|
Một cặp vợ chồng đi khám tại Khoa Hiếm muộn (BV Hùng Vương) |
Bệnh lý phụ khoa dẫn đến vô sinh hiếm muộn
Mỗi năm, Bệnh viện (BV) Từ Dũ tiếp nhận hơn 50 nghìn lượt khám vô sinh hiếm muộn. Và tại BV Hùng Vương, mỗi năm có hơn 30 nghìn lượt khám vô sinh hiếm muộn. Trong đó, số chu kỳ thực hiện bơm tinh trùng và thụ tinh trong ống nghiệm lên đến gần 10 nghìn chu kỳ.
Chia sẻ về nguyên nhân, TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc BV Hùng Vương - cho biết nghiên cứu của Bộ Y tế và một số nghiên cứu khác về vô sinh hiếm muộn cho thấy có khoảng 30% nguyên nhân từ phía người chồng, 30% nguyên nhân từ phía người vợ, 30% nguyên nhân từ cả hai vợ chồng và 10% còn lại các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải.
Ở nữ giới, các nguyên nhân thường gặp nhất là các vấn đề liên quan đến ống dẫn trứng như tắt ống dẫn trứng, nghẽn ống dẫn trứng, ứ dịch tai dồi,…
Ngoài ra, các bệnh lý u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, đa nang buồng trứng… cũng là những nguyên nhân gây ra vô sinh hiếm muộn ở nữ giới.
|
Các bệnh lý phụ khoa dẫn là một trong những nguyên nhâm thầm lặng dẫn đến vô sinh hiếm muộn
|
Thống kê trong điều trị vô sinh hiếm muộn cho thấy một số ít nguyên nhân đến từ các bất thường ở đường sinh dục như không có âm đạo, không có tử cung – cổ tử cung, dính tử cung do viêm, cắt tử cung,…
Cùng chia sẻ về nguyên nhân gây ra vô sinh hiếm muộn ở nữ giới, TS.BS Trần Nhật Thăng – Trưởng Khoa Phụ sản (BV Đại học Y dược TP.HCM) cho biết: “Một trong những nguyên nhân gây ra vô sinh hiếm muộn ở nữ giới là vấn đề về viêm nhiễm phụ khoa không được cộng đồng quan tâm đúng mức”.
Theo bác sĩ Thăng, tại Việt Nam, từ vùng nông thôn đến các đô thị lớn, người dân chưa có ý thức kiểm tra các vấn đề về nhiễm trùng sinh dục, đặc biệt là chlamydia.
Đây là một trong những bệnh nhiễm trùng sinh dục gây ra dính tai vòi, ứ dịch tai vòi,… dẫn đến vô sinh hiếm muộn. Trong thời gian đầu, bệnh hầu như không xuất hiện các triệu chứng. Ở nữ giới, khi mắc Chlamydia, họ có thể bị ra huyết trắng nhiều hơn bình thường một ít nên rất khó phát hiện bằng các chẩn đoán thông thường.
|
Tại Việt Nam, từ vùng nông thôn đến các đô thị lớn, người dân chưa có ý thức kiểm tra các vấn đề về nhiễm trùng sinh dục
|
Nhiều năm qua, BV Đại học Y Dược TP. HCM tiếp nhận nhiều ca bệnh nhiễm trùng đường sinh dục nặng như áp xe tai vòi, áp xe phần phụ, viêm vùng chậu,… Các bệnh nhân này thường phải chấp nhận cắt bỏ tai vòi nên khó có khả năng mang thai tự nhiên, chỉ có thể thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
Thậm chí, trong nhiều trường hợp buồng trứng của bệnh nhân bị viêm nhiễm nặng, bác sĩ phải cắt cả 2 buồng trứng. Như vậy, khả năng sinh con rất khó, việc can thiệp thụ tinh trong ống nghiệm để có được em bé là cả một vấn đề lớn.
Nhận thức về sức khỏe sinh sản kém
Bên cạnh các yếu tố bệnh lý, tâm lý ngại đến BV khám phụ khoa cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến phụ nữ dễ bị viêm nhiễm, dẫn đến vô sinh hiếm muộn ở nữ giới. Tâm lý chung của nhiều người Việt là khi phát bệnh mới đến BV. Trong khi đó, phòng bệnh hơn chữa bệnh, việc đi khám sức khỏe định kỳ rất quan trọng thì e ngại.
