|
Ngay cả những người ủng hộ chính sách "biên giới mở" -- cho phép bất cứ ai nhập cảnh thoải mái vào đất nước -- cũng đã bắt đầu nhận ra 100 ngàn người nhập cảnh trái phép mỗi tháng là chuyện không thể chịu đựng lâu dài được.
Việc ước lượng khoản chi phí phát sinh từ nạn nhập cư trái phép cần được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi soạn thảo và thực thi một chính sách nhập cư hợp lý: Quyết định xem ai được vào, số lượng bao nhiêu và tác động mà dòng người nhập cư gây ra đối với các cộng đồng, nền kinh tế và người dân. Thế nhưng, phần lớn các khoản chi phí này chưa được tính toán, bị bóp méo hoặc bị hiểu sai.
Và điều này là có chủ đích. Tổng thống Donald Trump -- một người ủng hộ việc thắt chặt an ninh biên giới -- trong chiến dịch tranh cử của mình năm 2016 từng gọi người nhập cư trái phép vào Mỹ là những kẻ hãm hiếp, tội phạm, khủng bố và là "những kẻ ăn bám". Phần lớn những lời hùng biện của ông về người nhập cư trái phép đều sai sự thực, vô căn cứ hoặc thổi phồng. Điều này làm dấy lên tâm lý phản đối người nhập cư đồng thời cũng tạo lửa cho phong trào đòi "biên giới mở", và chính hai khuynh hướng này làm cho nước Mỹ vốn đã khá chia rẽ giờ lại thêm rạn nứt.
Tuy nhiên, những người ủng hộ biên giới mở cũng không trung thực khi lột tả về tình trạng người nhập cư trái phép tràn vào biên giới. Phải đến mãi tháng trước, tờ New York Times và kênh CNN mới chịu ghi nhận rằng nhập cư trái phép đã thực sự biến tướng thành một cuộc khủng hoảng cấp quốc gia. Vậy mà phần lớn những chính khách thiên tả trong Quốc hội và những người ủng hộ biên giới mở vẫn chưa chịu thừa nhận thực tế này.
Phe ủng hộ biên giới mở cho rằng những người nhập cư trái phép xứng đáng nhận quyền công dân Mỹ, dù là ở hoàn cảnh nào: Tất cả đều được chào đón. Phe ủng hộ kiểm soát biên giới thì muốn tạo ra một quy trình tiếp nhận người nhập cư trên cơ sở chọn lọc, trong đó ưu tiên những người xin quyền công dân một cách hợp pháp.
Vấn đề lớn nhất trong việc ước tính chi phí giải quyết vấn đề nhập cư trái phép là ở chỗ, phần lớn các cơ quan Chính phủ, các cơ quan truyền thông đại chúng, các nhóm lợi ích và các nhà nghiên cứu chính sách đều không sẵn lòng thu thập dữ liệu khoa học chính xác và đáng tin cậy để phục vụ cho hoạch định chính sách. Bởi nếu làm vậy thì sự nghiệp của những nhà "thuyết giảng" biên giới mở sẽ tan tành !
Điển hình nhất là việc hỏi người dân rằng họ có phải công dân Mỹ hợp pháp hay không trong Bản khảo sát dân số Mỹ (thực hiện 10 năm một lần) bắt đầu từ năm 2020. Đây là đề xuất được ông Trump đưa ra. Cuộc điều tra này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách, dù cho quan điểm của họ về người nhập cư trái phép có thế nào chăng nữa. Thế nhưng, đề xuất lập tức chịu chỉ trích. Những người thuộc phe ủng hộ biên giới mở điên cuồng tới mức đã kiện chính quyền Trump ra Tòa án Tối cao nhằm ngăn chặn Cục Điều tra dân số thêm câu hỏi này trong cuộc khảo sát dân số năm 2020. Hãy tưởng tượng xem có đất nước nào mà không nắm được có bao nhiêu người dân và nơi mà người dân sinh sống ?
