Lời Tòa soạn: Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại luôn thu hút sự chú ý của của các nhà giáo dục nói riêng và giới khoa học, công chúng nói chung. Nó cũng luôn gây ra không ít tranh cãi, mặc dù công nghệ giáo dục đã được triển khai từ hơn 40 năm qua.
Để rộng đường dư luận VietTimes xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của GS Hồ Ngọc Đại tới bạn đọc.
- Bài 1: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục
- Bài 2:"Anh nên dùng “Quy trình kỹ thuật” của anh để xử lý môn Tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam"
- Bài 3: Thực nghiệm là cái van an toàn lắp vào quá trình giáo dục thực thi công nghệ giáo dục
- Bài 4: “Tôi nghiên cứu lý thuyết và thiết kế Công nghệ giáo dục theo định hướng triết học“
- Bài 5: Phải thay đổi tận nguyên lý lý thuyết và thực tiễn hành nghề của nền giáo dục hàng nghìn năm qua
- Bài 6: Tiếng nói là "vật thật", chữ viết là "vật thay thế"
- Bài 7: "Tôi dạy trẻ em tôn trọng tiếng Việt, yêu tiếng Việt"
- Bài 8: Suốt mấy ngàn năm vẫn duy nhất một “Nghiệp vụ sư phạm”
- Bài 9: “Phải đặt Tiếng trong một chân không về Nghĩa“
- Bài 10: “Thày thiết kế - trò thi công“ thay cho "Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ"
- Bài 11: Cuộc làm việc với Chủ tịch Quốc hội và chuyện bỏ các kỳ thi phổ thông
- Bài 12: Điểm xuất phát của Hành trình tư duy
- Bài 13: Chiếc gậy khều
- Bài 14: Làm ra công cụ để dùng
- Bài 15: Lần đầu biết đến tính khoa học tâm lý học của nghề dạy học
|
Giáo sư Hồ Ngọc Đại |
Kỳ này:
Bài 18: "Làm ra" khái niệm khoa học
Nhân tố thời gian vô hình nhưng có thật, có thật một cách vật chất, một nhân tố vật chất cấp cho sự sống, làm nên cuộc đời cá nhân.
Nếu loại bỏ nhân tố thời gian thì cấu trúc thao tác của Piaget là một cơ sở đáng tin cậy để mô tả khái niệm.
Piaget không thuyết phục nổi tôi về phương pháp hình thành tự phát khái niệm. Tôi chủ động làm ra khái niệm, hơn nữa, tôi có hẳn Công nghệ giáo dục làm ra khái niệm khoa học.
Những năm 1970, tôi đã chú tâm vào việc “làm ra” khái niệm khoa học, hơn nữa, khái niệm khoa học hiện đại của người đương thời.
Muốn làm ra khái niệm thì trước hết phải biết khái niệm là gì.
Muốn biết khái niệm là gì thì chuẩn xác nhất là phải biết cấu trúc khái niệm.
Ví dụ thuyết phục tôi, an ủi tôi, động viên tôi là khái niệm nước có cấu trúc H2O.
Thuyết phục tôi về Phép toán là Phép toán đại số hiện đại mà tôi nghe ở xê-mi-na trường Lomonosov.
Trước đây, ở trường phổ thông, dạy Phép toán tôi phải giảng cho học sinh hiểu định nghĩa của nó. Dạy khái niệm bằng định nghĩa hồi ấy là chuyện bình thường tự nhiên như đi bộ vậy.
Định nghĩa Phép toán / Cấu trúc phép toán không phải hai cái khác nhau, nhưng khác nhau về cách tư duy, cách cư xử với khái niệm:
Một – Chấp nhận nó như nó đã có: học thuộc lòng định nghĩa.
Hai – Làm ra nó theo cấu trúc của nó bằng một chuỗi thao tác tuyến tính, dọc theo thời gian.
Nhân đây, tôi kể lại ấn tượng khi đọc Piaget.
Piaget cho rằng nền giáo dục hiện hành làm hại trẻ em.
Tôi giật mình, vì mình từng là thầy giáo tận tâm tận lực với nó. Tôi tự an ủi, ôi dào, cách nói “cực đoan” của trí thức. Nền giáo dục chính thống, chính thức, chính cống nào mà lại làm hại trẻ em, làm hại học sinh.
Tôi vẫn bình tĩnh đọc. Đọc cho biết.
Piaget cho rằng nền giáo dục hiện hành làm hại trẻ em vì hai lẽ:
Một. Nội dung cũ rích. Ông kị tám đời nhà nó đã học. Ông kị bảy đời đã học… Ông nội đã học. Cha đã học.
“Món học” ấy lâu ngày đã ôi. Ăn vào đau bụng, đi khướt, hại sức khỏe lắm, chết có khi.
Hai. Phương pháp cũ rích. Thầy Khổng Tử dạy thế nào, nay vẫn thế: Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ.
Đành rằng cả nội dung lẫn phương pháp đã có cải tiến, Thầy Khổng Tử chưa nghĩ ra:
1. Thi cử - các kiểu thi, các cấp thi.
2. Dọa nạt – lấy thi cử dọa nạt. Dọa có lý lẽ: Học thì phải thi. Thi các cấp, từ địa phương đến Trung ương. Thi các kiểu, thi kiểm tra, thi lên lớp, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp. Vì sao phải thi?
- Thì mới có bằng cấp. Có bằng cấp thì mới ngoi lên được. Thời thầy Khổng Tử chỉ có một kiểu ngoi lên là làm quan (5% dân cư) để bắt nạt kẻ không học (95% dân cư còn lại).
(Còn nữa)