GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định như vậy với VietTimes ngay trước buổi thảo luận của Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật báo chí sửa đổi.
Quản lý các trang mạng cá nhân thế nào
Khi thảo luận về Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi, vẫn có những ý kiến cho rằng, cần đưa cả các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, các blog cá nhân vào đối tượng điều chỉnh của luật này. Theo Giáo sư, có cần phải như vậy không và trên thực tế có thể làm được việc này không?
- Tôi nghĩ là cần phải có các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý các trang thông tin điện tử chính thức. Thực ra các trang thông tin điện tử (TTĐT) cũng là các sản phẩm có tính báo chí rồi, vì nhiều trang thông tin điện tử lách luật bằng cách liên kết với các tờ báo điện tử để sản xuất tin bài,… Mặt khác, các trang TTĐT thường lấy bài hay, độc quyền, đặc sắc ở các báo để sử dụng. Mà đó thực ra là sự vi phạm quền sở hữu trí tuệ, kể cả khi họ đã xin phép các cơ quan báo chí quản lý trang nguồn thì vẫn tạo ra một sự cạnh tranh không công bằng.
Còn việc quản lý các trang cá nhân, theo tôi là không phù hợp. Trên thực tế chưa có nước nào trên thế giới làm việc ấy cả. Các nước không có luật báo chí đã đành, ngay cả các nước có luật báo chí cũng chẳng quản lý các trang cá nhân. Vì số lượng quá lớn, làm sao quản lý nổi được. Mà thường tác giả trên các mạng xã hội ẩn danh hoặc lấy biệt danh, không có cá nhân nào chịu trách nhiệm rõ ràng nên thực sự ra khó quản lý. Thứ nữa là ta có muốn quản những trang ấy thì thực tế cũng không quản nổi.
Như vậy các trang cá nhân sẽ được “thả” hoàn toàn mà không chịu sự quản lý của nhà nước, thưa Giáo sư?
- Một số người sống trong nước mà có tên tuổi rõ ràng thì ta có thể điều chỉnh bằng Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự hay một số đạo luật liên quan, còn những người sống ở nước ngoài hoặc sử dụng biệt danh mà mình không biết là ai thì làm sao mà điều chỉnh được. Trường hợp những trang mạng này xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì sẽ phải xử lý theo Luật Sở hữu trí tuệ. Nếu họ bịa đặt, vụ khống, bôi nhọ, kêu gọi lật đổ nhà nước hợp hiến thì sẽ xử lý theo Bộ luật Dân sự, bộ luật Hình sự. Muốn sử dụng luật thì cũng phải phù hợp với thông lệ quốc tế. Đã có nhiều trường hợp xử lý các cá nhân vi phạm luật pháp Việt Nam nhưng cộng đồng quốc tế lại cho rằng chúng ta xử lý thế là sai, nên việc xử lý được người ở nước ngoài nữa lại càng khó.
Theo tôi, trước mắt, nên tiếp tục quản lý các trang mạng cá nhân bằng một số bộ luật, luật như đã nói và bằng các Nghị định, thông tư về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet chẳng hạn, chứ khó mà điều chỉnh được bằng Luật Báo chí.
Báo chí bao cấp quá nhiều
Ban soạn thảo Luật Báo chí sửa đổi có đưa ra bàn thảo việc có nên bỏ một số thủ tục xin phép, cấp phép khi thành lập, hoạt động của cơ quan báo chí. Việc này, nếu quản thì có thể gây khó cho cơ quan báo chí, nhưng không quản thì rất khó kiểm soát. Ý kiến của Giáo sư thế nào?
- Theo tôi, nên bãi bỏ một số thủ tục xin phép, cấp phép. Bởi vì một khi đã cấp phép thành lập cơ quan báo chí thì việc phát triển sản phẩm báo chí thuộc trách nhiệm của cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí, trừ trường hợp biên tập kênh phát thanh, truyền hình nước ngoài để phát trên đài phát thanh, truyền hình. Điều quan trọng nhất cần quy định là việc phát triển sản phẩm báo chí của các cơ quan báo chí không lấy kinh phí từ ngân sách nhà nước. Còn quy định gò bó đến mức cơ quan chịu trách nhiệm cung cấp thông tin chính thức cho báo chí như Thông tấn xã Việt Nam cũng phải xin phép xuất bản bản tin thông tấn thì việc thành lập Thông tấn xã không còn ý nghĩa gì.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng nên cân nhắc bãi bỏ một số thủ tục xin phép, cấp phép để tránh gây khó cho các cơ quan báo chí.