|
Ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Ted Cruz đứng tại biên giới Hoa Kỳ-Mexico nói chuyện với Cảnh sát trưởng Hạt Cochise County Mark Dannels và đại diện bang Arizona David Gowan gần Douglas, Arizona vào ngày 18 tháng 3 năm 2016 (ảnh Sam Mircovich - Reuters) |
Ngay cả khi dữ liệu về người nhập cư trái phép được thu thập thì nó cũng thường bị bóp méo. Tình trạng này thậm chí còn xảy ra với cả những bản phân tích chuyên nghiệp do Chính phủ và các viện nghiên cứu công bố. Ví dụ, nhiều nhà phân tích thường so sánh người nhập cư trái phép với công dân hợp pháp, từ đó chứng minh rằng người nhập cư trái phép ngốn ít nguồn phúc lợi xã hội hơn hoặc ít có xu hướng phạm tội hơn. Từ đó đưa ra kết luận, rằng người nhập cư trái phép nên được tiếp nhận với số lượng lớn.
Nhưng để đưa ra một kết luận như vậy, các nhà phân tích thường đánh đồng người nhập cư trái phép với người nhập cư hợp pháp. Do người nhập cư hợp pháp có đóng góp cho xã hội và tuân thủ luật pháp, họ thường đóng vai trò bù đắp cho hành vi xấu của những người nhập cư trái phép trong con mắt dư luận.
Một thủ thuật khác là coi An sinh xã hội và Chăm sóc y tế Bảo hiểm y tế cho người già (Medicare) - các chương trình mà người lao động ở Mỹ phải chi trả dưới dạng tiền đóng thuế trong suốt cuộc đời làm việc của họ - như nguồn phúc lợi xã hội. Từ đó, các bản phân tích so sánh người nhập cư trái phép với công dân thường cố tình tạo ra cảm giác rằng, công dân hợp pháp thường hưởng nguồn phúc lợi xã hội nhiều hơn so với người nhập cư trái phép.
Ở một quốc gia mà người ta luôn cố gắng thu thập từng chút dữ liệu về dân số của mình nhờ cơ sở dữ liệu của Chính phủ, các nghiên cứu độc lập, Facebook, Google, Twitter...thì người dân của nó lại gần như không biết gì về vấn đề nhập cư trái phép, chỉ trừ có việc là nó "có thể" đang đẩy đất nước vào chỗ khủng hoảng.
Mỹ đang đứng ở vị trí tiến thoái lưỡng nan: Họ tốn cả tỉ USD để ngăn người nhập cư trái phép, và cũng mất cả tỉ USD để cho phép họ vào đất nước. Nhưng như đã nói ở trên, không ai thực sự hiểu rõ làm thế nào để cân bằng giữa các khoản chi phí và lợi ích trong lúc cân nhắc vô số lựa chọn chính sách. Bởi vậy, cuộc tranh luận về vấn đề biên giới/người nhập cư trái phép chủ yếu dựa trên cảm xúc, chính trị và tư tưởng hệ thay vì bằng chứng cụ thể.
Tôi đã tổng hợp được dữ liệu từ nhiều nguồn để có thể nêu bật lên được tầm ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nhập cư trái phép đối với nước Mỹ -- đặc biệt về chi phí. Có những số liệu thực sự gây sốc và ít được biết đến.
Xin nhấn mạnh rằng bản phân tích này chỉ áp dụng với người nhập cư trái phép, và không áp dụng với những người vào nước Mỹ một cách hợp pháp.
|
Không ai biết rõ có bao nhiêu người nhập cư trái phép đang ở nước Mỹ. Phần lớn trong số họ sử dụng căn cước giả mạo, rất khó kiểm đếm. Nhiều người như sống "vô hình", ngoài tầm quan sát của nhà chức trách. Một số lại liên tục qua lại biên giới để làm việc hoặc thăm gia đình. Một số rời khỏi Mỹ và không bao giờ trở lại. Một số lại được hợp pháp hóa. Nhưng trong nhiều trường hợp, giới chức công quyền chỉ đơn giản là nhắm mắt cho qua, không cần phải kiểm đếm, bởi họ thuộc phe ủng hộ biên giới mở, và lo sợ về con số mà họ có thể sắp tìm ra.