“Điều gì đã khiến người dân sợ đi đến BV như vậy, đặc biệt là kiểm tra sức khỏe phụ khoa? Tôi cho rằng bên cạnh tâm lý ngại đi khám thì các BV chuyên khoa có quá đông người, bệnh nhân đến khám có cảm giác tự ti, mặc cảm,… thậm chí có người còn mang tâm lý sợ đến BV phụ sản vì sợ bị người khác nghĩ đi bỏ thai” – Bác sĩ Thăng chia sẻ.
|
Bệnh nhân đến khám tại một Bệnh viện phụ sản lớn trên địa bàn TP.HCM
|
Bác sĩ Thăng cho hay khi gặp phải các vấn đề ngứa ngáy, khó chịu vùng kín, bệnh nhân cũng ngại đi BV, dẫn đến tự mua thuốc đặt phụ khoa ở nhà. Bác sĩ khẳng định không có loại thuốc nào đặt nào chữa bá bệnh. Việc dùng thuốc được quảng cáo chữa bá bệnh thì nó có thể tiêu diệt toàn bộ lợi khuẩn, khiến chúng ta dễ bị nhiễm trùng tái đi tái lại.
Thậm chí, các lần nhiễm trùng sau này sẽ nặng hơn lần trước. Hậu quả là bệnh nhân bị viêm nhiễm nặng, dẫn đến các bệnh lý về phụ khoa, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và cuối cùng là vô sinh hiếm muộn.
Một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn là quan hệ tình dục sớm - ở lứa tuổi vị thành niên nhưng thiếu hiểu biết về kiến thức sinh sản.
Bác sĩ Lý Thái Lộc – Trưởng Khoa Hiếm muộn (BV Hùng Vương) cho hay: "Quan hệ tình dục sớm và thiếu kiến thức về sinh sản dẫn đến tình trạng không biết sử dụng các biện pháp tự bảo vệ mình khỏi các bệnh viêm nhiễm phụ khoa và mang thai ngoài ý muốn. Điều này lại là cơ hội để tỉ lệ nạo phá thai mỗi ngày một gia tăng. Thậm chí, nhiều người phụ nữ đã nạo phá thai nhiều lần, ảnh hưởng lớn đến chức năng sinh sản, dẫn đến mắc vô sinh hiếm muộn".
Trong nhiều năm trở lại đây, phụ nữ có xu hướng lập gia đình muộn. Đây cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, dẫn đến hiếm muộn.
Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Lê Thị Minh Châu - Trưởng Khoa Vô sinh hiếm muộn (BV Từ Dũ) - nhấn mạnh: "Các nghiên cứu cho thấy chỉ số dự trữ buồng trứng bắt đầu giảm sau tuổi 35. Càng lớn tuổi, khả năng dự trữ buồng trứng càng thấp, tác động lớn đến khả năng sinh sản, khiến người phụ nữ khó có thể thụ thai tự nhiên".
Sự tác động của ô nhiễm môi trường và lối sống “công nghiệp”
Theo bác sĩ Trần Nhật Thăng, ô nhiễm môi trường là một trong những tác nhân hàng đầu mà giới chuyên môn đang nghi ngờ là làm ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng sinh sản của cả 2 giới, dẫn đến vô sinh hiếm muộn. Đặc biệt, tại các đô thị lớn như Hồ Chí Minh và Hà Nội, ô nhiễm môi trường với nồng độ bụi mịn nguy hiểm trong không khí đã có thời điểm vượt ngưỡng cho phép.
|
Ô nhiễm môi trường là một trong những tác nhân hàng đầu mà giới chuyên môn đang nghi ngờ là làm ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng sinh sản của cả 2 giới
|
Bên cạnh đó, lối sống “công nghiệp” cũng là một trong những nguyên nhân "âm thầm" gây ra vô sinh hiếm muộn. "Hiện nay, chúng ta thường xuyên gặp phải áp lực, căng thẳng trong công việc, các mối quan hệ xã hội,... đặc biệt là cộng đồng tại các đô thị lớn.
Cùng với đó là người dân tại các đô thị đan tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, rượu bia, thuốc lá,... về lâu dài sẽ khiến sức khỏe sinh sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tất cả những yếu tố này khiến thực trạng vô sinh hiếm muộn gia tăng" - Bác sĩ Lý Thái Lộc nhận định.