Tôi cho rằng bây giờ không sửa thì luật này “bó” quá, bạ cái gì cũng phải xin phép. Trong thời gian vừa rồi, tôi có tham gia một số buổi làm việc giữa Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TNTNNĐ của Quốc hội với Bộ Thông tin và Truyền thông. Hai bên đã thống nhất bỏ quy định giấy phép hoạt động báo chí chỉ có hiệu lực trong 10 năm, sau thời gian 10 năm phải xin cấp phép lại. So sánh với một số lĩnh vực khác, tôi thấy bỏ quy định này là hợp lý, bởi vì giấy phép thành lập trường ĐH, giấy phép kinh doanh làm gì có hạn, làm gì có chuyện 10 năm phải xin lại. Huống chi, cơ quan báo chí nước ta đều là cơ quan nhà nước, người đứng đầu đều là đảng viên, là cấp ủy cả; bên cạnh đó còn có cơ quan chủ quản chỉ đạo nữa.
Dù còn nhiều yếu tố bó buộc, nhưng sự phát triển của báo chí thời gian qua là minh chứng rõ ràng nhất thể hiện tác động tích cực của Luật Báo chí trong cuộc sống. Tuy nhiên, ông đánh giá mặt trái của thực tế này là gì?
- Có thể thấy báo chí nước ta phát triển quá mạnh, báo chí nhà nước bao cấp quá nhiều, hết sức tốn ngân sách nhà nước. Tôi nói ví dụ không có nước nào mà nhà nước bỏ tiền ra tổ chức bộ máy, mua phương tiện, trang thiết bị, in báo rồi lại bỏ tiền ra mua báo nữa.
Theo tôi, báo chí nhà nước bao cấp hiện phát triển quá rộng, các báo bộ ngành đều dùng tiền nhà nước, tất cả các tỉnh đều có báo, đều có đài phát thanh, tốn của nhà nước không biết bao nhiêu mà kể nhưng lượng độc giả, khán giả không cao. Nhất là phát thanh - truyền hình, cả nước có 65 đài phát thanh - truyền hình, tốn kém ngân sách nhà nước vô cùng, đặc biệt là ở khâu đầu tư trang thiết bị sản xuất, phát sóng.
Mà nhiều đài truyền hình cũng chỉ phát được vài giờ tin thức tự sản xuất, còn lại chủ yếu là chiếu phim nước ngoài. Đài nọ chồng lấn sóng của đài kia nên gây nhiễu. Cả vùng ĐBSCL, người ta chủ yếu xem đài truyền hình TP.HCM chứ có mấy ai xem đài của tỉnh mình đâu, trừ phi có phim gì hay. Còn dân ngoài Bắc chủ yếu xem Đài truyền hình Việt Nam (VTV), chứ mấy ai xem đài tỉnh.
Vậy cần hoạch định như thế nào để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, thưa Giáo sư?
- Theo tôi, để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời nâng cao chất lượng báo chí, Luật Báo chí cần quy định rõ các mô hình tổ chức báo chí, cụ thể là 3 mô hình sau:
Một là,“cơ quan nhà nước” bao gồm cơ quan báo chí của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ (Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Đại biểu nhân dân). Các đơn vị này được ngân sách nhà nước đảm bảo hoàn toàn về trụ sở, phương tiện làm việc, lương và công tác phí; nhưng việc phát hành, đơn vị phải tự lo.
Hai là, “Đơn vị sự nghiệp có thu” bao gồm cơ quan báo chí của các bộ ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương. Cơ quan chủ quản có trách nhiệm đảm bảo cung cấp trụ sở, phương tiện làm việc khi thành lập đơn vị. Còn toàn bộ hoạt động của đơn vị theo nguyên tắc tự cân đối thu chi.
Ba là, “Doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện” bao gồm báo chí của tổ chức khác, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như các doanh nghiệp thuộc khối văn hóa.
Còn riêng các đài truyền hình cần định hướng lại, chỉ sản xuất nội dung. Còn việc phát sóng thì cả nước chỉ nên có từ 3 đến 5 trung tâm phát sóng thôi.
Trên cơ sở quy định này, Chính phủ sẽ xác định lộ trình để các bộ, ngành, địa phương, tổ chức sắp xếp lại cơ quan báo chí của mình phù hợp với yêu cầu phát triển và khả năng của nền kinh tế. Đối với hoạt động phát thanh - truyền hình, cần tách tổ chức truyền dẫn, phát sóng khỏi các đài phát thanh - truyền hình, thu gọn đầu mối để tránh tình trạng lãng phí do các đài chồng lấn sóng nhau và đài nào cũng phải liên tục nâng cấp trang thiết bị như hiện nay.
Xin cảm ơn Giáo sư!