|
BS.TS Nguyễn Hữu Thịnh – Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo BV ĐH Y Dược TP.HCM |
Để trả lời cho các câu hỏi được đặt ra trong cơn “sốc” ngầm âm ỉ bấy nay sau khi Nghị định 111/2017/NĐ-CP “Quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe” có hiệu lực từ hồi tháng 11-2017, dấy lên vấn đề tranh cãi giữa các Trường Đại học Y với các bệnh viện (BV) là cơ sở thực hành, khi cho phép các BV thu tiền thực hành của sinh viên, học viên; VietTimes đã có cuộc phỏng vấn BS.TS Nguyễn Hữu Thịnh – Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo BV ĐH Y Dược TP.HCM.
+ Xin bác sĩ cho biết, mỗi năm BV ĐH Y Dược TP.HCM đón bao nhiêu sinh viên thực tập? Đó có phải là một “gánh nặng” quá lớn đối với BV?
- Mỗi năm BV ĐH Y Dược TP.HCM đón 2000 lượt sinh viên thực tập, trong đó 1.800 là từ ĐH Y Dược TP.HCM, chỉ có 200 sinh viên từ các BV khác. Nếu tính theo ngày thì mỗi ngày BV đón khoảng 200-300 sinh viên.
Nhưng đừng nhìn vào con số để phán xét. Thường thì giữa BV với các trường ĐH Y đã có hợp đồng hợp tác và phải tùy vào từng hợp đồng. Chẳng hạn như sinh viên trường ĐH Y Dược TP.HCM thì đã được miễn phí thực tập tại BV ĐH Y Dược TP.HCM. Chỉ có 200 sinh viên tới từ các trường khác, cho nên chúng tôi cũng chưa bao giờ thấy đây là gánh nặng.
Tuy nhiên, nếu bỏ chuyện tài chính ra ngoài, thì trách nhiệm đào tạo nhân sự cho ngành là việc BV cần làm. Hơn nữa, chỉ có những BV được Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo của Bộ Y tế cấp chứng nhận đủ điều kiện để đào tạo thì mới được đào tạo và là cơ sở thực tập của sinh viên ngành Y.
+ Thưa bác sĩ, việc thu phí sinh viên thực tập có làm thương mại hóa quan hệ trong bệnh viện?
|
BS.TS Nguyễn Hữu Thịnh – Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo BV ĐH Y Dược TP.HCM
|
- Chúng tôi không biết có BV nào thu trực tiếp từ sinh viên hay không chứ tại BV Đại học Y Dược TP.HCM thì không.
Với các trường khác ngoài ĐH Y Dược TP.HCM, dù mỗi năm chỉ có 200-300 em sinh viên tới thực tập, nhưng BV vẫn phải gặp gỡ, ký kết hợp đồng hợp tác với từng trường.
Một khoản thu phí tượng trưng chỉ mấy chục ngàn đồng/một sinh viên thì cũng không thể gọi là thương mại hóa quan hệ trong bệnh viện.
Khoản thu từ sinh viên thực sự chỉ mang tính tượng trưng, không đủ để chi vào thực tế cho các bạn sinh viên tới thực tập tại các BV.
+ Đã không có ý nghĩa thì tại sao lại không miễn phí luôn khoản này cho sinh viên bởi vẫn còn nhiều em tới từ các vùng nghèo?
- Câu chuyện miễn phí hoàn toàn thì không đúng lắm với chính sách tự chủ tài chính. Toàn bộ cơ sở vật chất của BV Đại học Y Dược TP.HCM đều không nhận một đồng nào từ ngân sách, hoàn toàn là tự chủ. Cho nên không lạ nếu một số BV muốn được thu khoản tiền này.
+ Vậy còn sự ảnh hưởng của việc thu phí với quan hệ thầy trò, kết nối giữa sinh viên với giảng viên thì sao?
- Về mối quan hệ giữa thầy và trò, giảng viên với sinh viên, đúng là diễn ra điều gì ngoài xã hội thì đều xuất phát từ nền tảng con người của mỗi cá nhân và môi trường học đường.
