Tân Chủ tịch HĐQT Sacombank nói gì về khoản nợ nghìn tỷ của ông Trầm Bê?

VietTimes -- Theo ông Dương Công Minh – Tân Chủ tịch HĐQT Sacombank, hiện ông Trầm Bê có 2 khoản nợ tại ngân hàng này với tổng giá trị khoảng 43.000 tỷ đồng, các tài sản đảm bảo cho 2 khoản nợ này đều có giá trị tương đương. Dự kiến, trong vòng 3 năm Sacombank sẽ thu hồi 2 khoản nợ xấu này.
Ông Dương Công Minh  - Ảnh cắt từ clip của VTV
Ông Dương Công Minh - Ảnh cắt từ clip của VTV

Trưa nay (2/8), trả lời trên VTV, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã cho biết thông tin về các khoản nợ của ông Trầm Bê  tại nhà băng này.

Theo ông Minh, ông Trầm Bê hiện tại đang có 2 khoản nợ tại Sacombank, một khoản nợ liên quan đến bất động sản có giá trị khoảng 33.000 tỷ đồng, một khoản nợ liên quan đến cổ phiếu có giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng, tất cả những khoản nợ này đều có tài sản đảm bảo tương ứng. Dự kiến, trong vòng 3 năm tới, Sacombank sẽ thu hồi được 2 khoản nợ xấu này.

Vị tân Chủ tịch của Sacobank cũng cho biết thêm, nợ xấu của Sacombank hiện tại khoảng 60.000 tỷ đồng. “Chúng tôi đã quyết liệt xử lý và phấn đấu đến cuối năm nay sẽ xử lý được khoảng 20.00 tỷ đồng”- Ông Minh nói.

Ông Minh cũng khẳng định sự việc ông Trầm Bê và ông Phạm Huy Khang bị bắt không ảnh hưởng tới hoạt động của nhà băng này, bởi ông Bê không còn vai trò quản trị, điều hành của Sacombank này từ tháng 2/2017. Đối với ông Khang, từ ngày 3/7, ông Khang cũng không còn là thành viên HĐQT cũng như Tổng Giám đốc của Sacombank.

Ông Dương Công Minh trả lời phỏng vấn trên VTV
Trước đó, như VietTimes đã đưa, Ngày 1.8, liên quan đến vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB), nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Trầm Bê (58 tuổi), nguyên là Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank, ông Phan Huy Khang (nguyên là thành viên hội đồng tín dụng, nguyên Tổng giám đốc Sacombank), cùng về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Nghi can Trầm Bê (nguyên quán Trung Quốc, nơi hộ khẩu đăng ký thường trú Q.1, TP.HCM) có trình độ cử nhân quản lý doanh nghiệp.

Năm 2004, ông Trầm Bê từng giữ chức vụ Phó chủ tịch Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southernbank). Năm 2012, ông Trầm Bê cùng con trai là ông Trầm Khải Hòa đã bất ngờ rút khỏi ban lãnh đạo của Ngân hàng Phương Nam để tham gia vào HĐQT của Sacombank. Ngày 1.10.2015, Southernbank và Sacombank đã hoàn thành các thủ tục sáp nhập theo quy định pháp luật.

Ngày 24.2.2017, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank.

Ông Trầm Bê và người có liên quan có trách nhiệm tiếp tục xử lý các tồn tại tại Sacombank theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo thông tin ban đầu, Trầm Bê đã tiếp tay cho Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc gửi tiền sang Sacombank bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 công ty do ông Danh thành lập trên hồ sơ vay vốn tại Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỉ đồng.

Theo hồ sơ, ông Phạm Công Danh và đồng phạm đã thông đồng lấy tiền của VNCB gửi qua Sacombank làm tài sản bảo lãnh, nhằm mục đích trả nợ thay cho 6 công ty do ông Danh thành lập và điều hành đứng tên trên hồ sơ vay vốn Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỉ đồng.

Cụ thể, tháng 4.2013, ông Danh và Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB), Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc VNCB - chi nhánh Sài Gòn), Nguyễn Quốc Viễn (nguyên Trưởng ban Kiểm soát VNCB), đến chi nhánh Sacombank ở Q.3 liên hệ vay tiền. Ông Danh gặp ông Trầm Bê đề nghị ông Bê cho ông Danh vay tiền. Ông Bê đồng ý cho ông Danh vay 1.800 tỉ đồng, tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại Sacombank.

Sau đó, ông Bê dẫn ông Danh gặp Phan Huy Khang triển khai làm thủ tục cho ông Danh vay tiền. Từ đó, Giám đốc Sacombank chi nhánh Q.8 và chi nhánh Hưng Đạo tiếp nhận hồ sơ của 6 công ty sân sau của ông Danh vay số tiền trên.

Để vay được khoản tiền này, ông Danh chỉ đạo Khương và cấp dưới lập báo cáo tài chính năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 khống để nộp cho Sacombank. Ngày 26.4.2013, 1.800 tỉ đồng được chuyển vào tài khoản của ông Danh. Có được tiền, ngày 27.4.2013 ông Danh chuyển 1.700 tỉ đồng trả khoản nợ trước đó cho BIDV. Số tiền còn lại, ông Danh giữ trong tài khoản cá nhân của mình./.