Thắp ngọn lửa hạnh phúc trong những ngôi nhà hiếm muộn:

Bài 4: Bệnh vô sinh hiếm muộn đang tăng nhanh ở Đà Nẵng

VietTimes -- Theo Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm, số lượt bệnh nhân vô sinh hiếm muộn đến khám tăng hơn 10%, số bệnh nhân điều trị ngoại trú tăng hơn 20% mỗi năm và con số vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Ca sinh bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng
Ca sinh bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng

Mỗi năm tăng 20% số ca hiếm muộn

 Cụ thể, theo thống kê của Khoa Hiếm muộn Bệnh viện (BV) Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, trong năm 2014 có 8.000 người thăm khám; năm 2016, BV tiếp nhận 16.251 lượt thăm khám với 862 bệnh nhân điều trị nội trú, thì năm sau, con số khám tăng thêm gần 3.000 người và số bệnh nhân điều trị ngoại trú lên 1.278 người. Gần nhất, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã đón nhận gần 11.000 bệnh nhân đến khám và con số bệnh nhân điều trị ngoại trú lên đến 702 người.

Theo các bác sĩ Khoa Hiếm muộn, nguyên nhân hiếm muộn chủ yếu là các bệnh lý như: tinh trùng yếu,  tắc vòi tử cung,  giảm dự trữ buồng trứng, rối loạn phóng noãn,…

“Tình trạng diễn biến bệnh vô sinh hiếm muộn đang diễn ra có chiều hướng gia tăng, năm sau nhiều hơn năm trước và diễn tiến phức tạp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiếm muộn do chế độ ăn uống, sử dụng bia rượu, môi trường ô nhiễm, stress, di truyền,… hay dùng thuốc”- BS CKII Nguyễn Thị Phương Lê - Trưởng Khoa Hiếm muộn, BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng - cho biết.

Để đáp ứng nhu cầu khám và điều trị của người dân Đà Nẵng và tại khu vực, thời gian qua, BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng đã áp dụng 18 kỹ thuật điều trị hiếm muộn mà hiện các BV chuyên khoa trong cả nước đã và đang áp dụng từ năm 2014 đến nay như: IVF cổ điển (thường), IVF – ICSI, IVF/xin trứng, IVF – ICSI với tinh trùng phẫu thuật, IVF – ICSI với trứng trữ lạnh, nuôi cấy phôi, trữ lạnh trứng, trữ lạnh phôi, chuyển phôi tươi, chuyển phôi trữ lạnh, hỗ trợ phôi thoát màng, trữ lạnh tinh trùng,… 

Riêng đối với kỹ thuật lọc rửa tinh trùng và bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), đã được BV thực hiện gần 20 năm nay (từ năm 2000). Trong đó, kỹ thuật được sử dụng nhiều nhất và có tỷ lệ thành công cao tương đương các trung tâm điều trị uy tín trong cả nước và thế giới gồm: Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI), nuôi cấy phôi, trữ lạnh phôi, chuyển phôi trữ lạnh…

GS.TS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản-vô sinh TP HCM và TS.Trần Đình Vinh-Giám đốc BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng trước ca sinh hiếm muộn được điều trị bằng thụ tinh trong ống nghiệm
GS.TS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản-vô sinh TP HCM và TS.Trần Đình Vinh-Giám đốc BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng trước ca sinh hiếm muộn được điều trị bằng thụ tinh trong ống nghiệm

“Các kỹ thuật như hỗ trợ phôi thoát màng là thao tác làm mỏng hoặc mở lớp màng ngoài của phôi, làm tăng khả năng bám dính của phôi vào niêm mạc tử cung, do đó làm tăng khả năng làm tổ của phôi; sử dụng keo sinh học trong chuyển phôi (Embryo glue) làm tăng khả năng bám của phôi lên nội mạc tử cung; sử dụng tủ cấy nhỏ nhiều ngăn (Benchtop) trong nuôi cấy phôi giúp nuôi cấy độc lập cho từng  bệnh nhân trong mỗi buồng cấy,sự phát triển phôi của bệnh nhân này sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển phôi của bệnh nhân khác; trữ lạnh phôi và chuyển phôi trữ lạnh,… được xem là bước đột phá tại BV đã được thực hiện từ năm 2014 và luôn duy trì, phát triển ổn định với tỷ lệ thành công đạt 55- 60%”- BS. Nguyễn Thị Phương Lê chia sẻ.

