|
Ảnh: What's New In Publishing |
“Mạng xa hội audio” hay còn được biết đến với cái tên “drop-in audio chat” (hình thức phòng trò chuyện âm thanh tạm thời mà người dùng có thể tham gia và rời khỏi) đã trở thành xu hướng công nghệ mới nhất tại Thung lũng Silicon và trên khắp thế giới. Gần 100 năm kể từ thời kỳ hoàng kim của radio diễn ra trước đó, những “người chơi” thế hệ mới như Spotify và Clubhouse đang từng bước gây dựng lại đế chế âm thanh.
Đã có rất nhiều thay đổi diễn ra kể từ khi đài phát thanh thương mại (radio) xuất hiện lần đầu tiên vào đầu những năm 1920. Thời điểm đó, công chúng vẫn dành phần lớn thời gian để xem tin tức được hiển thị trên màn hình các thiết bị công nghệ hơn là nghe đài, podcast hoặc các nội dung âm thanh khác.
Nhưng xu hướng đã thay đổi, mới đây, tờ The Washington Post đã ghi nhận lượng nghe nội dung âm thanh đạt mức cao nhất mọi thời đại trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát.
Nghiên cứu cho thấy, khoảng 176 triệu thanh thiếu niên và người trưởng thành tại Hoa Kỳ hiện nghe âm thanh trực tuyến ít nhất 1 lần vào mỗi tuần, so với con số 169 triệu người vào năm 2020.
Mua lại Locker Room và cách Spotify dẫn đầu trong “kỷ nguyên vàng” thứ hai của âm thanh
|
Nền tảng ứng dụng âm thanh mạng xã hội Clubhouse đã dành được sự chú ý từ hầu hết các tổ chức báo chí, truyền thông vào năm ngoái (mặc dù nhiều người đang hoài nghi về sự tăng trưởng hiện tại của nó).
Sự phát triển của ứng dụng này đủ để “gã khổng lồ” dẫn đầu trong mảng phương tiện truyền thông mạng xã hội là Facebook phải gấp rút công bố một số bản sao ứng dụng trong tương lai.
Vào khoảng đầu năm nay, LinkedIn, một trang mạng xã hội được thiết kế riêng cho cộng đồng các doanh nghiệp cho biết họ đang thử nghiệm mô hình trò chuyện chỉ dùng âm thanh (audio-only chat). Bên cạnh đó, Twitter cũng đang chuẩn bị cho sự ra mắt tính năng Spaces của mình. Ngay cả Slack, công ty công nghệ ứng dụng trò chuyện nhóm, cũng bắt đầu quan tâm đến “cuộc chiến nhân bản công nghệ” này.
Nicolás Rivero, một phóng viên công nghệ đã chia sẻ quan điểm của mình về Slack trong bài viết vào tháng 4/2021 rằng: “Slack không phải là công ty công nghệ đầu tiên “ăn cắp ý tưởng” đằng sau nền tảng truyền thông mạng xã hội dựa trên âm thanh. Clubhouse, Facebook, Twitter và LinkedIn cũng đã làm như vậy. Điểm khác biệt là Giám đốc điều hành của Slack, Stewart Butterfield không “giả vờ” rằng ông đang tung ra một số tính năng hoàn toàn mới”.
Tuy nhiên, “người giành chiến thắng cuối cùng” trong cuộc đua này có lẽ là Spotify với quyết định mua lại Locker Room của họ.
Locker Room là một ứng dụng âm thanh thể thao trực tiếp. Sau khi khởi chạy, người dùng sẽ thấy một nguồn cấp liệu về các cuộc trò chuyện trực tiếp và các cuộc trò chuyện sắp diễn ra.
Âm thanh sẵn sàng khi người dùng bước vào phòng trò chuyện và tất cả khán giả đều có thể xuất hiện cùng lúc, tương tự như trên Clubhouse. Người dùng có thể đăng ký để “lên sân khấu” phát biểu bằng cách giơ tay lên.
Điều tạo nên sự khác biệt của Locker Room so với Clubhouse hoặc Twitter (với Spaces) đó là khả năng thảo luận dựa trên văn bản trong khi cuộc trò chuyện đang diễn ra, đồng thời ứng dụng này cũng có tính năng cho phép ghi lại cuộc trò chuyện trực tiếp.
|
Spotify có kế hoạch thiết lập chương trình trực tiếp thường xuyên cho Locker Room, họ dự định đổi tên thương hiệu hiệu do tên hiện tại có thiên hướng nội dung về thể thao, trong khi chiến lược tương lai sẽ là âm thanh trực tiếp với những chủ đề đa dạng hơn.
Spotify đã chia sẻ về kế hoạch tương lai của họ dành cho Locker Room:
“Trong những tháng tới, Spotify sẽ phát triển và mở rộng Locker Room thành trải nghiệm âm thanh trực tiếp cao cấp hơn cho các nhà sáng tạo (creators) và người hâm mộ.
Thông qua trải nghiệm trực tiếp mới này, Spotify sẽ cung cấp một loạt chương trình thể thao, âm nhạc và văn hóa cũng như một loạt các tính năng tương tác cho phép các nhà sáng tạo kết nối với khán giả trong thời gian thực (real-time).
Chúng tôi sẽ cung cấp cho các vận động viên chuyên nghiệp, nhà văn, nhạc sĩ, người làm podcast (podcaster) cơ hội để tổ chức các phiên thảo luận, tranh luận trong thời gian thực, đặt câu hỏi và hơn thế nữa trong thời gian thực”.
