Bài 1: Bí ẩn đằng sau việc đại gia Việt ồ ạt đổ hàng nghìn tỷ vào cảng biển

Các đại gia hàng đầu Việt Nam đang tỏ ra đặc biệt quan tâm đến quá trình IPO các cảng biển. Tại sao các cảng biển lại có sức hấp dẫn "bí ẩn" với các đại gia Việt đến như vậy?
Bài 1: Bí ẩn đằng sau việc đại gia Việt ồ ạt đổ hàng nghìn tỷ vào cảng biển

 Ồ ạt chi tiền tỷ mua cảng biển

Bức tranh cảng biển Việt Nam trong mấy tháng gần đây có sự thay đổi chóng mặt khi chuyển từ trạng thái ế ẩm sang đắt khách. Đặc biệt, các nhà đầu tư tư nhân, các doanh nghiệp Việt, các doanh nghiệp nước ngoài...tỏ ra hào hứng rất với cảng biển.

Giữa năm 2014, hàng loạt các cảng biển như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng...lần lượt IPO tuy nhiên hầu hết đều "ế". Tuy nhiên, cuối năm 2014 và đầu năm 2015, các cảng biển đột ngột có sức hút "thần kỳ" đối với các doanh nghiệp Việt.

Bắt đầu cơn sốt này đó là chuyện của Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển đề xuất mua cảng Quảng Ninh. Theo đó chủ tịch của Tập đoàn là ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) đã đề xuất mua lại toàn bộ 49 triệu cổ phần mà Nhà nước đang nắm giữ tại cảng Quảng Ninh.

Theo đó, T&T quan tâm đặc biệt đến Cảng Quảng Ninh từ gần một năm qua khi đã nhiều lần làm việc với doanh nghiệp cũng như trực tiếp tìm hiểu hoạt động kinh doanh của cảng biển lớn thứ hai tại miền Bắc. Mặc dù, trước đó trong đợt IP0 tháng 5/2014, tỷ lệ cổ phần bán bị ế nặng nên hiện tại Nhà nước vẫn nắm giữ hơn 98% tại cảng này.

Xét về hoạt động kinh doanh, năm 2014 cảng vẫn đạt doanh thu 316 tỷ đồng, lợi nhuận là 12 tỷ đồng. Mới đây nhất bầu Hiển đã cho biết Bộ GTVT đã đồng ý bán cảng Quảng Ninh cho T&T.

Tiếp đó, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã đề xuất mua hai cảng biển lớn nhất Việt Nam đó là cảng Hải Phòng và cảng Sài Gòn.

Cụ thể, với cảng Sài Gòn Vingroup đề xuất mua 80% cổ phần trước khi nhà nước thoái vốn. Được biết, tại thời điểm đầu năm 2014, Cảng Sài Gòn có giá trị xấp xỉ 4.000 tỷ đồng trong đó phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 2.160 tỷ đồng.

Đối với cảng Hải Phòng, Vingroup cũng đề nghị mua lại 80% cổ phần của Nhà nước đang nắm giữ tại đây. Cảng Hải Phòng có vốn điều lệ hơn 3270 tỷ đồng. Hiện Nhà nước vẫn đang nắm giữ tới 95% vốn tại đây.

Trước đó, trong ngày 17/3, Thủ tướng CP Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức có công văn đồng ý cho Vinalines được chuyển nhượng 8,5 triệu cổ phần theo hình thức thỏa thuận trực tiếp với Công ty cổ phần Vinpearl Nha Trang (thuộc Vingroup).

Sau cổ phần hóa, Cảng Nha Trang hiện có vốn điều lệ 245,3 tỷ đồng, tương đương 24,5 triệu cổ phần. Với việc nhận chuyển nhượng 8,5 triệu cổ phần Cảng Nha trang từ Vinalines, Công ty cổ phần Vinpearl Nha Trang sẽ sở hữu 34,65% vốn điều lệ còn UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ giữ tỷ lệ cổ phần chi phối (61,43%).

Ở các cảng khác như cảng Nghệ Tĩnh, trong đợt IPO cuối năm 2015 đã bán "hết veo" hơn 8,5 triệu cổ phần, với 47 nhà đầu tư đặt mua.

Cảng biển đang là cuộc chơi mới của các
Cảng biển đang là cuộc chơi mới của các "ông lớn"

Nút thắt chính sách đã mở tung cho nhà đầu tư

Mới đây, người đứng đầu Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết sẽ thoái vốn tối đa, thậm chí rút toàn bộ vốn của Nhà Nước tại các khu cảng biển.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc thay đổi tư duy theo hướng giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước tại các cảng biển sẽ tháo gỡ nút thắt trong quá trình cổ phần hóa. Đồng thời tạo cơ hội Nhà nước thu hồi lại vốn, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển.

Còn Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường thì cho rằng: "Việc xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là yêu cầu của ngành cũng như cả nền kinh tế. Vừa qua, Chính phủ có giao cho Bộ Giao thông Vận tải xây dựng đề án xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng không chỉ đường bộ mà cả đường sắt, hàng hải, hàng không…".

Theo đó trong danh mục xã hội hóa hàng hải là một lĩnh vực quan trọng. Thời gian qua, IPO trong lĩnh vực cảng biển có sự thu hút "thần kỳ" với các nhà đầu tư tư nhân. Theo các chuyên gia, nút thắt về chính sách được mở tung đã khiến các nhà đầu tư hào hứng.

Trước đó, Thủ tướng đã có quyết định, yêu cầu doanh nghiệp trong lĩnh quản lý, khai thác vực hạ tầng cảng biển, sân bay thì tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa không dưới 75%. Vì cho rằng mức tỷ lệ này vẫn còn quá cao nên các nhà đầu tư tư nhân tỏ ra không mặn mà. Chính vì vậy, IPO cảng biển đã có một mùa ế ẩm. Nhiều cảng biển: Cảng Cần Thơ, Cảng Chân Mây, Cảng Đà Nẵng (lần 1)...tỷ lệ chào bán thành công rất thấp.

Tuy nhiên, ở thời điểm cuối năm 2014, Chính Phủ đã đồng ý thoái vốn ở tỷ lệ thấp hơn. Theo kế hoạch này, Nhà nước chỉ giữ vốn chi phối tại 7 cảng lớn gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ, Nghệ Tĩnh, Cam Ranh.

Theo đó, Nhà nước sẽ nắm giữ tỷ lệ vốn 51% ở các cảng: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Sài Gòn. Với 3 cảng Cần Thơ, Nghệ Tĩnh, Cam Ranh, tỷ lệ vốn Nhà nước cũng điều chỉnh xuống còn 49%. Các cảng còn lại có thể thoái toàn bộ vốn.

Như vậy, nút thắt chính sách đã được mở để mời gọi nhà đầu tư vào cảng biển. Việc còn lại chỉ là chính sách bán thế nào, chọn nhà đầu tư nào? Theo quy định, nhà đầu tư nào trả giá cao sẽ được mua, trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng kí mua thì Bộ GTVT sẽ xin phép Thủ tướng Chính Phủ.

Tại sao các đại gia Việt lại lần lượt xin mua lại các cảng biển, phải chăng cảng biển sẽ đem lại cợ hội làm ăn lớn trong tương lai?

Mời bạn đọc đón đọc Bài 2: Giải mã sự quyến rũ hút hàng nghìn tỷ của cảng biển

Theo NĐH