Công nghệ giáo dục:

Bài 11: Cuộc trao đổi với Chủ tịch Quốc hội và chuyện bỏ các kỳ thi phổ thông

VietTimes -- "Lững thững ra về, tôi mang theo nhiều thiện cảm với ông Chủ tịch Quốc hội đương chức. Thế mới là lãnh đạo chứ!" - Hồ Ngọc Đại.
Lễ kỉ niệm 20 năm Công nghệ Giáo dục.
Lễ kỉ niệm 20 năm Công nghệ Giáo dục.

Lời Tòa soạn: Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại luôn thu hút sự chú ý của của các nhà giáo dục nói riêng và giới khoa học, công chúng nói chung. Nó cũng luôn gây ra không ít tranh cãi, mặc dù công nghệ giáo dục đã được triển khai từ hơn 40 năm qua.

Để rộng đường dư luận VietTimes xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của GS Hồ Ngọc Đại tới bạn đọc.

Kỳ này:

Bài 11: Cuộc làm việc với Chủ tịch Quốc hội và chuyện bỏ các kỳ thi phổ thông

Bài 5: Phải thay đổi tận nguyên lý lý thuyết và thực tiễn hành nghề của nền giáo dục hàng nghìn năm qua - ảnh 1

Giáo sư Hồ Ngọc Đại

Chiều thứ Bảy, ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Quốc hội đương chức, mời tôi đến làm việc.

Đón tôi, ông An nói ngay: Anh em gọi tôi Anh Bảy, vì làm việc cả thứ Bảy, nghe các giáo sư, chuyên gia… Lần này, tôi chủ trì cuộc họp Quốc hội kỳ cuối, muốn giáo sư gợi ý làm cái gì cho giáo dục.

Tôi nói cả buổi.

Ông An kết luận: Nghe giáo sư nói nhiều việc quá, việc nào cũng đáng làm, nhưng sức tôi chỉ làm được hai việc thôi. Giáo sư gợi ý cho hai việc gì?

- Một, bỏ học phí giáo dục phổ thông. Hai, bỏ các kỳ thi phổ thông.

- Có mấy kỳ thi?

- Có ba: Thi tiểu học, thi trung học cơ sở, thi trung học phổ thông.

- Sức tôi chỉ bỏ được hai thôi. Theo giáo sư, bỏ hai kỳ thi nào?

- Tiểu học và trung học cơ sở.

- Thế đã, kỳ thi còn lại để cho Chủ tịch quốc hội khóa sau.

Ông tiễn tôi ra tận cổng.

Lững thững ra về, tôi mang theo nhiều thiện cảm với ông Chủ tịch Quốc hội đương chức. Thế mới là lãnh đạo chứ! Biết chọn việc. Biết làm việc. Biết Quốc hội. Biết sức mình.

Học thì phải thi, chuyện rất tự nhiên.

Đi thì đi bộ, chuyện rất tự nhiên.

Đi bộ thì đi hai chân, chuyện rất tự nhiên.

Những chuyện “tự nhiên” ấy đâu có sẵn tự nhiên. Trẻ em ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi thì lịch sử phải lò dò học đi biết bao nhiêu thiên niên kỷ, tính từ “thời” a-mip, đến thời vượn, đến thời vượn người. Lại còn cần thêm bao lâu nữa tập cho Người biết đi như ngày nay?

Trong đàn vượn, chú vượn ngổ ngáo nhất dám tập đi hai chân sau, dùng hai chân trước lượm quả dưới đất, hái quả trên cây. Quả cao quá, không với tới, chú nhặt một cành cây khô để khều.

Nhà triết học coi chiếc gậy khều là cách kéo dài tầm thước tự nhiên của cơ thể, liền triết lý: Người là con vật biết dùng công cụ.

Xin lưu ý cho hai cách cư xử: nhặt một cành cây khô có sẵn làm gậy khều với chặt một cành cây tươi làm gậy khều.

Hai cách cư xử ấy cách nhau hàng thế kỷ. Ngày nay, nên phân biệt: học để biết nhặt / học để biết chặt.

Đi học là Hạnh phúc.
 Đi học là Hạnh phúc.

Ngày nay, 100% dân cư đi học là chuyện bình thường.

Ngày nay, nhặt thì không cần học, nhưng phải học để biết chặt, học để biết làm ra cái mới và biết dùng cái làm ra – các công cụ hiện đại.

Thầy Khổng Tử mở trường tư dạy học, có 3000 học trò, mà có thi cử gì đâu! Thầy Khổng Tử khuyên trò nào nên làm quan gì (Thầy thì làm quan coi ngựa).

Sau này, học trò mấy đời của thầy Khổng Tử tiếp tục dạy, đông học trò hơn. Trò vẫn học để làm quan. Ngặt nỗi, chức quan thì ít, số người muốn làm quan thì nhiều, chọn ai bây giờ? Mà đã chọn tức cũng là gạt bỏ.

Ngày trước, chỉ 5% dân cư đi học, nếu chọn lấy 1% thì gạt bỏ 4%. Dân cư 96% không đi học đủ sức nuôi không 4% này.

Ngày nay, toàn thể 100% trẻ em đi học. Việc học là nhân tố tự nhiên như ánh sáng, như không khí của sự sống hằng ngày, thì sao còn dùng mẹo thi cử nhà trường để gạt bỏ một số trẻ em hiện đại?