Sinh viên ngành Y đến thực tập tại BV cũng có nguy cơ bị phơi nhiễm các mầm bệnh, nên đối với BV ĐH Y Dược TP.HCM thì các em cũng được đưa vào quy trình xử lý mầm bệnh như nhân viên chính thức của BV.
Phải thừa nhận là bản thân các bạn sinh viên và gia đình họ cũng có những áp lực khá lớn về chuyện này. Thậm chí đến mức ngày nay cũng chẳng nhiều gia đình muốn cho con theo học ngành Y.
Theo nghề Y, rủi ro, nguy cơ và đánh đổi quá nhiều, chất lượng cuộc sống quá tệ. Về vật chất thì làm sao so sánh với các ngành thương mại được. ĐH Y Dược suốt 25 năm nay không tăng số lượng sinh viên đầu vào, mỗi năm chỉ có từ 360 đến 380 sinh viên thi đỗ và theo học.
Thêm nữa, bất cứ vấn đề nào của ngành Y cũng rất phức tạp, bởi vì bản thân ngành nghề này liên quan đến sức khỏe con người. BV ĐH Y Dược TP.HCM luôn phải cố gắng giảm thiểu rủi ro cho các bạn sinh viên thực tập và cũng không ảnh hưởng đến sự hài lòng của người bệnh.
+ Có phải các sinh viên thực tập chỉ làm vướng chân bác sĩ trong BV?
- Không, sinh viên thực tập cũng giúp ích cho các bác sĩ trong quá trình phụ việc. Nhưng ở tâm thế của bệnh nhân, không ai vào BV lại muốn mình là đối tượng thực hành cho sinh viên khám. Họ làm sao có thể tin tưởng vào trình độ của sinh viên? Nhất là khi đang ốm nặng, đã đau đớn, lo lắng, lại cứ bị các sinh viên khám đi khám lại, họ sẽ rất bực bội.
Chuyện này cũng là đặc thù của ngành Y ở ta. Với các nước tiên tiến phương Tây, sinh viên ngành Y không được phép chạm vào thực tế như thế, mà chỉ thực hành trong phòng thí nghiệm, trên các mẫu. Họ buộc phải học xong, thậm chí ra trường rồi cũng phải có quá trình mới được bắt đầu hành nghề.
Như vậy, có thể nói, sinh viên ngành Y ở ta có điều kiện để thực hành và được hướng dẫn tốt hơn hẳn, điều đó cũng giúp ích cho quá trình đào tạo ra đội ngũ nhân sự giỏi nghề trong tương lai.
Với các trường ĐH khác, chỉ cần có thầy cô và giảng đường là thành trường, nhưng với trường ĐH Y thì không thể.
ĐH Y Dược TPHCM mỗi năm chỉ tuyển có vài trăm sinh viên nhưng có tới 1.500 bác sĩ và hầu hết giảng viên đều là các bác sĩ đang trực tiếp công tác tại các BV lớn.
|
Hầu hết giảng viên đều là các bác sĩ đang trực tiếp công tác tại các BV lớn
|
Ai bước vào ngành Y cũng biết là vinh quang ít mà cay đắng tủi nhục thì nhiều. Bản thân tôi hồi đi học bác sĩ nội trú cũng bị kim tiêm của bệnh nhân HIV đâm vào tay vài lần, cũng phải điều trị phơi nhiễm. Đứng mổ mấy chục năm sẽ bị thoái hóa cột sống cổ, cột sống lưng, giãn tĩnh mạch chân, rất nhiều bệnh nghề nghiệp khác tấn công.
Vì tính chất của nghề Y là lương y như từ mẫu nên quan niệm xã hội ta quá khắc nghiệt với ngành Y. Ngành Y đi làm từ thiện thì không sao nhưng chỉ cần tăng giá bất cứ dịch vụ nào là dư luận “dậy sóng”. Trách nhiệm đào tạo thì vẫn phải giữ nhưng tôi nghĩ, về vấn đề thu phí, nên để tùy từng BV cân nhắc./.
>> Thu tiền phí sinh viên thực tập là thương mại hóa quan hệ trong bệnh viện?