Gốc tự do làm đứt gãy ADN của tinh trùng
Theo nghiên cứu của PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng, có từ 10 – 50% bệnh nhân nam bị vô sinh không rõ nguyên nhân. Song, các trường hợp mắc đều có điểm chung là bị mất cân bằng phản ứng oxy hóa, tạo ra gốc tự do.
“Nhiều nghiên cứu đã chứng minh gốc tự do có thể làm đứt gãy, phân mảnh ADN của tinh trùng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân thất bại khi các cặp vợ chồng điều trị bằng thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển hoặc hiện đại” – bác sĩ Hồ Sỹ Hùng cho biết.
Tinh trùng là tế bào đảm nhận chức năng sinh sản ở nam giới. Thông thường, tinh trùng hoàn thiện có cấu tạo ba phần cơ bản gồm: đầu tinh trùng, cổ tinh trùng và đuôi tinh trùng.
Trong đó, đầu tinh trùng thường có hình trứng, có "mũ" acrosome đảm nhận chức năng ly giải màng trứng để giúp tinh trùng kết hợp với trứng khi thụ thai, bên trong đầu tinh trùng chứa nhân, và trong nhân chứa bộ gen (ADN) chính là vật liệu di truyền căn bản nhất để kết hợp với bộ gen của trứng để tạo ra thai nhi.
Cổ tinh trùng chứa các ty thể có nhiệm vụ giải phóng năng lượng để giúp tinh trùng di chuyển, đuôi tinh trùng có nhiệm vụ giúp tinh trùng "bơi" để có thể vào được vòi trứng và thụ tinh.
PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia , Bệnh viện Phụ sản Trung ương, giảng viên Bộ môn Phụ sản – Trường Đại học Y Hà Nội trong buổi chia sẻ với VietTimes.
|
Khi bị gốc tự do phá hoại, chuỗi ADN của tinh trùng đứt ra thành từng đoạn nhỏ và không có khả năng tự sửa chữa. Bên cạnh đó, màng tế bào tinh trùng chứa nhiều axit béo không bão hòa, bào tương của tinh trùng cũng thiếu hệ thống chống oxy hóa. Vì vậy, ADN của tinh trùng rất dễ bị tổn thương.
Hậu quả, các bệnh nhân vô sinh nam bị gãy ADN tinh trùng thường có tỷ lệ thụ tinh thấp, chất lượng phôi kém và tỷ lệ có thai giảm, nam giới bị vô sinh.
Bên cạnh đó, một sô bệnh lý cũng làm ảnh hưởng tới tế bào mầm sản sinh ra tinh trùng, khiến cho ADN của tinh trùng bị đứt, gãy, ví dụ: nhiễm trùng tuyến sinh dục, bệnh lý cơ quan sinh dục, viêm đường tiết niệu; bệnh đái tháo đường, ung thư, nhiễm trùng...
Ngoài ra, môi trường sống ô nhiễm, lối sống không lành mạnh, ví dụ hút thuốc lá, sử dụng nhiều loại thực phẩm chứa hóa chất khiến cho gốc tự do tăng lên, phá hoại ADN của tinh trùng.
Các nguyên nhân khác
Theo PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng, đa phần, bệnh nhân nam bị vô sinh không rõ nguyên nhân.
Cặp vợ chồng từng điều trị vô sinh bên đứa con đầu lòng.
|
“Nguyên nhân vô sinh có thể do thói quen, hành vi của người đó, cũng có thể do ô nhiễm môi trường, ví dụ tiếp xúc với tia xạ, hóa chất, do cơ địa bẩm sinh hoặc do biến chứng của bệnh quai bị, gặp chấn thương… Bất kỳ yếu tố nào cũng có thể làm ảnh hưởng tới sự sinh sản tinh trùng. Vì có quá nhiều nguyên nhân như vậy nên chúng tôi gọi đó là trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân” – PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng nói.
Khi bị vô sinh, nam giới sẽ có số lượng và chất lượng tinh trùng kém ở các mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng, trong đó, bệnh nhân vô sinh nặng có rất ít thậm chí không có tinh trùng.
Tuy nhiên, một số bệnh nhân nam có tinh hoàn vẫn sản xuất được tinh trùng, song, vẫn bị coi là vô sinh, do những người này có bất thường trong cơ quan sinh dục hoặc tắc ống dẫn tinh, khiến cho tinh trùng xuất ra không thể tiếp xúc với âm đạo và trứng.
Một số bệnh nhân nam khác lại vô sinh do mắc bệnh liệt dương khiến họ không thể quan hệ tình dục, xuất tinh bình thường. Căn bệnh liệt dương đó có thể là di chứng của một vụ tai nạn, hoặc do tuổi tác.
PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng cho biết thêm, bệnh lý xuất tinh ngược dòng cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến cho nam giới bị vô sinh. Khi đó, nam giới vẫn giao hợp bình thường và đạt cảm giác cực khoái, đồng thời, có động tác và cảm giác xuất tinh, nhưng tinh dịch xuất ra ngoài sẽ rất ít hoặc không có bởi tinh trùng bị xuất ngược đi vào bàng quang sau đó đi ra bên ngoài theo đường nước tiểu thay vì được phóng thích thông qua niệu đạo.