Các con số ước tính thường dùng hiện nay cho thấy số lượng người nhập cư trái phép đang ở Mỹ hiện khoảng 11 - 12 triệu người, với độ sai lệch 1 triệu người. Nhưng mới đây, các nhà nghiên cứu Đại học Yale đã sử dụng mô hình tính toán để đưa ra con số lớn hơn: Ít nhất là 16 triệu và nhiều nhất là 22 triệu người nhập cư trái phép đang sống trên lãnh thổ Mỹ.
Biết chính xác bao nhiêu người nhập cư trái phép đang ở Mỹ là việc hệ trọng. Nó quyết định từng nào ngân sách sẽ được rót tới từng bang, từng cộng đồng, chưa kể là nó còn quyết định số lượng dân biểu cho mỗi khu vực.
Có những trường hợp người nhập cư hợp pháp tự nhiên lại biến thành bất hợp pháp mà không phải do lỗi của họ. Chương trình Bảo vệ tạm thời (TPS) của Mỹ miễn trừ khả năng bị trục xuất đối với những người nhập cư đang tháo chạy khỏi các thảm họa thiên nhiên hay tình trạng bạo lực, cho tới khi tình hình ở đất nước họ được cải thiện. Ví dụ: Các nạn nhân động đất ở Haiti và người xin diện tị nạn đến từ Venezuela. Hiện có khoảng 315.000 người thuộc diện TPS. Tổng thống Trump muốn trục xuất họ về nước, mặc dù rất nhiều trong số này đã sinh sống ở Mỹ trong nhiều thập kỷ. Họ không muốn trở về. Và nếu không chịu trở về, họ sẽ trở thành người nhập cư bất hợp pháp.
|
Việc duy trì an ninh biên giới rất đắt đỏ, và ngày càng đắt đỏ hơn. Lực lượng Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) hiện đang phụ trách vấn đề biên giới. Có khoảng 19.400 nhân viên tuần biên của họ đang được triển khai, với nguồn ngân sách hoạt động 4,4 tỉ USD. Nếu tính cả lực lượng hải quan thì con số này lên tới 60.600 người, với nguồn ngân sách 17 tỉ USD. Do tình trạng vượt biên trái phép gia tăng và lực lượng tuần biên được triển khai vì các mục đích khác, Tổng thống Trump đã đề nghị tiếp tục rót ngân sách để tuyển thêm khoảng 5.000 nhân viên tuần biên.
Khi người vượt biên vào được đất Mỹ, thì trách nhiệm xử lý lại thuộc về Cục Di trú và Hải quan Mỹ (ICE). ICE hiện đã triển khai 23.400 nhân viên với nguồn ngân sách hoạt động 9 tỉ USD. ICE xử lý từng trường hợp cá nhân để quyết định xem họ sẽ ở lại nước Mỹ hay phải ra đi. ICE cũng có quyền bắt giữ và trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp.
Nhân viên đến từ Cục An ninh nội địa, các cơ quan phòng chống ma túy, y tế, kiểm soát vũ khí...cũng góp thêm hàng nghìn nhân sự vào lực lượng hành pháp đang hoạt động ở khu vực biên giới. Hoạt động chăm sóc y tế ở khu vực biên giới mỗi năm cũng tiêu tốn tới 55 triệu USD.
Do Quốc hội không chấp nhận thuê thêm nhân viên và đào tạo thêm nhân viên cho CBP và ICE; trong khi các hãng truyền thông luôn xem các nhân viên tuần biên như những kẻ xấu, Tổng thống Trump đã quyết định triển khai 5.000 binh sỹ trong quân đội tới khu vực biên giới phía Nam để tăng cường an ninh. Chi phí để duy trì lực lượng này lên tới 1 tỉ USD/năm. Tổng thống Trump cũng cắt cử lực lượng của Cục An ninh giao thông (TSA) từ các sân bay tới vùng biên.
|
Các nhân viên tuần biên Mỹ trên lưng ngựa dọc theo hàng rào biên giới Hoa Kỳ - Mexico gần San Diego, California ngày 10 tháng 11 năm 2016 (ảnh Mike Blake - Reuters) |
Chi phí mà các bang và chính quyền địa phương bỏ ra để tuần tra biên giới lại rất khó tính toán. California - điểm đến lớn nhất của những người nhập cư trái phép - gần như không có hành động trong việc bảo đảm an ninh biên giới, nhờ vậy mà chi phí họ bỏ ra có thể thấp. California và New Mexico thực tế đã từ chối triển khai lực lượng Vệ binh Quốc gia tới khu vực biên giới để giúp đỡ lực lượng tuần biên.
