội dung của báo chí hiện đại, đa phương tiện.

Nhà báo Đặng Phước Toàn, Trưởng phòng Kỹ thuật - sản xuất chương trình Đài PT-TH Đồng Nai cho hay, trước đây khi làm chương trình thời sự trực tiếp, Đài phải thuê cáp quang, điều xe màu mang theo cả ê-kíp từ đạo diễn đến âm thanh, ánh sáng, phóng viên, quay phim… đến hiện trường để làm việc. Hòa vào dòng chảy chuyển đổi số, phòng đang tham mưu cho Ban giám đốc Đài về giải pháp kỹ thuật đầu tư dự án 2 studio thu thời sự trong năm 2023. Trong đó, tập trung vào công nghệ mới cho sản xuất chương trình thời sự trực tiếp, chất lượng cao, kết nối nền tảng Cloud - Native Ampp (điện toán đám mây) để truyền dẫn tín hiệu, thay thế quy trình sản xuất trực tiếp truyền thống hiện nay.

“Với cách làm này, chúng tôi không cần phải điều xe màu với đầy đủ ê kíp đến hiện trường như trước, chỉ cần phóng viên, quay phim đến hiện trường, còn đạo diễn, âm thanh, ánh sáng… sẽ ở Đài, thông qua Cloud - Native Ampp để kết nối, phối hợp với phóng viên, quay phim thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường. Đến nay, gần như tất cả quy trình sản xuất, kiểm duyệt, hậu kỳ tại Đài đã được số hóa. Phóng viên chỉ cần 1 chiếc laptop kết nối internet là có thể sản xuất tin, bài, gửi về theo đường truyền để các bộ phận tại Đài xử lý trước khi phát sóng. Qua đó, tăng độ “nóng” của tin tức, giảm bớt nhân lực, chi phí đầu tư” - nhà báo Phước Toàn nói.

Theo báo Đồng Nai