Làm chủ kỹ thuật và tỷ lệ điều trị thành công tăng từng năm

 Theo TS.Trần Đình Vinh - Giám đốc BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, Đơn vị hiếm muộn của BV được thành lập từ tháng 7/2000, tiền thân là Phòng Hiếm muộn-Khoa Phụ sản với chức năng triển khai tư vấn, thực hiện các kỹ thuật đơn giản cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Sau thời gian dài chuẩn bị, với sự hỗ trợ tích cực của Khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ (TP HCM) và GS.TS Nguyễn Thị Ngọc Phượng-Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản-vô sinh TP HCM, năm 2004, đội ngũ y bác sỹ BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng đã triển khai chương trình thụ tinh trong ống nghiệm vệ tinh, bước đầu công nghệ chẩn đoán, sàng lọc và kích thích buồng trứng ở bệnh nhân được BV Từ Dũ chuyển giao, triển khai.

Đến năm 2013, Đơn vị hiếm muộn của BV được đầu tư, nâng cấp thành Trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm đạt chuẩn. Tháng 3/2014, Đơn vị hiếm muộn của BV đã thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên.

“Việc 3 em bé ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm vào ngày 25/12/2014 được xem là dấu mốc quan trọng của BV, minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ y bác sỹ BV nói chung và của Đơn vị hiếm muộn nói riêng. Sự kiện không chỉ đánh dấu sự phát triển vượt bậc của BV trong việc làm chủ kỹ thuật điều trị hiếm muộn, mà còn là động lực của tất cả đội ngũ y bác sĩ trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân”- TS.Trần Đình Vinh chia sẻ,

GS.TS Nguyễn Thị Ngọc Phượng và TS.Trần Đình Vinh trực tiếp thực hiện ca sinh cho 1 trong 3 bé đầu tiên sinh bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại BVện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng
GS.TS Nguyễn Thị Ngọc Phượng và TS.Trần Đình Vinh trực tiếp thực hiện ca sinh cho 1 trong 3 bé đầu tiên sinh bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại BVện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng 

Không dừng lại ở đó, 18 tháng sau, 120 em bé ra đời từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, một lần nữa khẳng định trình độ của đội ngũ y bác sĩ BV. Sau 4 năm kể từ sự kiện 3 em bé đầu tiên đã đời từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng đã đón nhận 500 em bé ra đời và tính đến tháng 6/2019 đã có gần 700 em bé ra đời từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại BV.

“Trong thời gian tới, BV sẽ tiếp tục triển khai một số kỹ thuật mới trong điều trị hiếm muộn mà các nước trên thế giới đang áp dụng như: Nuôi phôi ngày 5 sẽ giúp chọn lọc phôi tốt hơn, giảm số lượng phôi chuyển, tăng tỷ lệ có thai, giảm tỷ lệ đa thai; Sử dụng hệ thống quan sát phôi động (Timelapse), dùng camera ghi hình liên tục trong suốt thời gian nuôi cấy phôi nhằm quan sát, đánh giá và tiên lượng  chất lượng phôi, từ đó dễ dàng trong việc lựa chọn phôi có khả năng làm tổ cao nhất. qua đó giảm số lượng phôi chuyển và tăng tỷ lệ có thai; Sinh thiết phôi chẩn đoán cho những cặp vợ chồng có bất thường  về di truyền, giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn có được những đứa con khỏe mạnh”- BS. Nguyễn Thị Phương Lê cho biết.

Những nỗ lực của BV đã được Bộ Y tế công nhận, thẩm định và ngày 20/7 vừa qua, BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng trở thành BV đầu tiên trong cả nước được được Bộ Y tế thẩm định lại và cấp giấy chứng nhận công nhận đủ điều kiện tiếp tục thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

“Điều này cho thấy BV đã nghiêm túc thực hiện các quy trình chuyên môn kỹ thuật, tuân thủ các quy định pháp luật và đã ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất và phát triển khoa học kỹ thuật trong điều trị vô sinh hiếm muộn cho người dân”- TS.Trần Đình Vinh chia sẻ.

Đúng 10h17 phút sáng 25/12/2014, BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng đã đón em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm do chính đội ngũ y bác sĩ BV thực hiện. Cũng trong sáng cùng ngày, 2 cháu bé khác cũng được ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong phát triển của ngành y tế Đà Nẵng, mang lại cơ hội mới cho các cặp vợ chồng hiếm muộn tại Đà Nẵng cũng như tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Một trong những trường hợp đầu tiên đó là bé trai Thiên Phúc, con của vợ chồng chị Ph.Th.Tr (SN 1981, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) và anh Đ.V.H (SN 1979). Cưới nhau hơn 5 năm và nhiều lần điều trị hiếm muộn nhưng thất bại. Cuối cùng, niềm vui hạnh phúc cũng đã đến với cặp vợ chồng này khi chào đón đứa con đầu lòng bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Hạnh phúc, hai vợ chồng đã đặt tên cháu là Thiên Phúc với ý nghĩa phúc phận trời cho, mang đến cho đôi vợ chồng hiếm muộn này.