Phe Dân chủ trong Quốc hội và những ứng viên đang chạy đua tranh cử Tổng thống trong kỳ bầu cử năm 2020 không ưa gì ICE - cơ quan mà họ coi không khác gì phát xít Đức, nơi mà con người ta bị dồn vào chân tường, bị sát hại, bị bỏ tù hoặc bị trục xuất. Họ thậm chí còn muốn giải tán ICE. Chỉ riêng chuyện này đã cho thấy đạt được đồng thuận về vấn đề biên giới khó khăn đến mức nào.
|
Một mục tiêu lớn trong chính sách của ông Trump là xây dựng một bức tường cản bước người nhập cư trái phép. Mỹ chia sẻ đường biên giới dài hơn 2.000 dặm với Mexico. Vào những năm 1980, dưới thời Tổng thống Bill Clinton, một bức tường bao bắt đầu mọc lên gần Tijuana, Mexico, chủ yếu vì các lý do nhân đạo. Đến năm 2006, đảng Dân chủ, trong đó có Thượng nghị sỹ Barack Obama và Hillary Clinton, đã bỏ phiếu thông qua nguồn ngân sách xây dựng thêm tường bao. Dưới thời Tổng thống Barack Obama, năm 2011, thêm 130 dặm tường bao được xây dựng. Từ 2007 đến 2015, 2,4 tỉ USD được đầu tư để xây thêm 535 dặm tường bao.
Thế nhưng giờ đây, gần như mọi thành viên của đảng Dân chủ phản đối đề xuất xây thêm tường bao của ông Trump. Đáp trả, Tổng thống Trump đóng cửa Chính phủ trong vòng 35 ngày bắt đầu từ tháng 1/2019, đe dọa sẽ đóng cửa biên giới bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Ông Trump từng đề xuất, nhưng không thể có được khoản tiền 5,7 tỉ USD để xây tường bao. Theo Tạp chí Forbes, Chính phủ của ông Trump đóng cửa dài ngày đã khiến cho nền kinh tế Mỹ tổn thất 11 tỉ USD. Nhưng nếu ông Trump đóng cửa biên giới để buộc Quốc hội chi ngân sách xây tường, nền kinh tế có thể còn tổn thất kinh hoàng hơn nữa: 1,85 tỉ USD mỗi ngày do gián đoạn các hoạt động thông thương xuyên biên giới!
|
Bức tường biên giới Mỹ-Mexico được chụp vào ngày 25 tháng 1 năm 2017 tại Tijuana, Mexico (ảnh Sandy Huffaker/ Getty Images) |
Ông Trump đã thành công trong việc xây dựng một phần bức tường bao, nhờ qua mặt Quốc hội để chuyển 8 tỉ USD từ nguồn ngân sách cho bộ Quốc phòng sang dự án xây tường. Đảng dân chủ - ở cả cấp địa phương, bang và Chính phủ liên bang - giờ đang kiện ông Trump để ngăn chặn nỗ lực này. Nếu họ không thành công, sẽ có thêm khoản tiền 8 tỷ USD được chuyển vào chi phí giải quyết tình trạng nhập cư bất hợp pháp.
Ông Trump rất muốn hoàn thành thêm 500 dặm tường bao. Tùy theo thiết kế và nguyên vật liệu xây tường, chi phí ước tính từ 17 triệu - 36 triệu mỗi dặm, tổng cộng chi phí khoảng 56 tỷ USD. Khoản ngân sách khổng lồ này có lẽ không bao giờ được thông qua, nhưng nó cho thấy cái giá mà nước Mỹ phải trả nếu muốn ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp bằng chính sách kiểm soát biên giới.
|
Những người nhập cư bất hợp pháp bị cấm bỏ phiếu trong các kỳ bầu cử liên bang. Nhưng trong mọi kỳ bầu cử, những câu chuyện về gian lận vẫn cứ xuất hiện, mà phần lớn đều bị đổ cho người nhập cư bất hợp pháp.
