Tỉ lệ vô sinh gia tăng
Theo PGS.TS. Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, vô sinh đang là một gánh nặng của ngành y tế Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu do Bệnh viện (BV) Phụ sản Trung ương và Đại học Y Hà Nội thực hiện trên 14.300 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) ở 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng ở nước ta cũng chỉ ra tỉ lệ vô sinh là 7,7%. Trong đó, vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%. Có những vùng, tỷ lệ vô sinh còn cao hơn như Hà Nội 13%, Khánh Hòa gần 14%. Đây thực sự là những con số đáng báo động.
Mỗi ngày, tại BV Phụ sản Trung ương, BV Chuyên khoa Nam Học và Hiếm muộn Hà Nội, BV Bưu Điện vẫn có hàng trăm cặp vợ chồng tới tư vấn, điều trị hiếm muộn. Riêng Trung tâm Công nghệ phôi (Học viện Quân y) mỗi năm tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 10.000 lượt người vô sinh, đa số ở độ tuổi 25-32.
Vô sinh do đâu?
Theo các chuyên gia, vô sinh và hiếm muộn tăng cao là do nhiều yếu tố, trong đó có ô nhiễm môi trường, thức ăn chứa nhiều hóa chất độc hại, quan hệ tình dục thiếu an toàn dẫn tới nhiều phụ nữ bị viêm nhiễm đường sinh dục, nạo hút thai, sảy thai, có thai ngoài tử cung.
Chuyên viên phôi học thực hiện tìm trứng
|
Thống kê cho thấy, Việt Nam có tỷ lệ nạo phá thai cao trên thế giới với 32% phụ nữ từng nạo phá thai, tức khoảng 1 triệu ca/năm. Còn đối với nam giới, bất thường về tinh trùng chiếm tới 90% số ca vô sinh, cùng với đó là áp lực công việc, cuộc sống và nhất là ảnh hưởng của rượu bia, thuốc lá.
Tuổi nam giới cũng ảnh hưởng đến khả năng làm cho phụ nữ có thai, nhất là làm tăng nguy cơ bị biến chứng, cũng như tăng tần suất dị tật bẩm sinh và bất thường di truyền cho trẻ, vì chất lượng tinh trùng của nam giới giảm theo tuổi. Một số nghiên cứu đã chỉ ra tỉ lệ bệnh tự kỷ và tâm thần phân liệt ở trẻ cao hơn khi người cha ngoài 40 tuổi.
Cũng theo WHO, đàn ông và đàn bà hút thuốc lá nguy cơ vô sinh cao gấp hai lần người không hút thuốc. Phụ nữ hút thuốc lá cần liều hormone glycoprotein cao hơn để kích thích buồng trứng; tỉ lệ làm tổ thấp hơn và thất bại thụ tinh nhiều hơn, chưa kể còn tăng khả năng sẩy thai.
Vợ chồng chị Đinh Thị Hường có con khi chị đã ngoài 50 tuổi
|
Uống rượu cũng làm giảm khả năng sinh sản của phụ nữ và nam giới. Ngoài ra, việc nam giới mặc quần lót chật, tinh hoàn tiếp xúc với nhiệt độ quá nhiều, các chấn thương khi chơi thể thao… có thể gây hiếm muộn, vô sinh. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục đều có thể gây nên vô sinh, hiếm muộn ở cả nam và nữ giới.
Kém hiểu biết về nguy cơ vô sinh
Vấn đề rất đáng lưu tâm là tỉ lệ vô sinh cao nhưng nhiều cặp vợ chồng chưa biết các yếu tố nguy cơ của căn bệnh này. Một khảo sát ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã chỉ ra lỗ hổng kiến thức sinh sản của phụ nữ. Điều này dẫn đến nhiều cặp vợ chồng trì hoãn việc điều trị, do không biết tuổi tác là yếu tố quyết định cơ hội thành công.