Ông Gustav Söderström, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển tại Spotify, đã chia sẻ với The Verge rằng: “Spotify sẽ cho phép tất cả mọi người có quyền tổ chức các cuộc trò chuyện, không chỉ riêng những người sáng tạo (creators) đã được phê duyệt”. Ngoài ra, ông Söderström cũng khẳng định rằng họ muốn làm cho quá trình tạo bản ghi âm trở nên liền mạch hơn.
Các nhà sáng tạo (creators) trên Clubhouse và Twitter Spaces đã tiến hành lưu lại các cuộc thảo luận của họ và tải chúng lên dưới dạng các tập podcast. Spotify hiện đã sở hữu Anchor, một nền tảng tạo và lưu trữ podcast miễn phí.
Giờ đây, “gã khổng lồ” trong lĩnh vực phát trực tuyến đã có “vũ khí hoàn hảo” để bất kỳ nhà sáng tạo nào (hoặc tòa soạn) đều có thể phát trực tiếp, ghi lại và phân phối phục vụ cho chiến lược âm thanh trong tương lai.
Tương lai của âm thanh phụ thuộc vào những người có tầm ảnh hưởng
Trong thời gian ngắn tới đây, cuộc chiến giữa các ứng dụng trò chuyện âm thanh (audio chat drop-in apps) sẽ ngày càng trở nên gay gắt. Các cộng đồng người dùng khác nhau sẽ chọn những ứng dụng phù hợp nhất với nhu cầu của họ.
Trong trường hợp các tổ chức báo chí đang băn khoăn về việc ứng dụng âm thanh nào sẽ là sự lựa chọ tốt nhất thì việc tiến hành thăm dò ý kiến từ độc giả là điều cần thiết.
Nhà báo David Tvrdon đã chia sẻ rằng, tại tòa soạn anh đang làm việc, họ đã thử nghiệm với ứng dụng Clubhouse nhưng họ nhận được rất nhiều phản hồi về vấn đề nó chưa khả dụng trên hệ điều hành Android. Trong khi hệ điều hành Android chiếm ưu thế về số người sử dụng tại phần lớn châu Âu, người dùng iPhone chỉ đóng vai trò thiểu số.
Ngoài ra, nhiều người dùng muốn ghi lại các cuộc thảo luận và xuất bản chúng dưới dạng các tập podcast, trong khi ứng dụng âm thanh mạng xã hội Clubhouse gần đây đã tăng cường giám sát việc ghi lại các cuộc thảo luận, mặc dù việc ghi lại được cho phép trong điều khoản dịch vụ.
Sau đó, ông David Tvrdon và đồng nghiệp đã thử phát trực tiếp cả trên Clubhouse và Discord, một ứng dụng trò chuyện âm thanh và trò chuyện được các game thủ sử dụng phổ biến.
Một trong những podcast thuộc tòa soạn của ông David Tvrdon đã thiết lập trên máy chủ Discord (về cơ bản là một diễn đàn). Ở đó, họ tương tác với độc giả của mình, thường xuyên tổ chức các buổi “trò chuyện vào các ngày thứ Sáu” (ngày các tập được phát hành) thông qua các kênh trò chuyện âm thanh. Họ cũng giữ liên lạc với những người hâm mộ, nhận phản hồi và ý tưởng câu chuyện mới.
Tương lai của âm thanh có thể sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những người có sức ảnh hưởng tới cộng đồng. Ông David Tvrdon cho rằng, để có được bản sao Clubhouse hoàn hảo cho riêng mình, các nền tảng công nghệ có thể sẽ tiến hành thực hiện các thỏa thuận với những người có ảnh hưởng tới cộng đồng.
Không giống như TikTok, ông David Tvrdon cho rằng các nền tảng âm thanh không sử dụng thuật toán nào để hiển thị thứ tự các âm thanh dựa trên nội dung hấp dẫn nhất, thay vào đó, điều này sẽ được xác định bởi người dẫn chương trình. Điều đó có nghĩa là các nền tảng âm thanh sẽ ưu tiên những diễn giả có ảnh hưởng.
|
Các tổ chức báo chí, truyền thông có thể tối ưu hóa âm thanh bằng cách nào?
Dưới đây là một số cách phổ biến nhất mà các tổ chức báo chí có thể sử dụng âm thanh để tương tác với khán giả.
Sử dụng âm thanh truyền tải câu chuyện đa phương tiện: Bài học thực tiễn đến từ The New York Times, nơi sử dụng âm thanh để đưa tin tức đến khắp nơi trên thế giới.
Podcast: Podcast được cho là nội dung âm thanh phổ biến nhất hiện nay trong ngành báo chí nói chung. Hãy xem xét podcast như một phần của chiến lược tin tức (ngoài ra, các tổ chức báo chí có thể sử dụng podcast để thúc đẩy chiến lược thành viên hoặc đăng ký của mình)
Các bài báo âm thanh: Một xu hướng gần đây được báo chí áp dụng đó là thiết lập các tùy chọn trình phát âm thanh ở đầu bài báo. Một số trang web sử dụng giọng nói tự động để đọc văn bản, số khác yêu cầu tác giả của các câu chuyện đọc chúng và đính kèm phiên bản âm thanh vào bài viết của họ.
Sách nói (Audiobook): Theo David Tvrdon, audiobook (sách nói) chưa được các đơn vị báo chí sử dụng rộng rãi, mặc dù thực tế, thị trường sách nói lớn hơn podcast gấp ba lần.
Phòng trò chuyện (Chat rooms): Các tổ chức báo chí truyền thông có thể sử dụng các ứng dụng được đề cập trên để xây dựng cộng đồng người đọc lớn mạnh hơn hoặc thậm chí phục vụ cho các sự kiện trực tiếp trực tuyến.
Theo What’s New In Publishing, QZ