Không ai biết rõ được vấn đề này phổ biến như thế nào, bởi vậy ông Trump đã thành lập Ủy ban Cố vấn Tổng thống về Bầu cử (PACEI) để tìm hiểu xem vấn đề này nghiêm trọng tới mức nào: Đương nhiên bản thân ông tin rằng đây là một vấn đề lớn. Nhưng Ủy ban này gây tranh cãi ghê gớm và cuối cùng bị giải thế mà không phát hiện ra được điều gì. Điều đáng nói ở đây là rất nhiều cơ quan bầu cử cấp địa phương và cấp bang khước từ cung cấp dữ liệu cho nghiên cứu, rõ ràng là họ không có hứng thú phân tích lượng hóa vấn đề này.
Trong khi đó, phe Dân chủ ở Quốc hội dường như hứng thú với ý tưởng trao quyền bỏ phiếu cho người nhập cư bất hợp pháp. Trong cuộc bỏ phiếu một "bản kiến nghị" để thêm vào điều khoản cấm người nhập cư bất hợp pháp bỏ phiếu, chỉ có 6 nghị sỹ đảng Dân chủ bỏ phiếu thuận trong khi đại đa số bỏ phiếu chống. Một số thành phố như San Francisco hiện cho phép. Một ứng viên mới đây thất bại trong cuộc bầu cử chức Thống đốc bang Georgia và có khả năng trở thành ứng viên Tổng thống vào năm 2020 còn đưa nội dung người nhập cư phi pháp được phép bầu cử thành một phần cương lĩnh tranh cử của bà.
Đảng Dân chủ tỏ ra khá cởi mở trước thực tế rằng, họ tin người nhập cư bất hợp pháp gần như chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho các ứng viên của họ, bởi vậy họ xem đó là nhân tố sẽ giúp tăng "khả năng đắc cử" cho các ứng viên trong đảng. Đảng Dân chủ cũng phản đối đề xuất cử tri phải cung cấp thẻ căn cước hợp pháp mới được bỏ phiếu - điều này rõ ràng có lợi cho người nhập cư bất hợp pháp.
|
Người nhập cư phi pháp đại đa số không đủ tiêu chuẩn nhận phúc lợi và dịch vụ chăm sóc y tế, trừ khi họ đăng ký một trong số các chương trình vốn được thiết kế để hỗ trợ họ. Con em của họ thì được hưởng những phúc lợi giáo dục.
Trung tâm Nghiên cứu Nhập cư -- một tổ chức phân tích vấn đề kiểm soát biên giới -- ước tính rằng lợi ích mà những người nhập cư trái phép nhận được trong suốt cuộc đời họ sẽ ngốn hết 750 tỉ USD tiền đóng thuế của người Mỹ. Liên hiệp Cải cách nhập cư Mỹ -- cũng là một cơ quan kiểm soát biên giới -- đưa ra con số ước tính 135 tỉ USD/năm.
Người nhập cư trái phép được cho là mỗi năm ngốn tới 18,5 tỉ USD chi phí chăm sóc sức khỏe, trong đó 11,2 tỉ USD từ ngân sách liên bang và 7,3 tỉ USD từ những nguồn khác. Một số bang như California có cung cấp nguồn ngân sách chăm sóc y tế cho người nhập cư bất hợp pháp, cũng giống như các thành phố như New York. Những chương trình này đương nhiên không trao quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế cho người nhập cư bất hợp pháp, nhưng chi phí cũng đã lên tới hàng tỷ USD.
Một chương trình mà ông Obama thực thi, Đạo luật DREAM, sẽ trao quyền công dân cho khoảng 2 triệu trẻ em từng đến Mỹ bất hợp pháp. Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính, đạo luật này sẽ khiến nguồn ngân sách của Mỹ thâm hụt thêm khoảng 26,8 tỉ USD trong vòng 10 năm. Phần lớn khoản này sẽ dành cho các chương trình trợ cấp y tế: 11,8 tỉ USD.
|
Một đứa trẻ nhập cư tại Biên giới Mỹ - Mexico (ảnh Reuters)
|
Còn chi phí giáo thì rất khó ước tính, nhưng hãy xem xét ví dụ này. Mới đây, 65.000 trẻ em các gia đình nhập cư trái phép đã tốt nghiệp cấp trung học. Chi phí thường niên trung bình cho mỗi học sinh là 11.400 USD. Nếu làm một phép tính nhân đơn giản, chúng ta dễ dàng có được khoản chi phí thường niên 741 triệu USD.
