Thắp ngọn lửa hạnh phúc trong những ngôi nhà hiếm muộn:

Bài 2: Vui buồn chuyện “tìm con” cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn

VietTimes -- Tại Đơn vị hỗ trợ sinh sản - Khoa Phụ Sản, Bệnh viện Bạch Mai, có những cặp vợ chồng tin tưởng bác sĩ, kiên trì cho đến khi tìm thấy “thiên thần nhỏ”, sinh con khỏe mạnh. Song, cũng có không ít cặp vợ chồng khiến các bác sĩ dở khóc dở cười vì trốn biệt sau khi chắc chắn người vợ đã mang thai thành công…
PGS.TS. Phạm Bá Nha – Trưởng khoa Phụ Sản, Bệnh viện Bạch Mai khám cho các thai phụ tại Khoa.
PGS.TS. Phạm Bá Nha – Trưởng khoa Phụ Sản, Bệnh viện Bạch Mai khám cho các thai phụ tại Khoa.

Đơn vị hỗ trợ sinh sản của Khoa Phụ sản nằm ở một góc nhỏ tại Bệnh viện Bạch Mai. Mỗi ngày, có khoảng 20 bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn tìm về đây để mong có một đứa trẻ của riêng mình.

Dù “sinh sau đẻ muộn” hơn các trung tâm khác trên toàn quốc, song, Đơn vị lại đón nhận và điều trị thành công cho nhiều trường hợp bệnh nhân phức tạp: Có những bệnh nhân đã ngoài 40 tuổi, khả năng mang thai thấp, ít có tỷ lệ thành công; Cũng có những bệnh nhân đã thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm – IVF – nhiều lần không có kết quả, nhưng vẫn kiên trì mong muốn được làm cha, làm mẹ.

Đã có những câu chuyện khiến các bác sĩ tràn đầy hân hoan, cũng có những trường hợp khiến họ phải dở khóc, dở cười. PGS.TS. Phạm Bá Nha – Trưởng khoa Phụ Sản của bệnh viện đã tâm sự với VietTimes những câu chuyện này.

PGS.TS. Phạm Bá Nha trong buổi trò chuyện với VietTimes.
PGS.TS. Phạm Bá Nha trong buổi trò chuyện với VietTimes.

Dù phải bán nhà cũng nhất quyết sinh con

Trước khi tìm tới Bệnh viện Bạch Mai, Nguyễn T.T. (Hoàng Mai, Hà Nội) từng thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm 7 lần, chưa có lần nào thành công. Tới lần thứ 8, chị T. đậu thai nhưng bị thai lưu, phải hút nạo thai.

Thấy hoàn cảnh gia đình của chị T., thương cô gái trẻ vất vả đi khắp nơi để chữa trị vô sinh chỉ mong có một đứa con, bác sĩ Phạm Bá Nha tâm sự: “Chú thấy trường hợp của cháu khó khăn, tốn kém tiền của quá, hay thôi cháu đừng làm nữa”.

Nhưng, khao khát mong có con trong chị T. quá mãnh liệt khiến chị chấp nhận tốn kém. Chị T. chỉ bảo: “Cháu đã thực hiện IVF 7 lần rồi, tới lần thứ 8 cháu mới có thai. Chú cứ cho cháu cố một lần nữa thôi”.

Một cặp vợ chồng thực hiện thụ tinh nhân tạo thành công tại Bệnh viện Bạch Mai.
Một cặp vợ chồng thực hiện thụ tinh nhân tạo thành công tại Bệnh viện Bạch Mai.

Sự kiên trì của cô gái trẻ đã khiến cho người bác sĩ dày dạn kinh nghiệm cảm động. Cuối cùng, chị T. cũng mang thai, sinh được một đứa con trai khỏe mạnh. Có con rồi, chị T. mới tâm sự, hai vợ chồng đã bán căn nhà của bố mẹ cho làm của hồi môn để chữa bệnh tìm con.

“Lúc biết tin có con, vợ chồng T. vui sướng lắm. Họ chỉ cần con, của cải hao tốn có thể làm lại được” - bác sĩ Phạm Bá Nha vui vẻ nói.

