Ung thư không phải là “ án tử”:

Bài 7: Liệu pháp mới biến khối u thành “nhà máy” sản xuất vaccine chống ung thư

VietTimes -- Các nhà nghiên cứu tại Mount Sinai, New York (Mỹ) mới đây công bố họ đã phát triển được một hướng tiếp cận mới trong điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch, trong đó tiêm các chất kích thích miễn dịch trực tiếp vào một khối u (gọi là in-situ), để “dạy” cho hệ miễn dịch cách tiêu diệt khối u và các tế bào ung thư khác trong cơ thể.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Loại “vaccine in-situ” này hiệu quả tốt đối với các bệnh nhân mắc ung thư bạch huyết ở giai đoạn cao, đến mức nó hiện đang trong quá trình thử nghiệm đối với các bệnh nhân mắc ung thư ở vị trí đầu và cổ - theo một nghiên cứu khoa học được đăng tải trên Tạp chí Nature Medicine tháng 4 năm nay.

Liệu pháp này ban đầu sẽ tiêm một loạt các chất kích thích miễn dịch trực tiếp vào một khối u trong cơ thể người. Chất kích thích đầu tiên sẽ có nhiệm vụ “dạy” cho các tế bào miễn dịch quan trọng của cơ thể người – gọi là tế bào tua (Dendritic cell) – trở thành những “vị tướng” chỉ đạo đội quân miễn dịch.

Chất kích thích thứ hai sẽ kích hoạt các tế bào tua và các tế bào tua này sau đó chỉ đạo các tế bào T (T-cell) – các chiến binh trong hệ miễn dịch – tiêu diệt tế bào ung thư trong khi không đụng chạm tới các tế bào bình thường.

Đội quân miễn dịch này sẽ học cách nhận ra các đặc điểm của tế bào ung thư, để có thể truy lùng và tiêu diệt chúng trong khắp cơ thể. Nói tóm tại, liệu pháp này đã biến chính khối u thành một nhà máy sản xuất vaccine chống ung thư.

“Loại vaccine in-situ này còn có thể ứng dụng cho nhiều loại ung thư khác nhau” – ông Joshua Brody, tác giả chính của bản nghiên cứu và là Giám đốc Chương trình Liệu pháp miễn dịch ung thư bạch huyết tại Viện Ung thư Tisch, ĐH Y Icahn, Mount Sinai, cho hay – “Phương pháp này cũng có thể làm tăng tỷ lệ thành công của các liệu pháp miễn dịch khác như liệu pháp “phong tỏa điểm kiểm soát” (Checkpoint blockade)”.

Sau khi thử nghiệm loại vaccine chống ung thư bạch huyết trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm trên 11 bệnh nhân ung thư trong cuộc thử nghiệm lâm sàng. Kết quả cho thấy một số bệnh nhân phát triển khả năng miễn dịch hoàn toàn từ nhiều tháng cho tới nhiều năm.

Trong các cuộc thử nghiệm trên chuột ở phòng thí nghiệm, loại vaccine này đã làm tăng rất cao tỷ lệ thành công của liệu pháp “phong tỏa điểm kiểm soát” – loại liệu pháp chống ung thư cũng từng cứu sống cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter khỏi căn bệnh ung thư và là tâm điểm của giải Nobel Y học năm 2018.

Một cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với các bệnh nhân mắc ung thư đầu-cổ, ung thư vú và ung thư bạch huyết đã bắt đầu từ tháng 3 năm nay, để cân nhắc tính hiệu quả khi sử dụng loại vaccine trên với các loại thuốc “phong tỏa điểm kiểm soát”.

Điều này là do, liệu pháp miễn nhiễm kết hợp thường mang tới hiệu quả cao gấp 3 lần so với chỉ dùng riêng 1 trong 2 liệu pháp kể trên. Các nhà nghiên cứu đều tỏ ra cực kỳ lạc quan về hiệu quả mà họ sắp thu được khi kết hợp 2 liệu pháp này trong cuộc thử nghiệm lâm sàng mới.

Đươc biết, vaccine “in si-tu” này cũng đang được thử nghiệm đối với ung thư gan và ung thư buồng trứng trong phòng thí nghiệm.