Chi phí dành cho giáo dục sẽ còn tăng rất nhanh do con em của những gia đình nhập cư trái phép. Tính từ 2016, đã có khoảng 5 triệu trẻ em với cha hoặc mẹ, hoặc cả cha và mẹ nhập cư trái phép. Riêng trong năm 2016, con số trẻ em dạng này tăng thêm 250 ngàn.
|
Các chuyên gia phân tích thường sử dụng thống kê để chỉ ra rằng người nhập cư trái phép trả nhiều tiền thuế hơn so với giá trị dịch vụ và phúc lợi mà họ được hưởng; và rằng họ không cướp đi công ăn việc làm của người dân Mỹ bởi họ đang nhận những công việc mà không người Mỹ nào muốn làm.
Chính quyền Mỹ đưa ra một kế hoạch chi trả lương hưu công, lấy nguồn từ những khoản do người lao động và chủ sử dụng lao động đóng góp. Mọi người lao động Mỹ đều phải có số An sinh xã hội (SS) để đóng thuế, và khi nghỉ hưu nhận được khoản phúc lợi. Cơ quan An sinh xã hội Mỹ mới đây phát hiện khoảng 1,8 triệu người nhập cư trái phép sử dụng số SS giả để đóng thuế. Ngoài ra còn có 3,1 triệu người nhập cư trái phép hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế ngầm. Bộ phận này sẽ không bao giờ được hưởng nguồn phúc lợi.
Người ta cũng ước tính rằng những người nhập cư trái phép đóng khoảng 10,1 tỉ USD tiền thuế ở cấp địa phương và cấp bang, ngoài các khoản thuế cấp liên bang nêu trên. Người nhập cư trái phép cũng được hưởng Tín thuế cho con (Child Tax Credits), giúp họ nhận khoản tiền 9 tỉ USD mỗi năm.
Chương trình trì hoãn hành động đối với người nhập cư vào Mỹ khi còn nhỏ (DACA) là một chương trình giúp những đứa trẻ được cha mẹ đưa đến Mỹ một cách bất hợp pháp được phép ở lại và làm việc, hoặc tới trường mà không phải lo bị trục xuất, cùng lúc còn nhận được nhiều phúc lợi. Chương trình DACA mà ông Obama thực thi bao trùm khoảng 800.000 trẻ em thuộc diện trên, trong khi có khoảng 400.000 người khác đủ điều kiện tham gia.
Diễn đàn Hành động Mỹ chỉ ra rằng, những người thuộc diện DACA đã đóng góp 3,4 tỉ USD tiền thuế cấp liên bang mỗi năm, và mỗi năm đóng góp 42 tỉ USD vào GDP của Mỹ.
Cộng đồng người nhập cư trái phép có đóng thuế cũng cố gắng xây dựng một hình ảnh "những công dân tốt" với hy vọng công trạng của họ sẽ được tính đến khi đệ đơn xin quyền công dân hợp pháp sau này.
Có điều, các con số ước tính cho thấy có khoảng 25%-50% người nhập cư trái phép không đóng thuế trong khi vẫn ngốn các nguồn lực phúc lợi, chăm sóc y tế và các dịch vụ giáo dục. Có tới một nửa tổng số gia đình nhập cư ở Mỹ được nhận các khoản tiền phúc lợi.
