Báo chí có thể khai thác gì từ tính năng phát trực tiếp?

VietTimes – Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, tính năng phát trực tiếp ngày càng trở nên phổ biến.
Ảnh: What's New In Publishing

Tính năng phát trực tiếp đã trở nên phổ biến được một thời gian. Trong vài năm trở lại đây, các nền tảng như Facebook và Instagram Live, TikTok, Twitch, Discord và YouTube đã tạo ra các kênh cho phép người dùng phát trực tiếp trước “khán giả” của họ trong thời gian thực.

Tuy nhiên, phải đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát, việc tổ chức các sự kiện trực tiếp đều buộc phải tạm hoãn hoặc chuyển sang trực tuyến thì việc phát trực tiếp mới được các tổ chức báo chí, truyền thông chú ý tới.

Theo dữ liệu của JW Player - một nền tảng phần mềm video, nghiên cứu các video được phát trên hơn 12.000 trang web của các tổ chức báo chí, lưu lượng truy cập phát trực tiếp đã tăng đột biến 400% vào tháng 3/2020 và vẫn tiếp tục tăng 40% so với cùng kỳ năm 2019.

Trường hợp sử dụng phát trực tiếp cũng ngày càng đa dạng: các đơn vị báo chí dùng nó để phát sóng các trận đấu thể thao, họp báo, phỏng vấn… trong thời gian thực và trên nhiều loại thiết bị khác nhau.

Trong một khoảng thời gian dài không thể ra ngoài vì đại dịch Covid-19, độc giả hy vọng rằng các sự kiện mà họ quan tâm có thể được phát trực tiếp. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều tổ chức báo chí đã bắt đầu triển khai tính năng phát trực tiếp trên các kênh kỹ thuật số của họ. Nếu được thực hiện đúng, phát trực tiếp có thể trở thành một nguồn tăng trưởng sinh lợi đối với các công ty báo chí, truyền thông.

Dưới đây là 4 hướng khai thác tính năng phát trực tiếp mà báo chí có thể tham khảo.

1. Tăng lượng độc giả bằng các sự kiện trực tiếp

Các sự kiện trực tuyến có thể tiếp cận được số lượng đối tượng rộng hơn nhiều so với các sự kiện trực tiếp bởi nó không bị ràng buộc bởi sức chứa của địa điểm tổ chức sự kiện.

Mọi người có thể tham dụ sự kiện trực tuyến ngay tại nhà của họ, tiết kiệm được chi phí đi lại và các khoản phí khác. Lượng độc giả lớn hơn cũng đem đến cho các tổ chức báo chí, truyền thông cơ hội kiếm được nhiều tiền hơn.

Những sự kiện trực tiếp có thể giúp các tổ chức báo chi, truyền thông hiển thị nhiều quảng cáo hơn, hướng tới những đối tượng độc giả tương tác cao hơn so với khi hiển thị quảng cáo trên nội dung tĩnh (các bài báo được đăng trên trang web của tòa soạn).

Một vấn đề được đặt ra ở đây là khi đã thu hút được nhiều độc giả đến trang web của tổ chức thông qua các sự kiện trực tiếp thì bước tiếp theo, báo chí sẽ làm gì để giữ chân độc giả?

2. Duy trì sự tương tác của các độc giả mới

Việc phát trực tiếp các sự kiện phổ biến có thể được coi là một cách hay để thu hút mọi người tiếp cận các kênh tin tức của tòa soạn. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ loại hình nội dung nào, việc tổ chức sự kiện trực tuyến cũng tốn kém không ít, đặc biệt khi tòa soạn tự đứng ra tổ chức các sự kiện.

Để tối ưu hóa lợi nhuận đầu tư, các tổ chức báo chí cần tối đa hóa thời gian mà độc giả dành cho trang web của họ sau khi xem các sự kiện trực tiếp. 51% các đơn vị báo chí, truyền thông trong cuộc khảo sát mới đây của JW Player đã cho biết, thách thức lớn nhất của họ là tăng mức độ tương tác trên các trang web mà họ sở hữu.

Trang web là nơi các công cụ đề xuất có thể trở nên hữu ích. Bằng cách sử dụng AI để phân tích nội dung video của chính mình, các tổ chức có thể đề xuất các video liên quan mà độc giả có thể sẽ thích dựa trên lịch sử xem những video trước đó của họ, từ đó, kéo dài thời gian ở lại trang web của độc giả và tạo ra nhiều cơ hội cải thiện doanh thu hơn.