Theo WHO, các cặp vợ chồng ở độ tuổi 35 tuổi đang cố gắng có con trong ít nhất 1 năm, hoặc trên 35 tuổi đã cố gắng có con trong 6 tháng, thì rất có thể, đã gặp vấn đề về hiếm muộn. Thế nhưng, ở Việt Nam, khám sức khỏe tiền hôn nhân để tầm soát hiếm muộn, vô sinh vẫn là điều xa lạ với nhiều cặp vợ chồng.
Vì thế, có tới 72% phụ nữ không hề nghi ngờ về khả năng làm mẹ dù sau 6 tháng cố gắng thụ thai không được, 83% phụ nữ không nghĩ rằng chồng có khả năng vô sinh, 56% phụ nữ không biết đàn ông có thể vô sinh dù vẫn sản xuất được tinh trùng, 60% không biết phụ nữ không có kinh nguyệt sẽ không còn khả năng sinh con. Con số 50% cặp vợ chồng vô sinh ở độ tuổi dưới 30, tức là tình trạng các cặp vợ chồng sinh hoạt tình dục đều đặn, không sử dụng biện pháp tránh thai nhưng không có thai trong vòng 12 tháng, nhưng không mảy may nghĩ đến bị vô sinh.
Không nhiều cặp đôi biết rằng tỷ lệ vô sinh giữa nam và nữ là ngang nhau, nên nếu không sinh con được là đều cho nguyên nhân ở phụ nữ, khiến việc điều trị khó khăn hơn. Vì thế, việc các cặp vợ chồng có kiến thức về vấn đề sinh sản vô cùng quan trọng.
Anh Đỗ Đại Dương bị liệt hai chi kể lại niềm hạnh phúc có con khi tưởng chừng đã tuyệt vọng
|
Theo các chuyên gia, yếu tố quan trọng tác động đến khả năng có con là tuổi của người phụ nữ. Thế nhưng chỉ có 36% phụ nữ châu Á biết rằng phụ nữ độ tuổi 30 cơ hội có thai cao hơn phụ nữ ở độ tuổi 40 và phụ nữ đã ở tuổi 45 thì cơ hội càng ít hơn, thậm chí, tới trên 70% sẩy thai ngay cả khi đã thụ thai thành công.
WHO còn cho hay, việc thừa cân ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ, nhưng chỉ 30% phụ nữ biết rằng béo phì có thể làm giảm khả năng sinh sản.
Do hiểu biết chưa đúng của người dân về vấn đề hiếm muộn, nên những người bị vô sinh thường rơi vào tâm lý buồn chán, mất mát, sốc, dễ bị tổn thương, thậm chí cảm thấy mình tội lỗi, xấu hổ như phải chịu trách nhiệm về bệnh đó. Những biến động tâm lý này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống bản thân và gia đình, làm cho họ bị stress thường xuyên, thâm chí khiến cuộc sống hôn nhân thêm căng thẳng.
Quá trình nỗ lực có con thường rất khó khăn, nhưng không nhiều cặp vợ chồng vô sinh biết rằng, nếu được phát hiện càng sớm, thì việc chữa trị càng hiệu quả, khả năng có con là cao, mà chi phí điều trị lại giảm. Khó khăn trong việc thuyết phục bạn đời cùng đi khám để điều trị cũng là rào cản cho việc sinh con.
Hy vọng
Việc điều trị để mang lại thiên chức làm cha mẹ cho những người vô sinh không hề dễ dàng. Rất nhiều người mất tới 10-20 năm mới thực hiện được khao khát có con và cũng có người không bao giờ được làm mẹ.
Theo PGS.TS. Nguyễn Viết Tiến, tình trạng vô sinh và hiếm muộn đang là thách thức lớn với ngành sản khoa, nhưng những tiến bộ trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản đã tạo cơ hội cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn được có con.
Hiện cả nước đã có nhiều cơ sở y tế được Bộ Y tế cho phép điều trị hiếm muộn với hầu hết các kỹ thuật mới mà thế giới đang có. Đặc biệt, khả năng điều trị thành công hiếm muộn trong nước không hề thua kém các nước phát triển, với tỷ lệ thành công từ 35-40%, thậm chí nhiều BV còn đạt tỉ lệ 50%, chi phí điều trị lại rất thấp so với ở nhiều nước.