Một câu hỏi lớn được đặt ra: Người nhập cư trái phép đang cướp đi công ăn việc làm hay làm giảm thu nhập của người dân Mỹ? Đưa ra câu trả lời có lẽ vượt quá phạm vi của bài viết này. Một bên, tiêu biểu là chuyên gia kinh tế và chính sách xã hội George Borjas (ĐH Harvard) tin rằng mức lương của người dân Mỹ bị kìm hãm do người nhập cư trái phép; trong khi bên kia mà tiêu biểu là chuyên gia kinh tế David Card (ĐH California) lại quả quyết người nhập cư không gây ra điều gì tiêu cực. Phần đông đều nhất trí rằng người nhập cư trái phép đang nhận những công việc mà người Mỹ không muốn làm. Nhưng nên nhớ, nhà nghiên cứu khi sử dụng những phương pháp khác nhau sẽ cho ra những kết quả khác nhau.
|
Bằng hành vi bạo lực hay buôn bán chất ma túy, liệu người nhập cư phi pháp có đang biến người Mỹ thành nạn nhân? Cục Quản lý trại giam Mỹ cho biết, từ tháng 1 đến tháng 3/2018, có khoảng 39.400 người nhập cư phi pháp phải ở tù. Cảnh sát Tư pháp Mỹ (US Marshall Service) báo cáo thêm 15.300 trường hợp khác đang bị giam giữ. Như vậy tổng cộng là 54.700 người.
Tổ chức Judicial Watch cũng chỉ ra, trong năm 2014, 50% tổng số vụ phạm pháp toàn liên bang xảy ra ở khu vực dọc biên giới Mỹ-Mexico.
Texas là một trong số 4 bang nằm dọc biên giới. Theo Cục An ninh bang Texas, từ năm 2011 tới năm 2019, họ đã thực hiện 196 ngàn vụ bắt giữ và kết án 124 ngàn trường hợp, trong đó gồm: 254 vụ giết người, 14.100 vụ bạo hành, 3.258 vụ đột nhập, 18.445 vụ ma túy, 179 vụ bắt cóc, 7.259 vụ trộm cắp, 11.602 vụ cản trở cảnh sát thi hành công vụ, 1.037 vụ cướp, 1.783 vụ tấn công tình dục, 2.406 vụ lạm dụng tình dục và 1.325 vụ việc liên quan vũ khí.
|
Người nhập cư trái phép bị bắt giữ tại biên giới (ảnh Texas Trinbune)
|
Tại khu vực biên giới, CBP đã bắt giữ 8.129 người nhập cư trái phép vì liên quan tới các vụ án nghiêm trọng trong năm 2017. ICE bắt giữ 105.736 người vượt biên trái phép. ICE bắt giữ 5.710 thành viên băng đảng, trong đó có 896 người là thành viên của băng đảng MS-13 vốn khét tiếng vì các vụ giết người man rợ.
Tòa án Nhập cư Mỹ giờ còn tồn đọng rất nhiều trường hợp chưa xử lý, liên quan tới khoảng 800.000 người nhập cư trái phép, và dự kiến sẽ còn tiếp nhận thêm khoảng 330.000 hồ sơ nữa. Chi phí trung bình cho mỗi phiên tòa, chưa bao gồm chi phí trục xuất về nước, là gần 2.000 USD. Như vậy tổng chi phí có thể lên tới 2,6 tỷ USD. ICE mỗi ngày phải chi 19 triệu USD để cung cấp nơi ở tạm cho những người nhập cư trái phép chờ lệnh trục xuất.
|
Một vấn đề thường bị bỏ qua trong các cuộc tranh luận về nhập cư là lượng tiền mà người nhập cư gửi về cho gia đình ở quê hương mình, tức kiều hối. Không ai nắm được số tiền mà người nhập cư hợp pháp cũng như phi pháp gửi về nước. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính lượng kiều hối từ Mỹ chủ yếu chuyển vào 4 quốc gia: Mexico: 2,3% GDP, 33 tỷ USD; Guatemala: 10,3% GDP, 9,3 tỷ USD; El Salvador: 16,6% GDP, 5,5 tỷ USD, và Honduras: 18% GDP, 4,8 tỷ USD. Khoảng 80% người nhập cư đến từ các quốc gia này. Họ gửi về nước 53 tỷ USD mỗi năm.