Tương tự, đối chiếu các bài báo cũng là một cách hữu ích khác để thu hút độc giả trên trang web của tòa soạn. Như tên gọi của biện pháp này, việc đối sánh các bài báo sẽ giúp tổ chức có thể ghép nối video với các bài viết liên quan chưa có video. Ngược lại, những video này có thể giữ chân độc giả tốt hơn vì họ đã bị thu hút bởi chủ đề của bài báo.

3. Kéo dài “tuổi thọ” của nội dung

Các sự kiện ảo sẽ không thực sự kết thúc khi sự kiện đó kết thúc. Việc phát trực tiếp có thể tạo ra rất nhiều video khác được cắt ghép từ một sự kiện ảo. Những đoạn video ngắn như vậy có thể giúp duy trì độ phổ biến của chủ đề được đề cập và mở rộng thư viện nội dung cho tòa soạn.

Sau đó, những đoạn clip này có thể được cung cấp cho các đối tác của đơn vị báo chí sở hữu hoặc chia sẻ trên các phương tiện truyền thông xã hội, bởi 63,8% các tổ chức báo chí cho biết họ kỳ vọng sẽ làm được điều này trong cuộc khảo sát của JW Player.

Q.Digital - một mạng lưới truyền thông lớn nhất thế giới do cộng đồng người đồng tính LGBTQ sở hữu, đã phát triển thư viện nội dung của họ bằng cách tái sử dụng các clip từ những bài phỏng vấn người nổi tiếng của họ trên Instagram Live.

Bằng cách áp dụng công cụ đề xuất cho thư viện nội dung được mở rộng của họ, tổ chức này có thể tự động tạo ra các danh sách phát mới. Chiến lược này đã giúp tăng số lượt phát video hàng tháng của họ lên 11%, một con số đáng ngạc nhiên kể từ năm 2020, đồng thời tăng số lần hiển thị quảng cáo video hàng tháng lên 26%.

Việc kéo dài “tuổi thọ” của nội dung phát trực tiếp cũng có nghĩa là các tổ chức báo chí đang cung cấp nội dung đó ở nhiều nơi nhất có thể. Mọi người đang có rất nhiều cách để xem video và các công ty báo chí cần có khả năng tiếp cận độc giả của họ trên bất kỳ thiết bị nào mà họ sử dụng, dù đó là ứng dụng di động, web, TV được kết nối internet hay mạng xã hội.

4. Thúc đẩy việc đăng ký

Đối với các tổ chức báo chí, truyền thông sử dụng mô hình doanh thu dựa trên đăng ký, phát trực tiếp có thể là một chiến lược tuyệt vời để thu hút độc giả đăng ký trả phí. Điều này đặc biệt đúng đối với các tổ chức tin tức - những đơn vị có thể sử dụng tính năng phát trực tiếp để cung cấp các tin tức nóng hổi, độc quyền.

“Kể từ khi xây dựng mô hình đăng ký, chúng tôi đã nghĩ đến những hiệu quả mà video có thể mang lại như tăng lượt đăng ký và độc giả đăng ký trả phí tiềm năng. Phát trực tuyến có thể trở thành giải pháp hữu ích để sản xuất những nội dung độc quyền và thuyết phục độc giả đăng ký”, nhà báo Sven Chrisitian làm việc trong Nhóm Sản phẩm Video tại Der Spiegel (tổ chức báo chí lớn nhất ở Đức) cho biết.

Der Spiegel đã thiết lập các kênh trực tiếp (live channel) một cách thường xuyên để phát trực tiếp sự kiện từ các đối tác tin tức khác, các cuộc họp báo và các sự kiện được lên kế hoạch đặc biệt mà không cần lời tường thuật.

Tờ báo này cũng bắt đầu tổ chức các chương trình trò chuyện trực tiếp với các khách mời và người dẫn chương trình nổi tiếng. Trong cuộc bầu cử Tổng thống tại Hoa Kỳ 2020, Der Spiegel đã tổ chức các chương trình trực tiếp về các sự kiện có quy mô lớn như lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden, tạo ra các video được phát trực tiếp có tổng thời lượng lên tới 2 triệu phút.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực truyền thông, chiến lược phát trực tiếp đã giúp Der Spiegel dẫn đầu và tăng lượng độc giả trả tiền.

Theo What’s New In Publishing