Thông thường, khi nói đến chênh lệch số liệu, kết quả kinh doanh trên Báo cáo tài chính trước và sau soát xét, người ta thường có xu hướng nghĩ đến một kịch bản tiêu cực. Chẳng hạn như bị điều chỉnh theo hướng giảm doanh thu, giảm lợi nhuận, giảm vốn chủ sở hữu, tăng chi phí, tăng nợ, tăng dự phòng…
Nhưng với Sacombank, theo kết quả trên báo cáo tài chính bán niên vừa được nhà băng này công bố, kết quả sau soát xét lại tích cực hơn rất nhiều.
Động lực quan trọng làm nên điều này, theo tìm hiểu, đến từ một cơ chế mang tính tháo gỡ từ cơ quan quản lý dành riêng cho Sacombank.
Theo đó, ngày 22 tháng 5 năm 2017, Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập của Sacombank và các kiến nghị của Ngân hàng tại Đề án tái cơ cấu về một số cơ chế và giải pháp để xử lý tài chính đối với các khoản lãi dự thu, trái phiếu đặc biệt VAMC, các khoản nợ xấu, các tài sản tồn động và các khoản đầu tư góp vốn mua cổ phần trong thời gian thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo Quyết định số 34/QĐ-NHNN.Tym và Công văn số 426/NHNN-TTGSNH.Tym.
Bản thân báo cáo soát xét báo cáo tài chính riêng giữa niên độ mà Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam gửi tới các cổ đông STB cũng xác nhận điều này. Đồng thời cho biết: “Cơ sở ghi nhận, đánh giá và trình bày các khoản mục nêu trên trong báo cáo tài chính riêng giữ niện độ này được Ngân hàng thực hiện theo các văn bản phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về Đề án tái cơ cấu và các kiến nghị của Ngân hàng tại Đề án tái cơ cấu và được trình bày tại các thuyết minh liên quan trong các báo cáo tài chính riêng giữa niên độ”.
Lợi nhuận tăng 64,3 tỷ đồng; Tổng tài sản giảm 129,2 tỷ đồng
Theo báo cáo giải trình được ký bởi Tổng Giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm, lợi nhuận sau thuế bán niên năm 2017 trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh riêng sau soát xét của Sacombank đã tăng 64,3 tỷ đồng, so với số liệu mà ngân hàng tự công bố trước đó trong BCTC riêng Quý II/2017. Cụ thể, đạt 358 tỷ đồng – tăng phi mã 11 lần so với cùng kỳ 2016.
Kết quả trên là tổng hợp của việc điều chỉnh 6 hạng mục doanh thu, chi phí có liên quan, gồm: (1) Thu nhập lãi thuần giảm 56 tỷ đồng, do phân bổ 50 tỷ đồng lãi dự thu theo đề án tái cơ cấu và thoái thu 6 tỷ đồng lãi do hạ nhóm đối với một số khoản vay của khách hàng; (2) Lãi mua bán chứng khoán đầu tư tăng 70,3 tỷ đồng do hoàn nhập dự phòng của các khoản đầu tư; (3) Điều chỉnh 5,6 tỷ đồng khoản lãi thuần từ hoạt động khác sang khoản thu nhập góp vốn mua cổ phần cho đúng tính chất tài khoản; (4) Chi phí hoạt động giảm 52,2 tỷ đồng chủ yếu do hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu; (5) Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 48,1 tỷ đồng do hoàn nhập dự phòng 1,9 tỷ đối với một số khoản cho vay và trích dự phòng 50 tỷ đối với khoản bán nợ cho VAMC theo đề án tái cơ cấu; (6) Điều chỉnh giảm 45,9 tỷ đồng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp do đã nộp trong năm 2016.
Bên cạnh việc điều chỉnh các hạng mục kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo sau soát xét cũng điều chỉnh hàng loạt hạng mục tài sản.
Trong đó, hai hạng mục tài sản bị điều chỉnh mạnh nhất là các khoản phải thu và các khoản lãi, phí phải thu.
Cụ thể, các khoản phải thu giảm 20.322,2 tỷ đồng, do: Phân loại lại 20.132,9 tỷ đồng sang lãi dự thu đối với khoản lãi chờ phân bổ theo đề án tái cơ cấu nhằm mục đích trình bày BCTC; Phân loại lại 46,5 tỷ đồng sang lãi dự thu các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; Điều chỉnh giảm 37,7 tỷ đồng khoản tạm ứng nộp ngân sahcs tương ứng với điều chỉnh khoản thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp; Tăng 4,8 tỷ đồng do phân loại lại từ từ khoản lỗ bán tài sản cấn trừ nợ; Tất toán 109,9 tỷ đồng khoản tạm ứng quỹ khen thưởng, phúc lợi năm 2015, 2016 theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông năm 2016.
