|
Con đến trên đời là niềm hạnh phúc to lớn nhất (Ảnh do mẹ của các bé cung cấp) |
Thư gửi con tương lai
“Gởi những đứa con của mẹ! Đến bao giờ con mới đến bên ba mẹ? Ba con sắp không chờ được con rồi. Mẹ hứa nếu con chịu đến bên mẹ, mẹ sẽ yêu thương con. Mẹ cố gắng tỏ ra không áp lực, không buồn bã để có thể có được con, nhưng có vẻ như ba con không hiểu điều đó. Ba con cứ nói sao thấy mẹ thờ ơ? Con có biết không, mẹ cố gắng hết sức để có thể có được con sớm nhất có thể! Mẹ đọc được tâm trạng của các mẹ khác, nên mẹ biết nỗi đau của mẹ chưa là gì so với các cô ấy, nhưng mẹ cũng mệt mỏi rồi con à”.
“Mẹ sợ những ngày phải thông báo với ba con là tháng đó mẹ lại… tạch. Mẹ sợ phải nhìn sắc mặt của ba con lúc đó”.
“Con à, tất cả mọi người đang chờ con và cần con. Con hãy xuất hiện để cứu lấy cuộc đời của mẹ và hôn nhân của ba mẹ! Hãy đến bên mẹ con nhé!” – Rất nhiều người mẹ trẻ khác đã rớt nước mắt khi đọc những dòng thư gửi con tương lai của một bà mẹ trẻ (xin được giấu tên).
|
Bao giờ con đến bên mẹ, cất tiếng khóc chào đời khiến tim mẹ rộn ràng?
|
Sáu năm – mười năm – mười lăm năm
“Mình lập gia đình gần 6 năm rồi, càng gần đến Tết càng chán. Năm vừa rồi định làm IVF thì có bầu tự nhiên, nhưng cuối cùng lại sảy. Buồn không để đâu hết. Năm sau, nếu không được nữa thì buộc phải quyết định IVF thôi, thèm cái cảm giác được gọi mẹ quá chừng…”
“Mình năm nay 35 tuổi, kết hôn 10 năm rồi chưa có con. Đã làm IVF 2 lần chưa thành công. Lần này sau một thời gian điều trị lạc nội mạc tử cung, bác sĩ cho mình cấy 3 phôi ngày 3. Kết quả xét nghiệm máu sau 15 ngày cấy phôi của mình như thế này có ổn ko ạ. Chỉ số cao có vấn đề gì không? Cần lắm lời khuyên của các mẹ về chế độ ăn uống nghỉ ngơi. Mong con hơn tất cả mọi thứ các mẹ ạ!”
Không chỉ là những cặp đôi lập gia đình đã sáu năm, mười năm, mười lăm năm vẫn chưa sinh con mới trở nên áp lực và lo lắng như vậy. Nhiều người mẹ còn rất trẻ, mới lập gia đình hai ba năm, không sử dụng bất cứ biện pháp kế hoạch hóa nào mà vẫn chưa thấy tin vui, đi khám chữa mới biết mình có vấn đề, cũng chất chứa nỗi niềm riêng.
|
Con là điều kỳ diệu nhất làm hồi sinh cuộc đời của mẹ!
|
Tiếng sét ngang tai
Không chỉ các mẹ, mà các ba cũng rầu rĩ, chán nản, khi đã cố gắng hết lòng đồng hành với vợ trên con đường “tìm con”. Nghe ai nói món gì bổ dưỡng cũng chịu khó chạy đi mua về bồi bổ cho vợ. Bác sĩ bảo không nên rượu bia cũng bỏ hết thói quen xấu, lo chăm chút cuộc sống vợ chồng, sống lành mạnh, nâng cao sức khỏe. Vậy mà mong chờ mãi con mãi vẫn chưa về!
“Buồn quá các mom ạ! Hôm nay nghe thông báo của bác sĩ mà như tiếng sét ngang tai, buồn không muốn làm gì nữa. Nhà mình IVF sàng lọc, sau khi nuôi lên ngày 5 được 6 phôi (2 trai và 4 gái). Nhưng ác một cái là 5/6 phôi bị bất thường về cấu trúc nhiễm sắc thể. Có đúng 1 phôi bình thường là gái. Bác sĩ mới tư vấn thử cp số 2 (lệch bội NST: -2 và -5). Nhưng rủi ro là ko giữ được thai và con sinh ra về sau có nguy cơ không bình thường. Hai vợ chồng buồn quá, giờ chẳng biết quyết định thế nào nữa” – Tâm sự nhói lòng của một ông bố cũng khiến những người đồng cảnh ngộ bủn rủn.
