Lời Tòa soạn: Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại luôn thu hút sự chú ý của của các nhà giáo dục nói riêng và giới khoa học, công chúng nói chung. Nó cũng luôn gây ra không ít tranh cãi, mặc dù công nghệ giáo dục đã được triển khai từ hơn 40 năm qua.
Để rộng đường dư luận VietTimes xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của GS Hồ Ngọc Đại tới bạn đọc.
- Bài 1: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục
- Bài 2:"Anh nên dùng “Quy trình kỹ thuật” của anh để xử lý môn Tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam"
- Bài 3: Thực nghiệm là cái van an toàn lắp vào quá trình giáo dục thực thi công nghệ giáo dục
- Bài 4: “Tôi nghiên cứu lý thuyết và thiết kế Công nghệ giáo dục theo định hướng triết học“
- Bài 5: Phải thay đổi tận nguyên lý lý thuyết và thực tiễn hành nghề của nền giáo dục hàng nghìn năm qua
- Bài 6: Tiếng nói là "vật thật", chữ viết là "vật thay thế"
- Bài 7: "Tôi dạy trẻ em tôn trọng tiếng Việt, yêu tiếng Việt"
- Bài 8: Suốt mấy ngàn năm vẫn duy nhất một “Nghiệp vụ sư phạm”
- Bài 9: “Phải đặt Tiếng trong một chân không về Nghĩa“
- Bài 10: “Thày thiết kế - trò thi công“ thay cho "Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ"
- Bài 11: Cuộc làm việc với Chủ tịch Quốc hội và chuyện bỏ các kỳ thi phổ thông
- Bài 12: Điểm xuất phát của Hành trình tư duy
- Bài 13: Chiếc gậy khều
Giáo sư Hồ Ngọc Đại |
Kỳ này:
Bài 14: Làm ra công cụ để dùng
Nhân ví dụ chiếc gậy khều, tôi có cơ hội nói về giáo dục hiện đại: Trẻ em tự mình làm ra sản phẩm giáo dục để dùng.
Giáo dục hiện đại gồm có hai công đoạn khác nhau về bản chất triết học:
Một, làm ra sản phẩm mới (hiểu là lần đầu tiên làm ra).
Hai, dùng sản phẩm đã có (do mình tự làm ra hay kẻ khác đã làm ra trước đó).
Nghiệp vụ sư phạm hiện đại phải phân biệt rạch ròi cả triết học lẫn lịch sử về một cái có thật, với sự phân biệt: cái có sẵn / cái làm ra.
Tôi đặc biệt quan tâm tới cái làm ra, do học sinh tự mình làm ra và làm ra cho chính mình. Đồng thời, với một tính triết học tất yếu như thế - dùng cái do mình làm ra.
Làm ra để dùng mang tính triết học cao hơn dùng cái đã có. Hai quá trình sư phạm khác hẳn nhau:
- Làm ra cái mới.
- Dùng cái đã có.
Làm ra cái mới thì mới có thể có thêm năng lượng mới cấp cho sự phát triển. Phát triển bằng năng lượng mới là tiêu chí đặc trưng để phân biệt Trẻ em / Người lớn.
Trẻ em là một thực thể đang phát triển, song hành với tiến trình đang trưởng thành tự nhiên. Trưởng thành về cơ thể thì có giới hạn vật chất hữu hình, ví dụ, chỉ cao đến 160 cm.
Phát triển thì có bắt đầu mà không có kết thúc. Đời người hiện đại là một thực thể phát triển qua nhiều giai đoạn, vừa tuần tự vừa “nhảy vọt” (bước “nhảy vọt” cuối cùng là nhảy xuống huyệt).
Trưởng thành / Phát triển cùng chung một dòng chảy của cuộc sống cá nhân, chung một dòng thời gian tuyến tính, nhưng vận động theo hai quy luật khác nhau.
Trưởng thành tuân theo một lịch trình có sẵn từ trong bào thai, từ bao giờ đến bây giờ, đến mãi sau này.
Phát triển bị giới hạn trong một giai đoạn lịch sử cụ thể có ngày có tháng.
Ngày 1 tháng 1 năm 2001 tôi chọn làm ranh giới thời gian để phân giới dứt khoát: Nền giáo dục cũ (cổ truyền) ở dưới và nền giáo dục hiện đại ở trên, khác nhau hai tầm cao thấp triết học, khác nhau tận nguyên lý lý thuyết (triết học) và khác nhau trong cả thực tiễn hằng ngày (lịch sử).
Trong thực tiễn hằng ngày, không dễ nhận ra sự khác biệt về nguyên lý lý thuyết (triết học) từ một thực tiễn như nhau: Đi bộ.
Đi bộ bằng đôi chân thịt hồi ấy, trong hoàn cảnh lịch sử ấy, là một sự kiện long trời lở đất: một sức mạnh vật chất chưa hề có, đẩy Người nhảy sang bên kia, - vượt bỏ Phạm trù động vật, xác lập Phạm trù người theo nguyên lý mới.
Hôm nay, 28 tháng 10 năm 2018, mọi người vẫn đi bộ như ngàn đời xưa, nhưng giá trị triết học thì hoàn toàn khác xưa.
Cùng một hành vi đi bộ nhưng trong mỗi hoàn cảnh lịch sử mang một giá trị triết học khác nhau.
Từ đi 4 chân chuyển sang đi 2 chân chứng tỏ lịch sử có một sức mạnh vật chất “mới” thuộc nguyên lý triết học mới. Cứ như thế, ngày nay lịch sử còn có thêm: xe đạp – ô tô – máy bay – con tàu vũ trụ.
Về triết học, đi bộ đã mất giá trị. Nhưng về lịch sử, thời hiện đại xin đừng ai loại bỏ nó về mặt thực thể. Vẫn phải dạy cho trẻ nhỏ lẫy, bò, đi bộ.