Lúc này, niềm vui không chỉ đến với gia đình T, mà còn lan tỏa tới các bác sĩ tại Đơn vị hỗ trợ sinh sản, trở thành kỷ niệm khó quên trong hành trình đồng hành cùng với các bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn của họ.

Không chỉ gia đình chị T, mỗi năm có khoảng 100 cặp vợ chồng được bác sĩ Phạm Bá Nha cùng các đồng nghiệp tại Đơn vị hỗ trợ sinh sản thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm thành công, làm tròn thiên chức của mình.

Trốn bác sĩ khi có thai thành công

Bên cạnh những cặp vợ chồng quyết tâm có con và sẵn sàng tin tưởng các bác sĩ tới giây phút cuối cùng, cũng có những gia đình đột ngột cắt đứt liên lạc với bệnh viện sau khi mang thai thành công.

“Thông thường, chúng tôi sẽ gọi điện cho bệnh nhân để kiểm tra việc theo dõi thai và tình trạng thai nghén của họ. Tuy nhiên, một số bệnh nhân vừa có thai là đổi số điện thoại, có những trường hợp thấy thai ổn rồi thì bỏ theo dõi, bỏ số điện thoại, không tiếp bác sĩ nữa” – bác sĩ Phạm Bá Nha nói.

Bác sĩ Phạm Bá Nha khám, tư vấn cho các cặp vợ chồng hiếm muộn
Bác sĩ Phạm Bá Nha khám, tư vấn cho các cặp vợ chồng hiếm muộn

Lý giải cho tình trạng này, bác sĩ Phạm Bá Nha chia sẻ: “Quan niệm của một số gia đình về việc thụ tinh nhân tạo vẫn còn rất nặng nề khiến không ít cặp vợ chồng nói dối là có thai, sinh con tự nhiên sau khi thực hiện hỗ trợ sinh sản. Hiện nay ở nước ta đã có nhiều trung tâm hỗ trợ sinh sản trên toàn quốc, các cặp vợ chồng hiếm muộn có thể lựa chọn một cơ sở gần nhà để chăm sóc thai dễ dàng hơn, tránh phải đi lại vất vả”.

Song, các cặp vợ chồng thụ tinh nhân tạo “trốn bác sĩ” có thể sẽ gặp phải những nguy cơ sức khỏe, ví dụ sảy thai, thai lưu. Vì vậy, các cặp vợ chồng thụ tinh nhân tạo có thai thành công cần theo dõi sát sao trong 3 tháng đầu của thai kỳ để phòng ngừa các nguy cơ này.

Bên cạnh đó, cơ thể người mẹ tiếp tục cần được theo dõi, chăm sóc y tế cũng như dinh dưỡng, vận động phù hợp để quá trình mang thai thuận lợi nhất.

“Vì sao người mẹ thực hiện IVF phải dùng thuốc? Bởi vì trong IVF việc hỗ trợ nội tiết cho giai đoạn đầu thai nghén rất quan trọng. Đặc biệt, các trường hợp người phụ nữ phải sử dụng phôi đông lạnh để có thai thì việc điều chỉnh nội tiết cho người phụ nữ càng cần thiết và nghiêm ngặt hơn, cho đến khi thai tự sản xuất ra được nội tiết thì các bác sĩ mới ngừng can thiệp thuốc - Bác sĩ Phạm Bá Nha nói.

Tuy nhiên, các cặp vợ chồng vừa có thai chưa ổn định đã bỏ theo dõi, khiến cho quá trình chăm sóc thai không liền mạch. Khi ấy, các bác sĩ chưa kịp vui mừng vì người mẹ đã tìm được con sau nhiều năm vất vả chữa bệnh, thì tiếp tục phải lo lắng về những nguy cơ có thể xảy đến với cả mẹ và con.

“Đây là điều cần cảnh báo cho các thai phụ. Cần theo dõi khi thai ổn định các bác sĩ sẽ chuyển theo dõi theo tuyến tại các cơ sở y tế gần nhà” – Bác sĩ Phạm Bá Nha nói.