“Mình thắc mắc là nhà mình đã có một bé gái tự nhiên hoàn toàn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, thông minh. Thế mà sao làm VIF kết quả lại thế này. Buồn lắm. Mình định nghỉ vài tháng rồi đi làm VIF chỗ khác nhưng sợ kết quả về nhiễm sắc thể lại bị thế này thì chết mất” – Một người mẹ trẻ khác không may bị vô sinh thứ phát, sau khi sinh con đầu lòng hoàn toàn bình thường nhưng lại rất khó có thể có được đứa con thứ hai trải lòng.
|
“Thành quả sau 3 năm chờ đợi mong mỏi chạy chữa và làm thụ tinh trong ống nghiệm hai lần thất bại” – Một người mẹ trẻ khoe hình em bé hơn 3 tháng tuổi, kèm theo lời chúc các mẹ khác sớm có tin vui.
|
Tha thiết xin được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ
Lấy nhau được ba năm, hai vợ chồng anh T và chị D cư trú ở một tỉnh miền Tây Nam Bộ vẫn chưa có con, dù không hề thực hiện bất cứ biện pháp kế hoạch nào. Đi khám ở BV Từ Dũ, hai vợ chồng nghe như sét đánh ngang tai khi biết chị D không có tử cung. Đây là “lỗi” hiếm gặp, xảy ra với tỷ lệ rất thấp với phụ nữ. Anh chị hoang mang không hiểu tại sao ông trời lại thử thách mình như vậy.
Được các bác sĩ ở BV Từ Dũ tư vấn, anh chị đã viết lá đơn đẫm nước mắt, xin phép được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Những nét chữ trên giấy vở học trò run run, ghi lại tự sự nhói lòng của cặp vợ chồng trẻ.
“Ngày 24/7/2018, vợ chồng tôi đến khám tại Khoa Hiếm muộn, BV Từ Dũ và bác sĩ kết luận tôi không có tử cung bẩm sinh nên không có khả năng mang thai. Chúng tôi gần như tuyệt vọng, khi cả hai vợ chồng đều rất mong muốn có con. Sau đó, chúng tôi được bác sĩ tư vấn chương trình mang thai hộ. Cả hai vợ chồng đều phấn khởi, một tia hy vọng lóe lên trên đường đi “tìm con”...
|
Các BV lưu những lá thư xin thực hiện kỹ thuật mang thai hộ từ những cặp vợ chồng hiếm muộn như một phần của hồ sơ bệnh án. Người phụ nữ không có tử cung mong một ngày được đón đứa con ruột thịt buộc phải gửi nhờ thân thể người khác
|
Con đến trên đời là mẹ có tất cả!
M sống tại Tây Nguyên, vùng đất quê hương xanh tươi, đầy nắng và gió, không khí trong lành giao hòa giữa con người và thiên nhiên. Tình yêu đẹp và cũng rất nhiều thử thách của cô gái trẻ đã kết thúc bằng một đám cưới với người mình thương.
Nhưng không ai ngờ được rằng hành trình đi “tìm con” của người phụ nữ trẻ sau đó lại mệt mỏi và đầy chông gai đến thế. Ba lần thụ tinh nhân tạo ở BV Hùng Vương và BV Từ Dũ đều không thành công. Mà mỗi lần về TP.HCM chữa trị, M và chồng đều phải vay mượn khắp nơi.
“Cứ mỗi lần thất bại, là một lần em ngã quỵ xuống, hai chân không thể đứng lên bước đi nổi nữa. Em kiệt sức, tài chính thì kiệt quệ. Em không còn tia hy vọng nào. Em không biết phải níu vào đâu để sống tiếp!” – M trải lòng, nhớ lại quãng thời gian về TP.HCM điều trị.
Sau ba lần thất bại, giấu nỗi lòng vào sâu thẳm, M cương quyết ly hôn, động viên chồng đi lập gia đình mới, dù vẫn giữ tấm hình hai người chụp chung trong lần thất bại cuối cùng làm kỷ niệm.
Một lần, bước lên chuyến xe đi du lịch một mình cho khuây khỏa, bỗng có người hỏi thăm lý do vì sao cô độc vậy, M trải lòng nói thật chuyện đời, người phụ nữ đó bật khóc, kể chuyện đời của chị, cũng vừa ly hôn, mà không hề biết mình đã mang thai. Chị không nghĩ mình có thể nuôi nổi đứa con nhỏ một mình. Hơn nữa, chị vẫn đang bị đè nén bởi những xung đột chồng chất trong quá khứ với người chồng cũ.
M nghe qua như “bắt được vàng”, ngỏ lời xin nhận em bé và sẵn sàng đồng hành, cung cấp tài chính cho mẹ của bé dưỡng thai.
“Ngày đưa cô ấy đi sinh, cô ấy vào phòng đẻ thì mình ngồi ngoài cũng bật khóc. Nghĩ vừa thương cô ấy, vừa thương thân mình. Nhưng cuối cùng, thật may là ca sinh nở khá dễ dàng. Em bé chào đời khóc to ơi là to. Tiếng khóc khiến cả hai bà mẹ đều hạnh phúc!” – M nhớ lại.
M nuôi mẹ của bé thêm 1 tháng nữa để phục hồi sau sinh và cũng là quãng thời gian cho mẹ bé suy nghĩ kỹ rồi mới đón con về nhà. Giờ em bé đã được bốn tháng, con đã biết lẫy. Nhìn con bò lổm ngổm trên giường, cười tươi roi rói, M bảo: “Em vui rồi! Có con đến trên đời là có tất cả! Em chẳng cần gì hơn thế! Nó là con của em, ruột thịt thật sự theo tất cả mọi nghĩa!”