Trong khi, các khoản lãi, phí phải thu tăng 20.123,4 tỷ đồng, do: Phân loại lại 20.132,9 tỷ đồng sang lãi dự thu đối với khoản lãi chờ phân bổ theo đề án tái cơ cấu nhằm mục đích trình bày BCTC; Phân loại lại 46,5 tỷ đồng sang lãi dự thu các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; Thoái thu 6 tỷ đồng lãi do hạ nhóm đối với một số khoản vay của khách hàng; Phân bổ 50 tỷ đồng lãi dự thu theo đề án tái cơ cấu.
Ngoài ra, nhiều hạng mục tài sản khác cũng bị điều chỉnh, nhưng với quy mô hạn chế hơn nhiều. Chẳng hạn như tài sản có khác giảm 4,8 tỷ đồng do phân loại lại đối với khoản lỗ từ bán tài sản nợ cấn trừ; Hoàn nhập 14 tỷ đồng dự phòng rủi ro cho các tài sản có khác; Dự phòng rủi ro cho vay khác hàng giảm 20,9 tỷ đồng do hoàn nhập dự phòng chung,….
Tổng hợp các điều chỉnh trên làm cho tổng tài sản trên Bảng Cân đối kế toán riêng (bán niên 2017) sau soát xét giảm 129,2 tỷ đồng. Cụ thể, đạt 352.553 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm.
Một số di sản của SouthernBank tại Sacombank
Theo BCTC bán niên sau soát xét, tính đến 30/06/2017, tổng giá trị phải thu bên ngoài của riêng ngân hàng Sacombank là 13.989 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là các khoản phải thu có nguồn gốc từ Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank; Mã: PNB).
Có thể kể đến như 6.930 tỷ đồng tài sản nhận cấn trừ nợ. Các tài sản nhận cấn trừ nợ này đang trong giai đoạn hoàn tất việc chuyển quyền sở hữu hoặc đang trong kế hoạch xử lý để thu hồi nợ, trong đó bao gồm 5.818 tỷ đồng là các tài sản cấn trừ nợ tiếp nhận từ PNB.
Bao gồm trong các tài sản nhận cấn trừ nợ là các khoản lỗ liên quan đến việc xử lý các tài sản này với giá trị là 46 tỷ đồng.
Theo Đề án tái cơ cấu được NHNN phê duyệt, Ngân hàng được phép phân bổ dần khoản lỗ này vào chi phí hoạt động kinh doanh của ngân hàng theo năng lực tài chính trong thời hạn tối đa 5 năm kể từ thời điểm bán.
Các khoản phải thu từ các hợp đồng mua và cam kết bán lại chứng khoán cũng là một hạng mục đáng kể trong các khoản phải thu từ bên ngoài của Sacombank, với giá trị 4.512 tỷ đồng. Các khoản phải thu này liên quan đến các hợp đồng mua và cam kết bán lại chứng khoán được Sacombank tiếp nhận từ việc sáp nhập Southern Bank, được đảm bảo bằng cổ phiếu và bất động sản. Bao gồm trong các khoản phải thu này là 3.579 tỷ đồng được Sacombank trích lập dự phòng theo năng lực tài chính trong thời gian thực hiện Đề án tái cơ cấu.
Nợ xấu ở Sacombank hiện ra sao?
Tính đến 30/06/2017, tổng cho vay khách hàng của Sacombank là 212.538 tỷ đồng, tăng 10,07% so với đầu năm.
Trong đó, nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) là 191.909 tỷ đồng; Nợ cần chú ý (nhóm 2) là 4.720 tỷ đồng; Nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) là 785 tỷ đồng; Nợ nghi ngờ (nhóm 4) là 3.843 tỷ đồng; Nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) là 11.280 tỷ đồng.
Theo đó, tổng nợ xấu cho vay khách hàng (nhóm 3 đến nhóm 5) của Sacombank tại thời điểm giữa năm 2017 là 15.909 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu là 7,49%.
Lưu ý, bao gồm trọng nợ đủ tiêu chuẩn của Sacombank tại ngày 30/6/2017 là một số khoản cho vay sẽ được xử lý theo các giải pháp nêu trong Đề án tái cơ cấu được NHNN Việt Nam phê duyệt với tổng dư nợ là 4.630 tỷ đồng.
Theo Sacombank, các khoản nợ cho vay của ngân hàng đang được trích lập dự phòng rủi ro tín dụng dựa trên năng lực tài chính trong thời gian thực hiện Đề án tái cơ cấu./.