Chính quyền Mỹ cũng thường xuyên viện trợ cho Guatemala, El Salvador và Honduras trong các hoạt động nhân đạo, chương trình phát triển kinh tế và kiểm soát tình trạng bạo lực. Năm 2017, khoản tiền mà chính quyền Mỹ viện trợ cho các nước này là 655 triệu USD, năm 2018 là 527,6 triệu USD, tổng cộng là 1 tỷ 182,6 triệu USD trong 2 năm. Mexico nhận được 290 triệu USD viện trợ.
Tổng thống Trump hiện đang cảnh báo sẽ cắt giảm mạnh nguồn viện trợ cho các nước này bởi ông tin rằng họ không nỗ lực để giải quyết nạn nghèo đói và tình trạng bạo lực trong nước, chưa kể là còn khuyến khích các làn sóng di cư ra nước ngoài. Tổng Chưởng lý Bill Barr, người quản lý các chương trình viện trợ, lại bất đồng ý kiến với ông Trump. Năm tới sẽ là thời điểm ấn định các khoản viện trợ này sẽ bị cắt giảm đến mức nào, và tầm ảnh hưởng mà nó gây ra.
|
Cả hai phe trong cuộc tranh cãi về vấn đề biên giới đều không thành thực về tầm ảnh hưởng mà cuộc xâm lược của người nhập cư đang gây nên. Điển hình, giới hoạch định chính sách và người dân không thể đưa ra các quyết định dựa trên thực tế để giải quyết vấn đề này.
Trong bối cảnh hệ thống của nước Mỹ đang xáo trộn mạnh vì phải tiếp nhận những đợt sóng khổng lồ người nhập cư trái phép, sẽ là điên rồ khi cho rằng mở cửa biên giới là có lợi cho đất nước, và cũng thật điên rồ khi chi lượng tiền khổng lồ như vậy để kiểm soát biên giới và quản lý người nhập cư trái phép khi họ vào nước Mỹ. Tình trạng hiện tại thực sự không thể chịu đựng thêm, và nó đang hủy hoại nền dân Mỹ.
Nhưng tồi tệ hơn cả, sự đấu đá giữa các nhóm lợi ích đang khiến cho những người nhập cư hợp pháp vốn đang đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế và xã hội Mỹ bị đánh đồng với những người nhập cư trái phép.
Giải pháp cho vấn đề biên giới rõ ràng là nằm đâu đó giữa hai thái cực mở cửa biên giới và kiểm soát biên giới. Nhưng cả Quốc hội và Tổng thống (Reagan, Clinton, Bush, Obama, và Trump) và cả các tòa án cũng đều không sẵn lòng nỗ lực để tìm ra giải pháp. Mỗi phe phái đều xem vấn đề này như một trò chơi tổng bằng không mà kết cục chỉ có duy nhất một kẻ chiến thắng. Nó cực đoan đến mức mà giờ chính sách nhập cư duy nhất mà nước Mỹ có được chỉ là ngăn chặn những sáng kiến mà đảng phái khác đưa ra. Sự đồng thuận và thỏa hiệp đã chết, trong khi sự bế tắc cứ thế lên ngôi.
|
Một trạm camera giám sát đặt tại hàng rào biên giới Mỹ - Mexico vào ngày 26 tháng 9 năm 2016 (ảnh John Moore/ Getty Images) |
Điều rõ ràng là giới lãnh đạo chính trị và vây cánh của họ vui vẻ với tình trạng hỗn loạn này. Rất nhiều nhà bình luận từng nói rằng kỳ bầu cử Tổng thống năm 2020 sẽ giải quyết triệt để vấn đề này. Nhưng chắc chắn là không. Chính sách đối với vấn đề nhập cư bất hợp pháp chưa từng được đổi mới kể những năm 1980 và nó đang ngày càng tồi tệ hơn.
Với khoản chi phí khổng lồ mà nền kinh tế Mỹ hứng chịu vì vấn đề nhập cư bất hợp pháp, chả ai có thể vui hay hài lòng. Nước Mỹ hiện đang mang khoản nợ 22 nghìn tỉ USD và mỗi năm tổng nợ tăng thêm 1 nghìn tỉ USD. Các nhà hoạch định chính sách không thể xử lý nạn nhập cư phi pháp như cách hiện nay để làm tổng nợ quốc gia phình to thêm nữa.
Duy Khánh (chuyển ngữ)